|
Hoạt động khai thác dầu khí tại Giàn Cá Tầm 02. Ảnh: MINH SƠN |
Quyết tâm tái cơ cấu bộ máy tổ chức
Trong lịch sử gần 60 năm xây dựng và phát triển ngành dầu khí Việt Nam mà chủ lực là Petrovietnam thì không có giai đoạn nào mà Tập đoàn lại phải liên tiếp đối phó với những cuộc khủng hoảng kép, kéo dài từ cuối năm 2014 đến năm 2022. Đó là việc hàng loạt cán bộ cao cấp của Petrovietnam mắc sai phạm bị xử lý với nhiều hình thức khác nhau kéo dài suốt từ 2014 đến 2017.
Rồi việc giá dầu giảm sâu thê thảm từ giữa năm 2015 cho đến năm 2019 khiến ngành khai thác dầu trên thế giới lâm khủng hoảng chưa từng có. Petrovietnam cũng chịu vòng xoáy giảm giá đó. Hậu quả là nhiều dự án bị dừng, giãn tiến độ; một số đơn vị thành viên thiếu công việc trầm trọng; rồi có những giàn khoan hiện đại bậc nhất thế giới phải nằm bờ gây tốn kém lớn cho việc bảo trì, bảo dưỡng.
Và đến năm 2020 thì lại bùng phát đại dịch COVID-19. Cả thế giới chao đảo vì đại dịch này… Petrovietnam cũng bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng nhờ công tác phòng, chống dịch được làm rất tốt nên không xảy ra trường hợp đáng tiếc nào; hoạt động của Tập đoàn vẫn ổn định.
Trong bối cảnh ấy, như người ta nói “trong nguy có cơ”, với bản lĩnh và ý chí của người dầu khí, lãnh đạo Tập đoàn đã quyết tâm thay đổi chính mình và phải tự cứu mình chứ không thể chờ ai cứu được. Một trong những biện pháp quan trọng nhất, đó là phải tái cơ cấu bộ máy tổ chức của cơ quan Tập đoàn và tất cả các đơn vị thành viên.
Trước bối cảnh khó khăn hiện tại của Tập đoàn, việc rà soát, sắp xếp bộ máy điều hành nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác quản trị doanh nghiệp là nhu cầu hết sức cấp thiết đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói chung, nhu cầu cấp thiết với Công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và từng đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp thành viên nói riêng.
Và cũng phải thừa nhận rằng, bộ máy quản lý của Tập đoàn đang quá cồng kềnh, thậm chí chồng chéo nhau về chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban; số lượng cán bộ quá nhiều... Từ đó đã gây nên tình trạng “cha chung không ai khóc”; rồi sự đùn đẩy, không chịu xử lý, giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền, gây nên sự trì trệ trong công tác điều hành và quản lý của lãnh đạo các cấp.
Để làm được điều này, lãnh đạo Tập đoàn đã lường trước được tất cả những khó khăn sẽ vấp phải. Khó khăn đầu tiên chính là sẽ có rất nhiều cán bộ phải thay đổi vị trí công tác, bị miễn nhiệm, bị xuống chức do sáp nhập các đơn vị... Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến tâm tư của mỗi người.
Chính vì thế, Tập đoàn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ các cấp ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh... làm thế nào để mỗi người lao động của Tập đoàn Dầu khí phải hiểu rằng: không tái cơ cấu bộ máy tổ chức thì... không thể tồn tại được, chứ chưa nói đến phát triển. Và, việc tái cơ cấu đòi hỏi sự hy sinh của nhiều cán bộ, đảng viên.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; lãnh đạo Petrovietnam đã quyết tâm phải thực hiện việc tái cơ cấu bộ máy quản lý của Công ty mẹ và từ đó rút kinh nghiệm để triển khai tới các đơn vị thành viên.
Quan điểm chung là phải tổ chức mô hình quản trị hiệu lực, hiệu quả, có tính đến việc sớm ứng dụng khoa học công nghệ để hiện đại hóa công tác quản trị, nâng cao chất lượng quản trị, điều hành của Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên.
Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn và Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc xác định phải thống nhất tư tưởng và nhận thức để hành động quyết tâm, xuyên suốt trong việc tái cấu trúc Tập đoàn gắn với triển khai đổi mới sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ từ mục tiêu chiến lược đến mô hình quản trị và cơ cấu tổ chức bộ máy, rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các quy chế quản trị và các quy định chức năng nhiệm vụ, tiêu chuẩn định biên, tiêu chuẩn chức danh và thực hiện tinh giản đầu mối, tinh giản biên chế tổng thể tại Công ty mẹ Tập đoàn, các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp thành viên, tổ chức Đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong phạm vi toàn Tập đoàn.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra thì cần cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện, thận trọng nhưng triển khai phải quyết liệt, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, chống tiêu cực trong thực hiện rà soát, đánh giá, bố trí, sắp xếp tổ chức và nhân sự, giảm định biên, biên chế.
Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn có trách nhiệm tham mưu xây dựng đề án kiện toàn, đổi mới, sắp xếp lại hệ thống tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ Tập đoàn, sắp xếp bộ máy tham mưu giúp việc cấp uỷ của Tập đoàn và các chi ủy, đảng ủy trực thuộc nhằm đảm bảo thực hiện theo Quy định số 69-QĐ/TW ngày 13/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Để tránh tình trạng có “phát” mà “không động”, lãnh đạo Petrovietnam phân công nhiệm vụ cho từng cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị đoàn thể rất cụ thể.
Trước hết, Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn phải chủ trì, phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của Tập đoàn: Xây dựng đề án kiện toàn, đổi mới hệ thống tổ chức các đoàn thể chính trị - xã hội từ Tập đoàn tới cơ sở; sắp xếp bộ máy tổ chức, cơ quan tham mưu giúp việc của các đoàn thể chính trị - xã hội trong Tập đoàn đồng bộ với hệ thống tổ chức cơ sở Đảng, theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tối ưu hoá nhân sự; đổi mới phương thức hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của Tập đoàn.
Các đoàn thể chính trị - xã hội trong toàn Petrovietnam phải phối hợp xây dựng đề án kiện toàn, đổi mới hệ thống tổ chức các đoàn thể chính trị - xã hội từ Tập đoàn tới cơ sở để trình Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn. Tham gia ý kiến vào các phương án tái cơ cấu, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tập đoàn và Công ty mẹ - Tập đoàn theo chức năng, quy định của pháp luật.
Và một điều rất quan trọng khác là tích cực trong tuyên truyền, vận động, phổ biến đầy đủ các thông tin, chủ trương của Tập đoàn để đoàn viên, hội viên nắm rõ và đồng thuận thực hiện tốt các mục tiêu của việc sắp xếp, tái cơ cấu, tinh giản bộ máy và tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của Tập đoàn và từng đơn vị.
Đảm bảo các quyền lợi của người lao động
Từ cuối năm 2018, cả Tập đoàn bắt tay vào việc tái cơ cấu. Và chỉ 3 tháng sau, mọi việc đã “đâu vào đấy”. Bộ máy quản trị mới của Petrovietnam đã sớm phát huy hiệu quả. Tính đến hết tháng 12/2018, PVN đã thực hiện sắp xếp giảm từ 32 đầu mối ban chuyên môn xuống còn 17 đầu mối. Số lượng phòng trong các ban cũng giảm xuống từ 73 xuống còn 51 phòng; số lượng lãnh đạo ban giảm từ 111 người xuống còn 64 người… Tập đoàn đã kiện toàn được 14 trưởng các ban, văn phòng Tập đoàn, 50 phó trưởng ban và 116 cán bộ quản lý cấp phòng.
Cùng với việc tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy điều hành tại cơ quan Tập đoàn, thực hiện sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng uỷ Tập đoàn, công tác tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy tại các đơn vị thành viên PVN được triển khai quyết liệt và hiệu quả. Tập đoàn đã giới thiệu để bầu/bổ nhiệm 14 cán bộ tham gia các vị trí quản lý điều hành, người đại diện Tập đoàn, UVHĐQT độc lập tại các đơn vị thành viên.
Qua công tác tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy đã tạo một luồng sinh khí mới, khí thế mới trong toàn bộ mọi hoạt động của Tập đoàn. Việc cắt giảm các đầu mối ban chuyên môn/văn phòng và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong bộ máy bước đầu đã khắc phục tình trạng ỉ lại, né tránh trách nhiệm, gây chậm trễ trong xử lý công việc. Cán bộ, đảng viên, người lao động trong toàn Tập đoàn thể hiện sự tin tưởng, yên tâm lao động cống hiến, nỗ lực vượt khó để cùng lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ giao.
Chính sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong Tập đoàn, tiên phong gương mẫu là từng đảng viên và các tổ chức Đảng, mà người lao động dầu khí đều hiểu rằng: Để Tập đoàn phát triển bền vững thì không còn con đường nào khác là phải xây dựng một bộ máy quản lý tinh, gọn, hiệu quả.
Trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, điều đáng mừng nhất ở Tập đoàn là không xảy ra những vụ khiếu kiện kéo dài, không xảy ra những vụ việc tiêu cực như lãn công, đình công. Tất cả những người đang giữ chức vụ, nếu bị thuyên chuyển hoặc bị thay đổi vị trí, đều chấp hành một cách có trách nhiệm và ý thức được rõ ràng là “phải thế”.
Trên cơ quan Tập đoàn, từ 32 đầu mối, giảm xuống còn 17 đầu mối; hàng chục cán bộ cấp trưởng phải xuống làm cấp phó và từ cấp phó phải xuống chuyên viên. Ấy vậy mà, mọi việc cứ “êm như không”!
Một bước đi có tính đột phá chiến lược nữa là Đề án “Tái tạo văn hóa Petrovietnam” với mục tiêu tái tạo văn hóa đi trước để củng cố và tạo đà cho tái tạo kinh doanh.
Chỉ có xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc của người dầu khí “Khát vọng - Chuyên nghiệp - Hiệu quả - Nghĩa tình” thì mới tạo được tính kỷ luật, kỷ cương và tinh thần đồng đội, từ đó xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả. Đây không chỉ là một chiến lược quan trọng nhằm khôi phục, củng cố niềm tin trong nội bộ mà còn tạo động lực mạnh mẽ cho sự đổi mới toàn diện của Tập đoàn.
Hiệu quả tích cực từ tái cơ cấu
Nhờ việc tái cơ cấu lại bộ máy quản trị và song song với đó là các chủ trương có tính chiến lược rất chính xác như “quản trị biến động, phòng ngừa rủi ro”, Petrovietnam đã vượt qua hai cuộc khủng hoảng kép là giá dầu suy giảm và đại dịch COVID-19 và đạt được những kết quả ấn tượng trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay.
Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn tăng 19% so với năm 2020, đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Tổng doanh thu tăng 81% so với năm 2020, bình quân hàng năm đóng góp 9-10% GDP của cả nước. Riêng năm 2023, Petrovietnam đã nộp ngân sách Nhà nước tăng 83% so với năm 2020, bình quân hàng năm chiếm 9-9,5% tổng thu ngân sách quốc gia.
Từ năm 2020 đến hết tháng 6/2024, Petrovietnam đã đạt tổng doanh thu 3,6 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 600 nghìn tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 230 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn đã hoàn thành xuất sắc trước hai năm các chỉ tiêu tài chính giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong lĩnh vực sản xuất, Petrovietnam duy trì sản lượng khai thác dầu thô trung bình đạt 7,5-8,5 triệu tấn/năm, sản lượng khí đạt 6-8 tỷ m³/năm. Tập đoàn cung cấp hơn 13,5 triệu tấn xăng dầu mỗi năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nội địa. Ngoài ra, Petrovietnam còn sản xuất 1,6-1,7 triệu tấn phân đạm, đáp ứng 70-80% nhu cầu trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Hiện nay, thực hiện các chủ trương có tính chiến lược của Bộ Chính trị đề ra, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành “Kế hoạch triển khai xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo tinh thần Kết luận 76” với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu”, nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt nghiêm túc các quan điểm, tạo sự đồng thuận cao từ Công ty mẹ - Tập đoàn đến các đơn vị thành viên, từ cán bộ lãnh đạo các đơn vị đến người lao động trong quá trình triển khai xây dựng và thực hiện các chiến lược, mục tiêu kể trên.
Hiện nay, Tập đoàn đang chuẩn bị một kế hoạch lớn là “Tái cơ cấu lần 2”. Và, với những bài học thành công trong việc tái cơ cấu từ năm 2018, chắc chắn Petrovietnam sẽ xây dựng được bộ máy quản trị tinh gọn hơn, hiệu quả hơn để hướng tới là xây dựng Tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia.