Chuyển đổi kép xanh và công nghệ số: Đột phá mới cho miền Trung - Tây Nguyên

Thứ sáu, 17/03/2023 16:30
(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi một cách thẳng thắn, sâu sắc và toàn diện về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh và chuyển đổi số với mục tiêu quyết tâm tạo đột phá về phát triển bền vững cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Ngày 17/3, tại Đà Nẵng, với chủ đề “Đột phá mới cho miền Trung – Tây Nguyên: Chuyển đổi kép xanh và công nghệ số trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững”, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và UBND Thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023.

Tham dự Diễn đàn có đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo TP Đà Nẵng và các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch 19 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên.

Cùng dự Diễn đàn này còn có đại diện hơn 20 đại sứ quán, lãnh sự quán; gần 20 đại diện lãnh đạo các tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và hơn 300 đại diện doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.

Quang cảnh tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023. 

Tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững

Diễn đàn khẳng định: Tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng và ưu tiên cao nhất của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các khu vực dẫn đầu như Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc đã ban hành các Chính sách Tăng trưởng Xanh hay Thỏa thuận xanh, là cơ sở và điều kiện tiên quyết để đảm bảo thực thi các chiến lược phục hồi tăng trưởng và phát triển bền vững. Cũng với tinh thần quyết tâm cao nhất, Nhật Bản đang tiến hành thử nghiệm chỉ số GDP Xanh (Green GDP). Đây là cách tiếp cận mới nhằm đánh giá GDP trên cả phương diện hiệu quả kinh tế và tác động đối với môi trường, xã hội và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh tại Nhật- Bản. Còn với khu vực ASEAN, mới đây nhất, trong lễ khai mạc Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 55 tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia đã đề nghị ASEAN cân nhắc xây dựng Thỏa thuận Xanh nhằm chung tay giải quyết các thách thức đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của khu vực.

Với Việt Nam, là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, nên Việt Nam sớm nhận thức tầm quan trọng của thực thi chuyển đổi xanh bằng việc tích cực tiếp cận các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh... Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh từ năm 2012 cho giai đoạn 2011-2020. Hiện Việt Nam đang tiếp tục khẳng định hành trình bền bỉ, nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu trên với việc trước thềm Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Mục tiêu của Chiến lược này tập trung vào thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trước áp lực cũng chính là động lực đó, các ngành, các cấp, các địa phương và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp ở các khu vực kinh tế (nhà nước, tư nhân, FDI, doanh nghiệp Việt Nam) đã nỗ lực tiếp cận các xu hướng mới của thế giới, các mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến, ứng dụng công nghệ số, từng bước thay thế các phương thức vận hành truyền thống, giảm thiểu tối đa mức độ tác động tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của con người. Đây là những cơ sở quan trọng, thúc đẩy quá trình thực thi chuyển đổi xanh tại Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới nhằm hướng tới các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đặt ra.

Thực tiễn thực thi hoạt động chuyển đổi xanh trên thế giới và tại Việt Nam cho thấy, các nền tảng dữ liệu và công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã thể hiện nhiều khả năng có thể cải thiện, giải quyết hiệu quả, thậm chí hóa giải được những thách thức có tính cấp bách đang đặt ra cho thế giới và các quốc gia liên quan đến vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu. Các chuyên gia công nghệ số thế giới cho biết, các giải pháp công nghệ 4.0 có tiềm năng cắt giảm 20% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030. Đây là một thông tin quan trọng để các nhà lãnh đạo thế giới cũng như các quốc gia thấy rõ được cần nắm bắt cơ hội này như thế nào để có tư duy hoạch định chính sách và quyết tâm hành động mạnh mẽ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các nhà theo đuổi Thỏa thuận xanh đã kết luận rằng “Không có thỏa thuận xanh nào mà thiếu chuyển đổi số”. Nhận định này đã mở ra những kỳ vọng lớn hơn và trao cơ hội chưa từng có cho các nhà kiến tạo và thực thi giải pháp chuyển đổi số.

Trước xu hướng thực thi chuyển đổi kép “xanh và công nghệ số” đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới; trên cơ sở nhu cầu và yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh nhằm đạt được tăng trưởng xanh và đáp ứng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; dựa trên khả năng thực tiễn hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam cũng như tốc độ phát triển của ngành ICT Việt Nam trong những năm gần đây…. Việc đặt vấn đề “chuyển đổi kép” để cùng bàn thảo tính phù hợp cũng như tìm ra các giải pháp hiệu quả thúc đẩy quá trình này trên thực tiễn tại các địa phương và với các ngành kinh tế là cần thiết và cấp thiết.

Theo đó, Diễn đàn Vietnam Connect 2023 sẽ tập trung đề cập và bàn thảo về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi kép “xanh và công nghệ số”, xu hướng và các mô hình, giải pháp đang triển khai trên thế giới, đánh giá cơ hội và khả năng ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam. Chủ đề này cũng sẽ được phân tích và thảo thuận trên cơ sở các bài toán thực tiễn đang đặt ra tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đây là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, kinh tế biển xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, nông – lâm nghiệp bền vững. Là nơi đòi hỏi từng địa phương chủ động phát huy thế mạnh của mình – đây là điều kiện cần, song, điều kiện đủ chính là liên kết vùng, điều này đảm bảo sự hài hòa và gia tăng sức mạnh cho từng địa phương trong việc đạt được mục tiêu phát triển thịnh vượng và bền vững.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo là ưu tiên hàng đầu

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Chúng ta đang chứng kiến tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, với cơ hội và thách thức đan xen. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mặt khó khăn nổi lên nhiều hơn. Trong đó, đại dịch COVID-19 để lại hậu quả nặng nề. Cùng với đó, kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt. Các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... tiếp tục nổi lên gay gắt.

"Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo là ưu tiên hàng đầu của các Chính phủ và doanh nghiệp để vượt qua khó khăn và bứt phá vươn lên. “Tăng trưởng xanh”, “chuyển đổi số” trở thành định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia với việc chủ động, tích cực khai thác các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từng bước chuyển đổi sang xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, chú trọng quản lý hiệu quả và tái tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường"- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã nêu rõ: “Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”.

Chính phủ Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đáng chú ý, Việt Nam đã đưa ra hàng loạt cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với việc cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ 21; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu.

Tháng 12/2022, Việt Nam đã cùng các nước G7 và một số đối tác quốc tế công bố Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và đang triển khai tuyên bố này. Việt Nam cũng đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

“Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đạt trung bình khoảng 38%/năm. Năm 2022, giá trị kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 23 tỷ USD. Những kết quả trên đã đưa Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh thứ hai thế giới (sau Ấn Độ) và tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo của Google và Temasek, giá trị kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 và 120-200 tỷ USD vào năm 2030”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết và nhấn mạnh thêm: Khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Chủ trương chung là phát triển Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

Theo Phó Thủ tướng, Nghị quyết số 26 ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…và đến năm 2045, vùng có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á.

Theo hướng này, "trong thời gian qua, các địa phương và doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã thể hiện quyết tâm rất cao, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số"- Phó Thủ tướng cho hay, đồng thời đánh giá cao và biểu dương các địa phương, doanh nghiệp trong khu vực đã xây dựng, ban hành và thực hiện các chiến lược, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, tích cực tìm kiếm các mô hình phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đề cao đổi mới sáng tạo.

 Đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại  giao phát biểu tại Diễn đàn. 

Để “đột phá”, “bứt phá” đòi hỏi nhiều việc phải làm

Đây là yêu cầu mà Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đặt ra tại Diễn đàn. Theo Phó Thủ tướng, cần quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, triển khai các biện pháp một cách quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là trong đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, tổ chức triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng lưu ý: Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình chuyển đối số quốc gia với mục tiêu được đề ra là “năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra những giá trị mới của Việt Nam”. Do đó, lãnh đạo Chính phủ mong muốn diễn đàn hôm nay sẽ tập trung trao đổi một cách thẳng thắn, sâu sắc và toàn diện về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh và chuyển đổi số với mục tiêu quyết tâm tạo đột phá về phát triển bền vững cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tập trung vào một số vấn đề chính sau:

Thứ nhất, từ các bài học và kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững tại địa phương.

Thứ hai, đề xuất các giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và ưu tiên của Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thu hút các nguồn lực cả trong nước và quốc tế nhằm phục vụ các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Thứ ba, đề xuất các chương trình, dự án cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên để các địa phương, doanh nghiệp, các đối tác quốc tế nghiên cứu khả năng hợp tác và triển khai trong thời gian tới.

“Trong quá trình thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính phủ và các địa phương liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác, doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội và triển khai các hoạt động hợp tác; đồng hành cùng các đối tác để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh”- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ thêm và bày tỏ kỳ vọng: Diễn đàn lần này sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo nên những bước tiến "đột phá" vì mục tiêu làm cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên tăng trưởng và phát triển ngày càng nhanh, xanh và bền vững hơn.


Bà Stefanie Stallmeister - Giám đốc Danh mục dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. 

Theo Chương trình, Diễn đàn Vietnam Connect 2023 được cấu trúc thành 02 Phiên (Phiên tham luận và Phiên thảo luận) với các ý kiến của chuyên gia quốc tế và Việt Nam về kinh tế phát triển, kinh tế môi trường, chuyển đổi số cùng lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp. Các ý kiến tham luận và thảo luận sẽ là cơ sở để các địa phương và doanh nghiệp tham khảo phục vụ hoạt động đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời trao đổi và phản hồi thêm thông tin với Lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành liên quan nhằm tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho địa phương, doanh nghiệp nỗ lực góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Việt Nam.

Sau phiên toàn thể Diễn đàn Vietnam Connect 2023, Lễ công bố và vinh danh các Doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2022-2023 nhận giải thưởng Rồng Vàng (Golden Dragon Awards) – Lần thứ 22 cũng đã diễn ra.

Chương trình Golden Dragon Awards 2023 tập trung khảo sát và xét chọn các doanh nghiệp tiên phong đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi xanh, ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, quan tâm, trú trọng và có kế hoạch thực thi ESG. Các doanh nghiệp đạt kết quả phục hồi ấn tượng sau đại dịch COVID-19 và thể hiện chiến lược phát triển bền vững.

Năm 2023, Ban tổ chức nhận được hơn 500 đề cử và đăng ký tham gia. Qua 2 vòng khảo sát và xét chọn, chương trình Golden Dragon Awards 2023 công bố và vinh danh TOP 50 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu ở 06 nhóm ngành, bao gồm: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghệ số và dịch vụ số; dịch vụ tài chính và bảo hiểm; phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và bất động sản; giáo dục và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống.

Các thương hiệu nổi bật được vinh danh Giải thưởng Rồng Vàng (GDAs) năm nay tiêu biểu như: LEGO Manufacturing Việt Nam, Qualcomm Việt Nam, Intel Products Việt Nam, Sembcorp Energy Việt Nam, Siemens Việt Nam.

Bên lề Diễn đàn Vietnam Connect và Golden Dragon Awards 2023 cũng diễn ra các cuộc gặp gỡ song phương và đa phương giữa các địa phương, doanh nghiệp với đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam (đại sứ quán, lãnh sự quán), các hiệp hội thương mại nước ngoài (AmCham, EuroCham…)./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực