Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị cho phục hồi sau đại dịch

Thứ năm, 15/10/2020 15:15
(ĐCSVN) - Đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Dù Chính phủ đã có những giải pháp chính sách kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm hỗ trợ và giải cứu một số khu vực kinh tế và đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng sự trở lại của đại dịch tại nhiều địa phương trong cả nước đã, đang và sẽ tác động toàn diện và nặng nề hơn đến nền kinh tế, đòi hỏi phải có những giải pháp và chính sách bổ sung mạnh mẽ hơn.

Ngày 15/10, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp cùng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chính sách vượt qua tác động của COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế” với mục tiêu đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế, đánh giá các chính sách thuộc gói hỗ trợ lần 1, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho những giải pháp chính sách tiếp theo nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục hồi sau đại dịch.

 Các chuyên gia diễn giả chính của Hội thảo. (Ảnh: BTC)

Hội thảo có sự tham gia chia sẻ của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế uy tín trong và ngoài nước. Đặc biệt, thu hút sự tham dự của đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban kiểm tra của Quốc hội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước. Các tổ chức quốc tế: ADB; JICA; Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Ngân hàng thế giới (WB); các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các cơ quan báo chí....

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, các ý kiến và đề xuất tại Hội thảo lần này sẽ được chắt lọc để gửi đến Quốc hội và Chính phủ về quan điểm, định hướng chính sách và giải pháp để thực thi hiệu quả tiếp tục gói hỗ trợ lần 1 và các khuyến nghị cho gói hỗ trợ lần thứ 2, nhằm mục tiêu vượt qua khó khăn, duy trì phát triển kinh tế và chuẩn bị phục hồi sau đại dịch.

Theo đó, Hội thảo tập trung trao đổi thảo luận 50 tham luận của nhà nghiên cứu, các nhà khoa học đã gửi về Hội thảo, cùng nhau trao đổi về: Tác động của COVID-19 đến kinh tế thế giới và kinh nghiệm ứng phó của các quốc gia; tác động của COVID-19 đến kinh tế Việt Nam (tổng thể nền kinh tế, các ngành kinh tế, các khu vực kinh tế, các doanh nghiệp, người lao động, người dân,....); đánh giá kết quả và những tồn tại hạn chế của các chính sách và giải pháp ứng phó đã thực hiện tại Việt Nam, phân tích nguyên nhân cơ bản của các tồn tại hạn chế; phân tích và dự báo cơ hội và thách thức kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021.

Theo ngài Shimizu Akira, Trưởng đại diện của Văn phòng JICA tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 đang diễn ra đã mang đến những thay đổi to lớn và tương lai bất ổn đối với cấu trúc của thế giới, với nền kinh tế của các quốc gia và cuộc sống của người dân. Dịp này, ngài Shimizu Akira cũng đặc biệt chúc mừng Việt Nam vì những nỗ lực tuyệt vời trong việc khống chế dịch bệnh và đây là một điểm sáng.

Cũng theo ngài Trưởng đại diện, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW vào tháng 6/2020 chỉ đạo chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước. Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 thứ 2 trở lại Việt Nam, để thu thập được thông tin về tình hình đầu tư và kinh doanh hiện tại ở Việt Nam và cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài, JICA hợp tác với trường Đại học Kinh tế quốc dân để tiến hành nghiên cứu chung trên. “Đây sẽ là nghiên cứu tập trung và thực tiễn bởi nó nghiên cứu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế vĩ mô, đánh giá việc thực hiện và hiệu quả của các chính sách hỗ trợ khẩn cấp của chính phủ, các đề xuất biện pháp trung và dài hạn đối với giai đoạn trong và sau dịch bệnh và cách thức thực hiện các chính sách trung và dài hạn này một cách vững chắc” – ngài Shimizu Akira cho hay.

 Hội thảo diễn ra tại Hội trường A2, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. (Ảnh: HNV)

Có ý kiến cho rằng trong giai đoạn trong và sau dịch bệnh, việc đa dạng hóa chuỗi cung cấp toàn cầu sẽ được đẩy mạnh, và xu hướng này đang dần được hiện thực hóa. Do Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam cần phải tận dụng cơ hội này và hoạch định được chính sách phù hợp để đạt được sự phát triển toàn diện và bền vững.

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng NEU đưa ra trước hội thảo kết quả khảo sát và đánh giá của trường, cho biết giới doanh nghiệp và giới chuyên gia đánh giá cao việc Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra gói giải pháp 1 đúng và trúng. Nhưng, hiệu quả lại không cao trên thực tế. “80% doanh nghiệp được hỏi cho biết đã không tiếp cận được gói hỗ trợ do không đủ điều kiện và do không có thông tin về chính sách”, PGS.TS. Bùi Đức Thọ cho biết.

TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cũng bảy tỏ sự đáng tiếc khi hiệu quả của gói 1 thấp, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực, chính sách được chủ động ban hành kịp thời và quyết liệt với sự lắng nghe doanh nghiệp và đã xây dựng các kịch bản khác nhau để có phương án xử lý thích hợp nhất.

Cũng theo TS. Võ Trí Thành, đó là tuy chính sách đúng và kịp thời nhưng việc thực hiện không theo tinh thần thời chiến. “Quốc hội đồng hành nhưng không trao quyền cho Chính phủ, đơn cử như muốn giảm thuế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh phải chờ Quốc hội biểu quyết”, ông Thành nói.

Các nhà khoa học khuyến nghị cần tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế cả vĩ mô và vi mô, quan tâm đến quản trị rủi ro, bởi thế giới ngày càng bất định và mức độ bất định ngày càng gia tăng.

Kỳ vọng về gói hỗ trợ lần 2 đang rất lớn. Theo TS. Võ Trí Thành, gói hỗ lần này cần có một số nguyên tắc. Một là phải đủ lớn. Rất may chúng ta có tiền và chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách. Hai là diện phải rộng như gói 1 là có tính đến người lao động, có doanh nghiệp và có xã hội. Ba là phải có trọng điểm, hỗ trợ những lĩnh vực, những doanh nghiệp có tính lan tỏa. Ví dụ, có hỗ trợ ngành hàng không như các nước không? Bốn là thời gian, ít nhất phải thực hiện cả trong năm 2021. Năm là gói này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt khó như gói 1, gói 2 là hỗ trợ để vượt khó, để phục hồi và tái cấu trúc.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Đức Thọ đã nêu lên các khuyến nghị chính sách cho giai đoạn tiếp theo, gồm có cần hỗ trợ sản xuất kinh doanh nhiều hơn nữa và cần kéo dài các gói hỗ trợ; chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch; giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ…/.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực