Để du lịch di sản ở Hội An phát triển bền vững

Thứ năm, 12/12/2024 17:51
(ĐCSVN) - Sở hữu 02 di sản thế giới được UNESCO công nhận là Khu phố cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, những năm qua, Hội An đã tập trung bảo tồn và khai thác di sản gắn phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch di sản của Hội An vẫn còn thiếu tính bền vững.
Chùa Cầu- Một trong những di tích ở Hội An thu hút du khách tham quan.

 Kết nối Di sản với phát triển du lịch

Tại hội thảo “Khu đền tháp Mỹ Sơn và các di sản văn hoá thế giới ở miền Trung: Trữ lượng và viễn cảnh” do Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ và UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) tổ chức mới đây, nhiều đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nhà quản lý đã thống nhất đánh giá chung, du lịch di sản tại miền Trung những năm qua, trong đó có Hội An đã có những chuyển động tích cực, góp phần bảo tồn và phát huy di sản, đồng thời đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế các địa phương và đất nước.

Riêng với TP Hội An, thời gian qua, địa phương này đã chủ động triển khai khá tốt việc kết nối Di sản văn hóa thế giới - Khu phố cổ với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và không gian văn hóa các làng quê, làng nghề truyền thống, khu sinh thái ven sông,... để phát triển du lịch.

Cùng với đó, công tác truyền thông, giáo dục, bảo tàng, triển lãm, quảng bá về giá trị di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh được đầu tư triển khai mạnh mẽ và hiệu quả. Nhờ đó, sau 25 năm Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, 15 năm Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới, ngành du lịch của Hội An đã có những bước phát triển vượt bậc. Thống kế công bố cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách đến Hội An đạt 11,61%/năm; giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách đến Hội An đạt con số kỷ lục 36,83%/năm; nhờ đó, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của Hội An tăng từ 1.135,7 tỷ đồng năm 2010 lên 4.561,70 tỷ đồng vào năm 2019.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến kinh tế du lịch thành phố, tổng số lượt khách đến Hội An giảm mạnh từ 5.699.960 lượt vào năm 2019 xuống còn 928.288 lượt khách vào năm 2020 và 163.530 lượt năm 2021. Khi dịch bệnh COVID- 19 dần được kiểm soát, lượng khách du lịch đến Hội An đã tăng dần trở lại và hoạt động dịch vụ du lịch đã từng bước hồi phục. Năm 2022, lượng khách du lịch đến Hội An đạt 2.002.124 lượt khách, năm 2023 con số này đã tăng mạnh 4.152.796 lượt khách. Theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của Hội An năm 2023 đạt 3.484,35 tỷ đồng, bằng 76,38% năm 2019.  

Tuy nhiên, theo các đại biểu tham dự Hội thảo, thực trạng phát triển du lịch di sản của TP Hội An thời gian qua còn thiếu tính bền vững. Đó là sự gắn kết, tương hỗ trong phát triển giữa các ngành kinh tế gắn với ngành du lịch còn khá thấp; tính lan tỏa, kết nối trong phát triển du lịch di sản với các vùng phụ cận còn hạn chế, nhất gắn kết giữa di sản khu phố cổ Hội An và khu bảo tồn sinh quyển Cù Lao Chàm; môi trường du lịch, trật tự đô thị, trật tự kinh doanh, môi trường văn hóa, vấn đề bảo vệ di sản tại các điểm đến tại thành phố còn nhiều vấn đề hạn chế cần nhanh chóng khắc phục,…

 TS. Hoàng Hồng Hiệp (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ) cho rằng, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Hội An đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 

Thực trạng du lịch di sản và những vấn đề đặt ra

Liên quan đến việc phát triển du lịch di sản, Hội thảo đã dành nhiều thời gian để bàn về công tác này. Theo đó, nhiều ý kiến đã nêu ra thực trạng và những thách thức của du lịch di sản trong điều kiện mới. Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp và Ths. Hoàng Thị Thu Hương (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ), công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Hội An đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng quá tải trên nhiều phương diện không chỉ tạo áp lực lớn mà còn làm gia tăng nguy cơ mất cân bằng trong phát triển, dẫn đến sự biến dạng và mất đi tính nguyên bản của các di tích.

Một trong những hạn chế đáng chú ý mà hai nhà khoa học trên nhắc đến là sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn di sản còn hạn chế, phần lớn vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ nhà nước mà thiếu đi sự chủ động. Ngoài ra, những bất cập trong thể chế và chính sách cũng gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả triển khai công tác bảo tồn. Các quy định pháp luật khi áp dụng tại Hội An – một di sản văn hóa thế giới có người dân sinh sống và hoạt động kinh tế thường gặp khó khăn do đặc thù riêng của khu vực. Đồng thời, các quy định về quản lý kiến trúc, xây dựng, và các hoạt động xã hội, văn hóa chưa theo kịp tốc độ phát triển của thành phố.

“Điều này cũng xảy ra tương tự đối với các quy hoạch chuyên ngành như giáo dục, văn hóa, du lịch, thể thao, và bảo tồn di sản. Thêm vào đó, một số dự án du lịch đã được triển khai nhưng chưa đảm bảo sự cân đối giữa phát triển kinh tế và bảo tồn các giá trị nhân văn, tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Các tiềm năng về du lịch tâm linh, tín ngưỡng, và văn hóa ẩm thực – vốn là thế mạnh độc đáo của Hội An chưa được khai thác hiệu quả. Việc tích hợp phát triển du lịch với nông nghiệp và làng nghề truyền thống vẫn còn nhiều hạn chế, chưa mang lại giá trị gia tăng cao. Những vấn đề này đòi hỏi Hội An cần có những giải pháp đồng bộ và toàn diện hơn để vừa bảo tồn được giá trị di sản, vừa thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai”- TS. Hoàng Hồng Hiệp nhận định. 

Trong khi đó, Ths. Hoàng Thị Thu Hương cho rằng, không gian kiến trúc Khu phố cổ và nét văn hóa truyền thống của Hội An là nền tảng làm nên sức hút độc đáo và sự phát triển mạnh mẽ của du lịch địa phương. Tuy nhiên, trước áp lực của thời đại và sự hội nhập quốc tế, những giá trị cốt lõi này đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn. Trước hết, theo Ths. Hoàng Thị Thu Hương: Các di tích và công trình kiến trúc cổ hàng trăm năm tuổi yêu cầu bảo trì, tu sửa thường xuyên với chi phí rất cao. Việc này đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc bảo tồn tính chân xác, đảm bảo không làm thay đổi hoặc mất đi những đặc điểm nguyên bản vốn có.

Trong bối cảnh nguồn lực có hạn và nhu cầu phát triển ngày càng tăng, đây là một bài toán không dễ dàng giải quyết. Thêm vào đó, quá trình đô thị hóa và sự phát triển du lịch nhanh chóng, đặc biệt trong giai đoạn trước đại dịch COVID-19, đã tạo ra những biến động lớn trong cấu trúc xã hội - dân cư. Hiện tượng thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà di sản – những không gian kiến trúc cốt lõi tại Khu phố cổ đang gia tăng. Điều này kéo theo sự thay đổi về mặt xã hội và văn hóa, khi những lớp cư dân mới (với mục tiêu kinh tế) có thể làm phai mờ hoặc biến đổi những nét đặc trưng vốn có của Hội An, từ nếp sống, phong tục, đến văn hóa ẩm thực. Những giá trị phi vật thể này vốn là “hồn cốt” của đô thị di sản, nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một khi không còn được gắn kết chặt chẽ với quần thể di tích vật thể. Ngoài ra, việc cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế vẫn là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Sự phát triển mới đặt ra yêu cầu về hạ tầng, dịch vụ, và các hoạt động kinh tế, nhưng đồng thời có nguy cơ làm thay đổi diện mạo di sản nếu thiếu đi sự quy hoạch dài hơi và quản lý bền vững. Trong bối cảnh này, Hội An cần xây dựng các chiến lược bảo tồn toàn diện, không chỉ bảo vệ kiến trúc và giá trị vật thể mà còn giữ gìn và phát huy các giá trị phi vật thể đặc trưng của cộng đồng. Đây không chỉ là nhiệm vụ bảo tồn di sản mà còn là yếu tố quyết định để duy trì thương hiệu và sự phát triển bền vững của đô thị di sản trong thời kỳ mới”- Ths. Hoàng Thị Thu Hương chia sẻ.

Bên cạnh những vấn đề trên, TS. Hoàng Hồng Hiệp và Ths. Hoàng Thị Thu Hương cùng đưa ra nhận định: Nhịp độ phát triển du lịch quá nhanh và việc khai thác quá mức tài nguyên vô hình lẫn hữu hình trong khu vực di sản đang gây nhiều rủi ro đối với phát triển bền vững di sản Hội An. Một ví dụ điển hình là sự hình thành khu tân phố cổ bên kia sông Hoài (đối diện khu phố cổ), nơi tập trung nhiều hoạt động mua sắm, ẩm thực và dịch vụ du lịch. Khu vực này không chỉ làm gia tăng áp lực lượng khách tập trung vào khu phố cổ mà còn dẫn đến tình trạng ùn tắc, quá tải trên con đường ven sông Hoài – vốn được xây dựng trên nền đất yếu. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, nguy cơ sụt lún, ảnh hưởng đến cấu trúc khu phố cổ là hoàn toàn hiện hữu. Hơn nữa, không gian yên tĩnh và trầm mặc vốn là đặc trưng của khu phố cổ nay bị ảnh hưởng bởi sự náo nhiệt, đông đúc từ hoạt động dịch vụ bên kia sông, làm mất đi vẻ đẹp thơ mộng của khu phố cổ bên dòng sông Hoài.

 Du khách tham quan phố cổ Hội An.

Ngoài ra, những hạn chế về năng lực quản lý cũng là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển bền vững của Hội An trong bối cảnh hiện nay. Theo hai nhà khoa học trên, sự thay đổi nhanh chóng do tác động mạnh mẽ từ phát triển du lịch đã vượt qua khả năng quản lý của các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở. Bên cạnh đó, Hội An hiện cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt đội ngũ cán bộ chuyên ngành văn hóa có năng lực trong bảo tồn và phát huy di sản. Đồng thời, đội ngũ lao động có tay nghề cao trong việc tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích cũng như các nghệ nhân thủ công truyền thống, diễn xướng dân gian đang dần mai một. Ngoài ra, lực lượng lao động trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch, đặc biệt là đội ngũ quản trị trung cao cấp vẫn chưa đáp ứng kịp với nhu cầu phát triển của ngành du lịch tại Hội An. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch.

“Hội An hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến môi trường du lịch, trật tự đô thị và văn hóa kinh doanh tại các điểm đến, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu du lịch của thành phố Hội An. Tình trạng vi phạm pháp luật, tranh giành khách, cò mồi, chen lấn, bán hàng rong, văn hóa ứng xử,…. tại các điểm du lịch không chỉ làm xấu đi hình ảnh Hội An mà còn gây tâm lý bất an cho du khách. Bên cạnh đó, áp lực từ lượng du khách ngày càng tăng tại khu phố cổ đang vượt quá khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, giao thông và tình hình an ninh trật tự”- TS. Hoàng Hồng Hiệp thông tin.

Cũng theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, hiện Hội An cũng đang phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu. Các hiện tượng lũ lụt thường xuyên gây ra thiệt hại đáng kể, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của vùng đô thị cổ cũng như các khu vực cửa sông, ven biển. Những trận lũ lụt liên tục không chỉ làm suy giảm chất lượng của các công trình kiến trúc văn hóa tại khu phố cổ mà còn khiến chi phí bảo trì, phục hồi tăng cao, gây áp lực lớn đối với công tác bảo tồn di sản.

Ngoài ra, vấn đề xâm thực bờ biển tại Cửa Đại cũng đang là mối lo ngại lớn. Sự sạt lở nghiêm trọng đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ sở du lịch, đặt ra thách thức to lớn trong việc duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế du lịch tại khu vực này. Nếu không có giải pháp kịp thời và hiệu quả, tình trạng này có thể làm suy giảm sức hút của Hội An như một điểm đến du lịch hàng đầu./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực