Bộ Công Thương sẽ thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia

Thứ ba, 29/11/2022 23:09
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ Công Thương sẽ có 28 đầu mối, giảm hai đơn vị so với trước đây, thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia để thay thế cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: P.V) 

Ngày 29/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, trong đó có nhiều điểm mới.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ có 1 tổng cục, 10 cục, 10 vụ, thanh tra bộ, văn phòng bộ và các đơn vị sự nghiệp khác với một số đơn vị cũ sẽ được thay đổi.

Cụ thể, Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính, Đổi mới doanh nghiệp sẽ sáp nhập thành Vụ Kế hoạch Tài chính. Cục Công tác phía Nam được giải thể, sắp xếp lại theo hướng là đại diện của Văn phòng bộ tại khu vực phía Nam.

Đáng chú ý, cơ cấu tổ chức lần này của Bộ Công Thương có đơn vị mới sẽ được thành lập là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia để thay thế cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy vậy, cục này sẽ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ cho tới khi Chính phủ có quy định về cơ cấu tổ chức, quyền hạn, chức năng của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Bộ trưởng Công Thương sẽ trình Chính phủ nghị định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, cơ cấu tổ chức của ủy ban.

Theo tờ trình của Bộ Công Thương hồi giữa năm nay, ủy ban này là mô hình đặc biệt, cùng lúc thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong ba lĩnh vực (gồm quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kinh doanh đa cấp) và tố tụng, tài phán…

Ủy ban này được lập trên cơ sở tổ chức lại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Hội đồng và văn phòng Hội đồng Cạnh tranh, với bộ máy giúp việc là cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh.

Quá trình điều tra, cơ quan này có quyền thu thập thông tin, triệu tập người làm chứng... để phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm. Chủ tịch ủy ban do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của bộ trưởng Công Thương, nhiệm kỳ 5 năm.

Cũng theo nghị định, 3 vụ gồm: Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi và Thị trường châu Âu - châu Mỹ sẽ được tổ chức mỗi đơn vị có 3 phòng.

Bộ trưởng Công Thương sẽ trình Thủ tướng quyết định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường; danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc bộ.

Nghị định 96/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/12 tới. Hiện, Bộ Công Thương có 30 đơn vị đầu mối, trong đó 1 Tổng cục Quản lý thị trường, 12 cục, 12 vụ và các đơn vị sự nghiệp, cơ quan thương vụ. Năm 2017, bộ này đã từng sắp xếp tinh gọn, giảm 5 đơn vị đầu mối.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực