Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu

Thứ năm, 12/10/2023 19:35
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Bình Dương đang đối diện với nhiều khó khăn do sụt giảm đơn hàng, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực. Để giải quyết vấn đề này, địa phương đang tăng cường các giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ trong 9 tháng năm 2023 của Bình Dương đạt gần gần 4 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tỉnh Bình Dương đạt 23 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, các thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của Bình Dương đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất của tỉnh với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 9 tháng năm 2023 đạt gần 8,2 tỷ USD, chiếm 35,4% kim ngạch xuất khẩu và giảm 15,1% so với cùng kỳ; còn thị trường châu Âu (EU) đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 18,2% và giảm 9,2%; Nhật Bản đạt hơn 2,5 tỷ USD, chiếm 11% và giảm 13,4%; Trung Quốc đạt gần 1,86 tỷ USD, chiếm 8% và giảm 10,4%; Hàn Quốc đạt 912,3 triệu USD, chiếm 3,9% và giảm 7,2%...

Đáng chú ý, nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Bình Dương sụt giảm về đơn hàng. Đơn cử, sản phẩm gỗ chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu gần 4 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ; hàng da giày đạt kim ngạch gần 1,2 tỷ USD, giảm 33,9% so với cùng kỳ; hàng dệt may đạt hơn 2,18 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ...

Theo bà Phan Lê Diễm Trang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương, ngành dệt may phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu dùng thế giới, nhất là một số thị trường xuất khẩu truyền thống lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... khi những thị trường này gặp khó, đã kéo theo kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ.

Một khó khăn khác, theo bà Trang, doanh nghiệp dệt may cũng đang xoay xở đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, sản xuất bền vững từ các thị trường nhập khẩu lớn.

Trước khó khăn của các doanh nghiệp trên địa bàn, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tỉnh Bình Dương đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và cơ quan Tham tán thương mại nước ngoài thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại trong, ngoài nước. Qua đó, giúp doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường, đồng thời ký kết thêm các đơn hàng xuất khẩu mới, cũng như thúc đẩy tiêu thụ nội địa giảm tồn kho cho doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: Bình Dương nằm trong nhóm những tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước nên cũng là địa phương chịu tác động sâu rộng từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn. Giai đoạn 2021-2023, xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng không ổn định, có xu hướng giảm dần trong giai đoạn từ giữa năm 2022 đến năm 2023, do thiếu đơn hàng xuất khẩu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu, bà Nguyễn Thanh Hà cho biết: Sở tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 như: Thường xuyên nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời thường xuyên chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh.

Cùng với đó, tích cực triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ. Triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp của ngành Công Thương, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh…

Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, Sở tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới thị trường.

Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới và thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Trong đó, hướng đến các thị trường mới, còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu... Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu…

Bên cạnh đó, ngành Công Thương sẽ triển khai các giải pháp cụ thể với định hướng thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, thị trường; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu hàng hóa của Bình Dương thâm nhập sâu vào các hệ thống phân phối nước ngoài./..

Lê Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực