Bình Dương: Kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc

Thứ năm, 14/07/2022 23:26
(ĐCSVN) – Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bình Dương, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh Bình Dương và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2022. (Ảnh: binhduong.gov.vn)

Tại Kỳ họp thứ 6 - HĐND tỉnh khoá X, ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã trình bày Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022.

Báo cáo nhấn mạnh năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2021 – 2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Bộ ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; xung đột, cạnh tranh địa chính trị, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt; giá dầu thô, nguyên liệu, hàng hóa cơ bản ở mức cao... Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Báo cáo đề cập trong số 34 chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường - đô thị chủ yếu; đến nay đã có 13/34 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch năm; 04/34 chỉ tiêu đạt thấp (tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu, chi ngân sách nhà nước, số bác sĩ trên 1 vạn dân, số giường bệnh trên 1 vạn dân); các chỉ tiêu còn lại đều duy trì mức tăng ổn định (đã đạt trên 50% kế hoạch, dự kiến hoàn thành kế hoạch vào cuối năm). UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, có giải pháp cụ thể trong từng tháng, từng quý trong 6 tháng cuối năm để phấn đấu hoàn thành 34/34 chỉ tiêu đã đề ra.

Kinh tế từng bước phục hồi tích cực qua từng tháng, từng quý, tăng trưởng GRDP quý I ước tăng 5,3%, quý II tăng 8,35% so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực, đóng góp chính vào mức tăng trưởng chung. Hầu hết các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí sôi động trở lại; sản xuất nông nghiệp ổn định, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Hàng hóa được cung ứng đảm bảo nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, phòng, chống dịch; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong tỉnh được bảo đảm. Các thị trường xuất khẩu quan trọng như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông phục hồi mạnh mẽ nên kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19 tỷ 181 triệu đô la Mỹ, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12 tỷ 792 triệu đô la Mỹ; duy trì thặng dư thương mại gần 6,4 tỷ đô la Mỹ.

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tiến trình mở cửa, phục hồi của nền kinh tế được tăng lên. Số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp tái gia nhập thị trường tăng trong khi số doanh nghiệp giải thể giảm 37,5% so với cùng kỳ 2021. Thu hút đầu tư nước ngoài 2 tỷ 527 triệu đô la Mỹ (đạt 140% kế hoạch, tăng 91% so với cùng kỳ 2021), gồm 30 dự án mới (1 tỷ 787 triệu đô la Mỹ), 12 dự án điều chỉnh tăng vốn (16 triệu đô la Mỹ), 82 dự án góp vốn (724 triệu đô la Mỹ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.053 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 39,56 tỷ đô la Mỹ. UBND tỉnh đã tổ chức động thổ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III; đang triển khai đề án điều chỉnh đối với Khu công nghiệp Bàu Bàng và Cây Trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dành cho biết, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành, lĩnh vực; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Nhiều chính sách dài hơi tạo động lực phát triển cho tỉnh được gấp rút hoàn thành: Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phương án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung của các thị xã, thành phố, quy hoạch vùng của cấp huyện để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Cùng với đó, UBND cấp huyện, cấp xã đang triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng cấp xã, quy hoạch phân khu các khu chức năng trong đô thị, quy hoạch chi tiết các khu vực tái định cư để làm cơ sở phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Đồng thời phối hợp nghiên cứu, triển khai các dự án giao thông kết nối, liên kết vùng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện, nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị hài hoà, hợp lý để khai thác lợi thế của các sông Sài Gòn, Đồng Nai, dọc các tuyến đường trọng điểm và phương án bố trí, sử dụng các khu đất, trụ sở của các cơ quan, ban ngành tỉnh sau khi đã di dời trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một; triển khai chỉnh trang, nâng cấp đô thị, khắc phục, chỉnh trang các khu, điểm nhà ở tự phát, xử lý các điểm ngập úng đô thị; tăng cường quản lý trật tự đô thị, thị trường bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai; theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả nguyên vật liệu ngành Xây dựng. Tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; xúc tiến thủ tục đầu tư các dự án: đường Mỹ Phước - Tân Vạn, mở rộng Quốc lộ 13 và các nút giao, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1. Tập trung các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kéo giảm tai nạn; phân luồng, điều chỉnh tổ chức giao thông đối với một số tuyến đường huyết mạch trên địa bàn tỉnh; đôn đốc thực hiện thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng và nghiên cứu sắp xếp các trạm thu phí; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 5% so với cùng kỳ.

Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động tiếp tục được quan tâm, triển khai; tổ chức khánh thành khu 2 nhà ở xã hội Định Hòa và tiếp tục động thổ xây dựng 20.000 căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn tiếp theo.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kinh tế, chính trị thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022, các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao hơn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tranh thủ thời gian đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp cân đối, bình ổn kịp thời (nhất là điện, xăng dầu). Phân tích, đánh giá các hạn chế, yếu kém trong điều hành giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt, còn thiếu vốn để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch. Phối hợp theo dõi tiến độ, đôn đốc triển khai các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cảng An Tây, kéo dài tuyến Metro từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng - thành phố Dĩ An, tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép, nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1. Song song đó, chăm lo đời sống nhân dân, triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19…

PV(T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực