|
Tính tới đầu tháng 12/2024, tỉnh Đồng Tháp đã cung ứng hơn 15 triệu m3 cát. |
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã bố trí cát từ các mỏ trên địa bàn cho các tuyến cao tốc như sau: Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ: 1,2 triệu m3; Cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau: 7 triệu m3; Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu (Giai đoạn 1, Thành phần 1): 2,3 triệu m3; Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu (Giai đoạn 1, Thành phần 2): 0,3 triệu m3; Cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh: 3,9 triệu m3; Cao tốc Cao Lãnh – Lộ Tẻ: 0,53 triệu m3.
Riêng đối với dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang – Cà Mau, UBND tỉnh đã bố trí 7 mỏ cát và tăng công suất tại 2 mỏ. Tính đến ngày 17/11, khối lượng khai thác đạt 5.576.259 m3 (đạt 79,66%). Tuy nhiên quá trình khai thác gặp trở ngại khi 2 mỏ cát ngừng hoạt động, dẫn đến thiếu hụt khoảng 475.725 m3.
Cụ thể, mỏ cát thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành, diện tích 20,04 ha, trữ lượng được phê duyệt là 547.798 m3 do tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP thực hiện. Khai thác từ ngày 13/10/2023 đến 10/1/2024, khối lượng đã khai thác là 359.245 m3 (đạt 65,58%), trữ lượng còn lại 188.553 m3. Đã dừng khai thác từ ngày 11/1/2024 đến nay do đơn vị khai thác nhanh làm vượt độ sâu một phần diện tích trong khu mỏ, đã khắc phục nhưng không đạt hiệu quả.
Mỏ cát thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, diện tích khoảng 20,97ha, trữ lượng được phê duyệt là 482.282 m3 , do Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn thực hiện. Khai thác từ ngày 15/12/2023 đến 30-6-2024, khối lượng đã khai thác là 195.110m3 (đạt 40,46%), trữ lượng còn lại 287.172 m3 . Đã dừng khai thác từ ngày 1/7 đến nay do chất lượng cát không đạt tiêu chuẩn cho san lấp cao tốc (cát lẫn nhiều tạp chất hữu cơ).
Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Đồng Tháp, hiện lượng cát bồi lắng trên sông Tiền và sông Hậu ngày càng giảm, trong khi nhu cầu khai thác cát cung ứng cho công trình, nhất là công trình cao tốc của Trung ương với nhu cầu quá lớn, dẫn đến trữ lượng cát ngày càng cạn kiệt.
Thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, khảo sát các mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu cho thấy trữ lượng cát còn lại rất ít (tính đến mức sâu -17m). Một số mỏ chưa đạt mức sâu -17m thì chất lượng cát không đảm bảo để phụ vụ cao tốc (cát lẫn nhiều bùn và tạp chất hữu cơ); các mỏ có chất lượng cát tương đối tốt thì mức sâu đạt hoặc gần đạt -17m (theo quy hoạch cho phép khai thác); các khu vực còn cạn, chất lượng cát tốt thì gần các khu vực sạt lở bờ sông nên không thể bố trí mỏ để khai thác.
Bên cạnh đó, tình hình biến đối khí hậu, sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu kể cả sông nội đồng, thời gian qua xảy ra tương đối nhiều. Do đó, cũng rất khó khăn khi lựa chọn khoanh định khu vực để lập hồ sơ khai thác. Trong khi đó quy định về thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản mất nhiều thời gian, nhiều thủ tục bắt buộc và không thể rút ngắn thời gian.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành công tác đắp nền của dự án trong tháng 12/2024. Việc khảo sát và lập hồ sơ để được cấp Bản xác nhận khối lượng khai thác cát sông (theo cơ chế đặc thù), mất thời gian khoảng 03 tháng, thì không kịp tiến độ của dự án.
Hiện việc thí điểm cát biển dùng cho cao tốc đạt nhiều tín hiệu khả quan, đồng thời thủ tục thực hiện nhanh đáp ứng kịp tiến độ phục vụ dự án (hoàn thành công tác đắp nền của dự án trong tháng 12/2024). Từ đó Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ GTVT sử dụng cát biển để cung ứng cho công trình thay thế phần cát thiếu hụt là 475.725 m3 nêu trên./.