Đồng Tháp: Phát huy tối đa các giá trị của cây sen

Thứ sáu, 20/05/2022 15:41
(ĐCSVN) - Với những chính sách phù hợp cùng tinh thần nhạy bén, tỉnh Đồng Tháp đã biết khai thác những giá trị từ sen mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt là kinh tế sen đang dần được khẳng định.
 Đồng Tháp tự hào là xứ sở của hoa sen . (Ảnh: BTC )

Đồng Tháp hiện có khoảng 1 ngàn ha trồng sen, mỗi năm sen được trồng 2 vụ chính phù hợp với điều kiện tự nhiên, thích hợp với vùng đầm trũng, nước nhiễm phèn và hiệu quả từ cây sen mang lại cho người trồng khá cao. Đặc biệt, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ, chế biến nên giá trị của cây sen cũng được nâng lên.

Anh Lê Văn Bo, nông dân trồng sen ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh đã mạnh dạn sử dụng cây sen để khởi nghiệp. Điều đặc biệt, sau khi nghiên cứu các mô hình trồng sen hữu cơ, anh Bo đã mạnh dạn chuyển sang mô hình này. Hiện anh là Tổ trưởng Tổ hợp tác sen Lê Bo huyện Cao Lãnh.

Anh Bo chia sẻ: Qua 6 năm triển khai trồng sen hữu cơ cho thấy, sản phẩm từ sen cho chất lượng tốt hơn, mang lại giá trị cao cho sức khỏe của người tiêu dùng. Hiện Tổ hợp tác có các sản phẩm rượu sen, trà sen, hoa sen tươi… cung cấp cho nhiều khu du lịch và nhiều tỉnh, thành trong khu vực và cả nước.

Anh Lê Văn Bo chia sẻ: “So với trồng lúa thì năng suất trồng sen cao gấp 3 lần trồng lúa. Thế nhưng trồng sen khá là vất vả, ngoài ra người trồng phải biết tính toán mùa vụ, và trồng sen hữu cơ mang hiệu quả cao hơn so với trồng sen kiểu truyền thống. Sen có thể khai thác được nhiều sản phẩm từ hạt, lá, ngó… và có thể kết hợp du lịch từ trồng sen, tạo việc làm cho người lao động”.

Anh Bo cho rằng: “Nông dân để làm ra được sản phầm sen cũng rất cực khổ, vì vậy, các doanh nghiệp đã gắn bó với cây sen và tạo đầu ra cho các sản phẩm sen cần phải nâng tầm giá trị từ cây sen để người nông dân yên tâm trồng sen. Cùng với đó người nông dân trồng sen phải liên kết lại với nhau để cùng chia sẻ cách làm, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm”.

 Đặc sắc các món ăn được chế biến từ sen (Ảnh: BTC)

Anh Nguyễn Văn Trung, xã Mỹ Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: Qua một số người bạn giới thiệu, anh biết đến cây sen và chính thức trồng thử nghiệm trên diện tích nhỏ của gia đình. Sau vụ đầu tiên anh nhận thấy hiệu quả từ cây sen mang lại cao hơn lúa, cho thu nhập ổn định anh đã chuyển đổi hai mẫu đất để trồng sen.

Hiện Đồng Tháp có 20 sản phẩm, hàng quà tặng từ sen đạt tiêu chuẩn 3 – 4 sao của Chương trình OCOP.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất, du lịch Đồng Tháp cũng đã thành công khi gắn với cây sen, người nông dân ngoài bán sen truyền thống còn có thêm thu nhập từ bán không gian trải nghiệm đầm sen cho du khách. Những ruộng sen, cánh đồng sen và sen trên phố đã làm lên thương hiệu du lịch Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen.

Huyện Tháp Mười là một trong những địa phương có diện tích trồng sen lớn của tỉnh Đồng Tháp, riêng xã Mỹ Hòa có 7 hộ trồng sen phục vụ thêm du lịch. Du khách có thể ngắm sen, chụp ảnh và thưởng thức ẩm thực từ loại nông sản đặc trưng này. Nhờ làm thêm du lịch, người nông dân trồng sen đã tăng thêm nguồn thu, mặt khác người dân cảm thấy vui khi du khách thích thú. Đây là cách để quảng bá nhiều hơn về tỉnh Đồng Tháp.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, điểm du lịch Thân Thương, huyện Tháp Mười cho biết: trước đây bà trồng sen chỉ để bán, sau này khi có khách đến tham quan du lịch, thấy du khách thích thú bà cảm thấy lại mừng hơn; nguồn thu nhập cũng được tăng lên, đời sống ổn định hơn.

Không gian sen trong du lịch tỉnh Đồng Tháp còn có ở các khu di tích Gò Tháp, Nguyễn Sinh Sắc hay tại các khu, điểm du lịch tại nhiều địa phương, tạo sự lan tỏa đem đến nét đặc trưng riêng trong ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp.

Đồng Tháp đã chọn sen là 1 trong 6 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh với những chính sách hỗ trợ phát triển. (Ảnh: BTC)

Có thể nói, với những chính sách phù hợp cùng tinh thần nhạy bén, tỉnh Đồng Tháp đã biết khai thác những giá trị từ sen mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là kinh tế sen đang dần được khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, các nhà khoa học cũng cho rằng thời gian tới, cần phải có định hướng rõ ràng để phát triển vùng nguyên liệu, phát huy mạnh mẽ hơn giá trị của cây sen. Muốn vậy cần sự đồng tâm hiệp lực rất lớn của các bên liên quan, bởi đây không phải là câu chuyện của chính quyền địa phương, của người dân, của nhà khoa học, mà là câu chuyện phối hợp của tất cả các đơn vị liên quan.   

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, bên cạnh giá trị văn hóa, tinh thần, sen còn mang một giá trị kinh tế rất lớn. Xác định được tầm quan trọng này, thời gian qua, tỉnh ban hành Nghị quyết về việc xây dựng hình ảnh địa phương, lấy cây sen làm biểu tượng, hình ảnh của tỉnh; chọn sen là 1 trong 6 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh với những chính sách hỗ trợ phát triển. Qua thời gian thực hiện, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với những kết quả mang lại của ngành hàng là cơ sở để tỉnh nhìn nhận lại nhằm định hướng, cấu trúc ngành hàng theo chiều sâu./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực