Để hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030

Thứ tư, 01/03/2023 16:23
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, xem đây là chìa khóa mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và những nhà đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh cần chuẩn bị tốt cho quá trình gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao khi nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và bất ổn.

Sáng 1/3, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Fraser Institute (Canada) tổ chức buổi Toạ đàm Đối thoại chính sách: “Đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030” nhằm phát hiện những nút thắt về thể chế kinh tế thị trường và đề xuất chính sách nhằm giúp Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khi trở thành nước có thu nhập trung bình cao.

Tọa đàm thu hút được sự quan tâm lớn từ khoảng 150 đại biểu gồm: đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các cơ quan bộ, ngành, các Viện nghiên cứu, đại diện các Trường Đại học khối ngành Kinh tế, các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, phóng viên báo chí…

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), thu nhập bình quân đầu người (GNI/đầu người) của Việt Nam năm 2021 ước đạt 3.590 USD. Với mức thu nhập này, Việt Nam đang tiến sát đến ngưỡng khởi đầu của nhóm các nước thu nhập trung bình cao (theo phân loại của WB). Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng này thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu rất khó giải quyết dứt điểm, trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề về già hoá dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên… Hệ quả là chỉ rất ít các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Nỗ lực cải cách, phát triển nền kinh tế thị trường từ năm 1986 tới nay đã đưa Việt Nam từ quốc gia kém phát triển thành quốc gia có quy mô GDP nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn thuộc nhóm thu nhập trung bình cao; đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều bất ổn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và xung đột chiến tranh giữa Ucraine và Nga, dẫn đến lạm phát cao, buộc các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu phải thắt chặt tiền tệ, có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu.

 GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân phát biểu khai mạc Tọa đàm (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, cải cách thể chế kinh tế mới là chìa khóa. Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, Chính phủ đã kiên trì cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng: ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế và tất cả đã mang đến cho Việt Nam một thể trạng kinh tế khỏe mạnh hơn như: dự trữ ngoại hối ở mức cao, tỷ lệ nợ công trên GDP ở mức thấp, đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước.

Cũng theo GS.TS Phạm Hồng Chương, những bài học kinh nghiệm từ trong quá khứ phát triển kinh tế của nước ta cho thấy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Việt Nam cần phải tiếp tục tìm ra những điểm nghẽn quan trọng về thể chế kinh tế để tháo gỡ, xem đây là chìa khóa để mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và những nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh cần chuẩn bị tốt cho quá trình gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và bất ổn.

Tại Tọa đàm, các đại biểu là các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, phân tích các chiều kích phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam trong mối tương quan với các quốc gia khác dựa trên bộ chỉ số Economic Freedom of the World (EFW) do Fraser Institute của Canada xây dựng. Song song là thảo luận về việc rà soát thể chế kinh tế vĩ mô của Việt Nam (khung khổ chính sách tín dụng, tỷ giá, tài khoá…) và các thể chế liên quan đến các thị trường nhân tố, đặc biệt là thị trường vốn, để tìm ra các nút thắt có thể cản trở sự phát triển của Việt Nam khi trở thành nước thu nhập trung bình cao. Trên cơ sở đó, đưa ra một số khuyến nghị chính sách để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam.

Các diễn giả tại Tọa đàm (Ảnh: Tuấn Anh) 

Trong khuôn khổ Tọa đàm còn có phiên thảo luận chuyên đề liên quan tới thể chế thị trường tài chính Việt Nam nhằm nhận diện các nút thắt thể chế cản trở sự phát triển thị trường vốn của nước ta và các giải pháp khắc phục một cách hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Tiến sỹ Fred McMahon, Trưởng nhóm nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser, Canada cho rằng, Việt Nam vẫn là một quốc gia tương đối nghèo và đây lại là một “lợi thế”. Ông phân tích điều này giúp Việt Nam sẽ dễ dàng hơn để bắt kịp các nền kinh tế hiện đại, nhờ thúc đẩy các cải tiến và cơ chế mới với chi phí thấp, tiền công thấp mà vẫn lôi kéo được đầu tư. Theo ông, “đòn bẩy” cho hạ tầng kinh tế sẽ giúp nâng cao thu nhập đầu người đồng thời tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế. Lợi thế khác, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với mức trung bình 6% trong vòng 10 năm qua, trong khi các quốc gia giàu hơn sẽ tăng trưởng chậm lại. Mặt khác, các quốc gia khác (như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan) bắt kịp tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhưng "mờ nhạt" dần khi họ không thể cải thiện tự do kinh tế. Vì thế, vị chuyên gia này nhấn mạnh rằng, “tự do kinh tế sẽ tạo động lực vượt bẫy thu nhập trung bình, do đó để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và trở nên giàu có hơn, chính sách kinh tế sẽ phải trở nên cạnh tranh hơn”./.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực