Cây mắc ca cho thu nhập ổn định trên đất Thạch Thành

Thứ tư, 23/12/2020 16:11
(ĐCSVN) - Với địa hình đồi núi, để xóa đói giảm nghèo, những năm qua huyện Thạch Thành tỉnh Thanh Hóa đã đưa vào trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó, có cây mắc ca (Macadamia) xuất xứ từ Australia. Loại cây này đã được trồng ở Thạch Thành từ năm 2012 và đến nay cho thấy hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Ông Phạm Văn Hồ ở thôn 1, thị trấn Vân Du được biết đến là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca ở huyện Thạch Thành. Từ năm 2014 gia đình ông nhận khoán 1 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất để tiến hành trồng rừng và các loại cây có giá trị. Được sự giới thiệu của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về cây mắc ca khi vào thăm huyện Thạch Thành, ông Phạm Văn Hồ đã tìm hiểu thông tin về loại cây này qua các phương tiện truyền thông và mạnh dạn đưa vào trồng. Đây là loại cây có thể tận dụng trồng trên đất đồi dốc, năng suất trung bình đạt từ 4 tấn/ha, với giá bán tại vườn đã bóc vỏ cho các công ty xuất nhập khẩu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh 120.000 đồng/kg, gia đình ông Hồ có thu nhập hơn 200 triệu đồng/1 ha sau khi trừ chi phí.

Ông Phạm Văn Hồ và cây mắc ca. 

Qua một thời gian trồng, chăm sóc, theo dõi, ông Hồ khẳng định: Cây mắc ca dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí ít, nếu trồng trên đất bằng phẳng thì cây phát triển rất tốt, ít gặp sâu bệnh. Mắc ca là loại cây lâu năm, có thể cho thu hoạch hơn 60 năm, thân gỗ của mắc ca còn có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ.Trong 3 đến 4 năm đầu khi mắc ca chưa khép tán, có thể xen canh các loại cây như cà phê và nhiều loại cây hoa màu, cây dược liệu ngắn ngày để tăng thu nhập cho người dân.

Ông Phạm Văn Hồ vừa là người tiên phong trồng cây mắc ca vừa là Giám đốc rừng phòng hộ của 6 huyện miền núi Thanh Hóa nên ông vừa tuyên truyền vừa tạo điều kiện cho các gia đình nào muốn trồng cây mắc ca. Một số gia đình khác ở huyện Thạch Thành đã mạnh dạn tham gia trồng mắc ca. Cây mắc ca dễ chăm sóc, chi phí ít, nếu trồng trên đất bằng phẳng thì cây phát triển rất tốt, ít gặp sâu bệnh. Bên cạnh đó, cây mắc ca có thể cho thu hoạch hơn 60 năm, thân gỗ có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ nên cây mắc ca đã được các hộ nông dân tin trồng.

Do hiệu quả và tiềm năng của cây mắc ca, từ năm 2012 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành cũng đã tham gia mở rộng diện tích trồng cây mắc ca lên 100 ha ở các xã: Thành Vân, Thành Mỹ, Thành Sơn... chủ yếu là chuyển đổi từ diện tích đất trồng luồng bị suy thoái, kém hiệu quả.

Theo các tài liệu khoa học thì mắc ca là một loại cây quả khô quý hiếm. Trong đó, bộ phận ăn được của trái mắc ca là nhân, có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn lạc nhân, hạnh nhân, hạnh đào. Trong dầu của mắc ca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được, khi ăn vào giảm được cholesteron, có tác dụng phòng trị xơ cứng động mạch. Hàm lượng protein trong nhân có tới 9,2% gồm 20 loại axit amin, trong đó có 8 loại axit amin thiết yếu cho cơ thể con người.

Chính vì thế, mắc ca được coi là một loại thực phẩm cao cấp ngon, bổ, giàu chất béo, giàu nhiệt năng, dùng để chế biến nhân bánh, sôcôla, nước uống, dầu salat, ngoài ra còn có thể làm dầu dưỡng da, dầu dược liệu... được ưa chuộng ở thị trường thế giới và trong nước. Tuy là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện nay diện tích trồng mắc ca trong nước cũng như ở Thanh Hóa chưa được phổ biến.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cùng lãnh đạo huyện Thạch Thành thăm vườn cây mắc ca.

Tại hội thảo tập huấn đầu vườn về cây Mắc ca cho bà con 2 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa đầu 2020 tại trang trại cây ăn quả, cây lâm nghiệp 30 ha của gia đình, ông Phạm Văn Hồ cho biết: Trồng mắc ca không khó, điều căn bản nhất là phải tìm được giống chuẩn. Sau đó, xác định vùng đất thích hợp, ví như: khí hậu Á nhiệt đới; nhiệt độ tối ưu từ 12 – 32độC. Nhiệt độ ban đêm (thời kỳ ra hoa)14 – 21 độ C, tốt nhất từ 14 – 18 độ C, và kéo dài từ 4 – 5 tuần. Về lượng mưa 1.500 – 2.000 mm và phân bổ đều trong năm. Cần độ ẩm, không khí thấp, và không có mưa phùn kéo dài khi ra hoa, đậu quả. Độ cao tuyệt đối 1.200m so mặt biển, và có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau.

Đặc biệt, mắc ca thích hợp trồng xen với cây chè, cà phê. Cách trồng: hàng cách hàng 7m, cây cách cây 4m, và đạt 357 cây/ha là tốt nhất, sẽ thích hợp các giống: 344, 741, 788. Loại hàng cách hàng 9-10m, cây cách cây 5m, số cây/ha 200- 222, thích hợp các giống: QN1, 246,344, 741, 695…Loại hàng cách hàng: 8m, 9m bà con có thể tham khảo trong sách Kỹ thuật trồng và chăm sóc mắc ca do Hiệp hội Mắc ca cung cấp. Hoặc, học hỏi, tham khảo qua bạn bè, những người đã trồng mắc ca thành công, để hiểu thấu đáo, và có cách chăm sóc mắc ca tốt nhất tại vùng đất của mình.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Đình Thảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành, cho biết: “Địa hình đồi núi của huyện rất thích hợp với cây mắc ca; ngoài ra, cây mía cũng đã được nhân rộng diện tích trong nhiều năm qua, do địa phương có nhà máy đường Lam Sơn.Tuy nhiên, đến nay cây mía đã qua 24 vụ, cần phải được luân canh. Nếu sự liên kết trồng mắc ca với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tốt, việc trồng chăm sóc, phát triển cây mắc ca trên đất Thạch Thành càng thành công”.

Khác với nhiều loại nông sản, người nông dân, doanh nghiệp rất khó khăn trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhưng riêng các sản phẩm từ cây mắc ca như mắc ca sấy nứt, mắc ca nhân, cà phê mắc ca… lại rất dễ tiêu thụ. Đây chính là cơ hội để huyện Thạch Thành đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm từ mắc ca, từ đó giữ ổn định và phát triển diện tích theo đúng chỉ đạo của ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và ổn định đời sống cho các hộ nông dân của huyện nhà ./.

Anh Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực