Đồng Tháp: Cần phát triển cây xoài Nam bộ theo hướng bền vững

Thứ bảy, 17/09/2011 19:20

Quang cảnh diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 9 tại Đồng Tháp

(ĐCSVN) - Ngày 16/9, tại khu du lịch Mỹ Trà ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), Trung tâm khuyến nông quốc gia phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 9 với chuyên đề Phát triển cây xoài Nam bộ theo hướng bền vững.

Tham dự Diễn đàn có đại diện Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Viện Cây ăn quả miền Nam; Trung tâm Cây ăn quả miền Đông Nam bộ; lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cùng 500 nông dân đến từ 17 tỉnh thành ở khu vực phía Nam.

Thực trạng cây xoài còn gặp nhiều khó khăn

Xoài là loại cây được trồng phổ biến ở Việt Nam với 59/63 tỉnh, thành có diện tích trồng trên 100 ha. Tổng diện tích xoài cả nước theo thống kê năm 2010 là 76.700 ha. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng xoài lớn nhất cả nước với 43.000 ha chiếm trên 49% so với diện tích cả nước, kế đến là vùng Đông Nam Bộ với 21.500 ha. Sản lượng xoài năm 2010 đạt 562.850 tấn, tăng 3,2 lần so với năm 2000; năng suất bình quân cả nước đạt 7,92 tấn.

Cây xoài chỉ được trồng chuyên canh ở một số vườn tại huyện Cam Ranh – tỉnh Khánh Hoà, huyện Củ Chi – thành phố Hồ Chí Minh, huyện Xuân Lộc – tỉnh Đồng Nai, huyện Cái Bè – tỉnh Tiền Giang và huyện Cao Lãnh – tỉnh Đồng Tháp. Còn lại 95% diện tích xoài được trồng chung với các loại cây ăn quả khác. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến xoài có năng suất và chất lượng thấp trong thời gian vừa qua.

Khó khăn đầu tiên được được nhiều đại biểu nhắc đến tại diễn đàn là về giống xoài. Trong quá trình trồng và lai tạo, hiện cả nước có 57 giống xoài các loại, tuy nhiên, chỉ có 4 giống xoài có chất lượng cao là giống xoài cát Hoà Lộc, giống xoài cát Chu, giống xoài Châu Nghệ và xoài Tượng. Tuy nhiên, diện tích trồng các giống xoài này còn rất manh mún bởi cái nôi của giống xoài cát Hoà Lộc là tỉnh Tiền Giang hiện tại cũng chỉ mới trồng được 2.000 ha, Đồng Tháp có 873 ha. Giống xoài cát Chu có chất lượng cao đứng thứ 2 sau xoài cát Hoà Lộc nhưng hiện chỉ phát triển tập trung ở Đồng Tháp.

Trên thực tế, nhiều nhà vườn còn trồng từ 3 đến 6 giống xoài chung nhưng giống chất lượng cao lại được trồng với tỷ lệ rất hạn chế với khoảng từ 5 đến 10%. Cùng với giống, phương pháp canh tác xoài hiện nay chủ yếu vẫn là phương pháp truyền thống với việc sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật.

Một khó khăn nữa trong canh tác xoài hiện nay là sâu và bệnh hại xuất hiện nhiều do điều kiện của thời tiết bất lợi. Các loại côn trùng và bệnh gây hại chủ yếu trên xoài là sâu đục thân, sâu đục trái, bệnh thán thư, bệnh đóm đen vi khuẩn... Trong đó, sâu đục thân và bệnh đốm đen vi khuẩn là nguy hiểm nhất bởi nó làm chết cây và giảm chất lượng hoặc hư trái. Thu hoạch và bảo quản trái cũng là vấn đề đang gặp khó khăn hiện nay. Việc bao trái trước thu hoạch để nâng cao chất lượng và giảm thất thoát sau thu hoạch đã được 80% số hộ trồng xoài ở Đồng Tháp áp dụng, tuy nhiên các hộ trồng xoài ở các tỉnh khác thì lại hầu như chưa áp dụng.

Vấn đề thu hoạch và các hoạt động tại vườn do diện tích canh tác nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng chưa tốt nên khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hoá trong thua hoạch. Công tác quản lý chất lượng sau thu hoạch cũng được các nhà vườn quan tâm bằng cách thu hoạch vào buổi sáng, cắt tỉa sơ bộ, lựa chọn dụng cụ chuyên chở thích hợp... đã góp phần giảm tổn thất, nhưng việc thực hiện các biện pháp trên lại chưa đồng bộ giữa các hộ trồng xoài trong toàn khu vực.

Phát triển cây xoài Nam bộ theo hướng bền vững

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị
cây xoài trong hệ thống các loại cây ăn quả.

Với thực trạng nêu trên, rất cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển cây xoài Nam bộ theo hướng bền vững.

Theo TS. Hoàng Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp, Phân viện Quy hoạch – Thống kê phía Nam thì cần phải thực hiện đồng bộ 4 giải pháp chính, đó là lập quy hoạch, đề án, dự án phát triển sản xuất xoài; nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ cao đối với sản xuất xoài; tổ chức lại sản xuất theo xu thế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng gắn với thương hiệu xoài của từng địa phương thuộc vùng trọng điểm trồng xoài và triển khai thực hiện cách chính sách khuyến khích – hỗ trợ phát triển xoài bền vững.

Theo đó, trong nội dung quy hoạch phát triển ngành hàng cây ăn quả Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cần làm rõ vùng trọng điểm ưu tiên phát triển xoài, nhất là các giống xoài đặc sản có hiệu quả kinh tế cao; dựa vào kết quả phân vùng sinh thái và xét thích nghi với cây xoài, cơ quan tư vấn đưa ra khuyến cáo các nơi không đủ điều kiện. Đồng thời, chọn tạo, phục tráng giống xoài đặc sản địa phương để có được giống xoài đồng nhất về di truyền từ đó nhân giống phục vụ trồng mới; tổ chức các cuộc nghiên cứu so sánh giống xoài nhập nội để có kết luận chính xác đối với từng giống xoài; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các khâu kỹ thuật từ trồng mới, kiến thiết cơ bản và kỹ thuật chăm sóc xoài theo đúng độ tuổi; thành lập mô hình kinh tế hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ xoài; đề xuất cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xoài ở vùng chuyên canh theo hướng VietGAP.

Phó Trưởng bộ môn chọn giống, Viện Cây ăn quả miền Nam, ThS. Đào Thị Bé Bảy lại quan tâm đến vấn đề giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch và bảo quản trái. Theo Thạc sĩ Bảy, chỉ nên tập trung trồng thâm canh từ 2 đến 3 giống xoài có chất lượng cao, phù hợp với với thị hiếu người tiêu dùng, mở rộng vùng chuyên canh nhất là giống xoài cát Hoà Lộc ở những vùng có điều kiện sinh thái phù hợp; áp dụng canh tác theo hướng tạo sản phẩm trái cây sạch và an toàn, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có chọn lọc và áp dụng biện pháp xử lý hoa trái vụ.

Đồng thời, tăng cường liên kết trong sản xuất để đảm bảo sản lượng lớn xoài có chất lượng đồng đều và an toàn, tiến tới xây dựng kho chứa hàng hoá với khối lượng lớn và nhà đóng gói sản phẩm; tăng cường các biện pháp bảo vệ trái trước thu hoạch và xử lý nước nóng hoặc hơi nước nóng cho sản phẩm sau thu hoạch; tăng cường tiếp thị, quảng bá sản phẩm trái xoài ra thị trường ngoài nước.

Xoài là loại câu ăn quả có diện tích lớn thứ 3 và sản lượng lớn thứ 4 sau chuối, nhãn và dứa ở nước ta. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển cây xoài Nam bộ theo hướng bền vững không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế mà còn là biện pháp vô cùng quan trọng để nâng cao giá trị cây xoài trong hệ thống các loại cây ăn quả hiện nay.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực