Cần kết nối hệ thống đường sắt với Cảng hàng không quốc Long Thành

Thứ hai, 11/09/2023 08:54
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cảng hàng không quốc tế Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Vấn đề kết nối hệ thống giao thông khu vực đến sân bay Long Thành được xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng, tuy nhiên hiện tại mới chỉ có đường bộ, chưa có đường sắt.

Đường bộ kết nối sân bay Long Thành

Mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành.  

Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), nằm tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 4,6 tỷ USD, nhằm mục tiêu xây dựng cảng hàng không quốc tế cấp 4F, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng một đường cất-hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ. Ở giai đoạn 2, sẽ xây dựng tiếp nhà ga hành khách và đường cất-hạ cánh thứ hai tương tự giai đoạn 1. Tiếp đó, giai đoạn 3, sẽ xây thêm hai nhà ga hành khách và hai đường cất-hạ cánh, công suất khai thác sau khi hoàn thành toàn bộ sẽ đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Hiện khu vực sân bay Long Thành có các hướng kết nối đi các địa phương như TP Hồ Chí Minh; các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận; và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ sân bay Long Thành, để đến khu vực TP Hồ Chí Minh, sẽ kết nối bằng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành; qua phà Cát Lái và qua quốc lộ 1, xa lộ Hà Nội hoặc quốc lộ 51, cầu Sài Gòn…

Đến Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và Campuchia, có thể kết nối theo hướng quốc lộ 13, quốc lộ 22 và 22B. Đến Lâm Đồng, Bình Thuận và duyên hải Nam Trung Bộ, theo cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, quốc lộ 20 và quốc lộ 1. Với Bà Rịa-Vũng Tàu, trục giao thông duy nhất là quốc lộ 51, sau này có thêm cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu (cao tốc này vừa mới khởi công). Các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể đi theo cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành, TP Hồ Chí Minh-Trung Lương-Mỹ Thuận hoặc quốc lộ 1. Ở giai đoạn 1 đang triển khai, phương án kết nối về Thủ Thiêm chỉ là đường bộ. Kết quả các nghiên cứu chỉ ra, tới 70% lưu lượng hành khách sẽ tập trung theo hướng sân bay Long Thành-Thủ Thiêm, trong khi đoạn từ nút giao An Phú tới trạm thu phí Long Phước sẽ thường xuyên bị ách tắc kéo dài, nhất là vào các ngày nghỉ lễ, tết và khi sân bay Long Thành đi vào khai thác từ 2026, nếu không được mở rộng, đoạn đường này sẽ kẹt xe nghiêm trọng.

Có thể thấy, sân bay Long Thành có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh mà còn cả toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, hệ thống giao thông hiện tại của vùng Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh kết nối tới sân bay Long Thành còn rất hạn chế, mới chỉ có tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây đang khai thác và đã quá tải. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên tuyến cao tốc này và quốc lộ 51 diễn ra thường xuyên, có thể tê liệt bất cứ lúc nào nếu xảy ra va chạm phương tiện trên cao tốc TP Hồ Chí Minh- Long Thành- Dầu Giây. Trong khi đó, các dự án tiếp cận khác như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Bến Lức-Long Thành, Thủ Dầu Một-Chơn Thành vẫn chưa đi vào hoạt động.

Bất cập lớn của sân bay Long Thành hiện nay là kết nối đến các khu vực khác duy nhất theo phương thức đường bộ, chưa có kết nối đường sắt. Về vị trí địa lý, sân bay Long Thành cách Thành phố Hồ Chí Minh gần 50km. Ở các nước trên thế giới, nếu có sân bay tương tự cách xa trung tâm thành phố lớn, họ thường sử dụng hệ thống đường sắt nhẹ. Chính vì vậy, theo các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, căn cứ tiến trình đầu tư xây dựng và nhu cầu giao thông kết nối, đến năm 2030, tương đương giai đoạn 2 của sân bay Long Thành (công suất 50 triệu hành khách/năm), cần nghiên cứu phương án triển khai dự án đầu tư xây dựng đường sắt Long Thành-Thủ Thiêm, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ với giai đoạn 2.

Hai tuyến đường sắt cho sân bay Long Thành

Sơ đồ tuyến đường sắt Thủ Thiêm- Sân bay Long Thành. 

Để tăng khả năng kết nối của sân bay Long Thành với TP Hồ Chí Minh và hệ thống cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, việc sớm đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu là cấp thiết.

Chính phủ cũng đã có công văn yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với các tỉnh, thành phố là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh cùng các bộ - ngành liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Theo đề xuất, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (Thủ Đức- TP Hồ Chí Minh), điểm cuối là sân bay Long Thành, chiều dài toàn tuyến khoảng 38 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng trên 40 nghìn tỷ đồng. Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84 km, có điểm đầu từ ga Trảng Bom (Đồng Nai), điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa- Vũng Tàu), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 50.000 tỷ đồng.

Dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành được Bộ Giao thông vận tải xác định là một trong những dự án động lực của kỳ trung hạn tiếp theo nhằm tăng cường các phương thức vận tải kết nối với sân bay Long Thành và đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2022 để triển khai nghiên cứu.

Đối với dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai thống nhất với các địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, Bộ này cũng cho biết, hoàn toàn ủng hộ đề xuất của tỉnh Đồng Nai, bởi khi có tuyến đường sắt này, sẽ tăng khả năng kết nối đồng bộ với sân bay Long Thành, cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, giảm áp lực cho giao thông đường bộ, hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực.

Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cũng khẳng định, hai dự án đường sắt nói trên đem lại nhiều lợi ích khi đưa vào sử dụng. Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành không chỉ phục vụ hành khách đi lại giữa sân bay Long Thành và ga Thủ Thiêm mà còn phục vụ dân cư khu đô thị Thủ Thiêm đi sân bay hoặc về ga Thủ Thiêm để chuyển tuyến đi vào trung tâm thành phố cũng như đi tiếp các tuyến khác.

PGS- TS. Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho biết, khu vực kinh tế trọng điểm phải kết nối bằng các tuyến đường sắt nhẹ. Đường sắt phải là tuyến đường chủ lực chứ không phải đường bộ. Đường bộ chỉ giải quyết được vấn đề trong giai đoạn ngắn. Về lâu dài chúng ta phải làm đường sắt kết nối vùng.

Theo các chuyên gia, toàn bộ tuyến đường sắt kết nối nên đầu tư đường đôi khổ 1.435mm, chạy điện, có các nhà ga, hạ tầng, cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa, đoàn tàu, đội ngũ quản lý, vận hành,... thông số vận hành bảo đảm cho hàng nghìn hành khách di chuyển trên hành trình 38km từ sân bay Long Thành đến Thủ Thiêm và ngược lại không mất quá 20-30 phút

Đối với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, theo đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, đây là tuyến đường sắt có ưu thế vận tải hàng hóa khối lượng lớn, tốc độ nhanh, giá cước rẻ hơn vận tải đường bộ với cự ly vận chuyển trên 50 km, do đó sẽ phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng giao nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện hai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, địa phương sẽ khẩn trương tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện dự án, sớm đưa vào khai thác đồng bộ với tiến độ của sân bay quốc tế Long Thành. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cũng nhấn mạnh tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết một phần hiện trạng giao thông đang quá tải của Quốc lộ 51 hiện nay. Đặc biệt, dự án hoàn thành sẽ giúp rút ngắn thời gian đưa hàng về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu./..

Bảo Châu (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực