Dư nợ của các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 khoảng 100.000 tỷ đồng

Thứ bảy, 21/09/2024 09:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ của các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỷ đồng.
 Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: ĐK)

Chiều 20/9, NHNN tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Bão số 3 là cơn bão mạnh với sức tàn phá lớn, ảnh hưởng rộng, có 26 địa phương chịu tác động nặng nề. Phát biểu tại hội nghị Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, cơn bão đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế, theo số liệu thống kê đến ngày 17/9, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%. Đối với ngành Ngân hàng, doanh nghiệp, người dân là khách hàng của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới…

Con số thống kê cho thấy, dư nợ của tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỷ đồng. Đây là con số khá lớn, chiếm 5-7% dư nợ tại 26 tỉnh, thành phố miền Bắc.

Ngày 17/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Theo Thống đốc, NHNN được giao 2 nhiệm vụ. Một là căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 147 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Hai là chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.

Tại hội nghị được kết nối trực tuyến tới một số địa phương chịu thiệt hại bởi bão số 3, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, có khoảng 40.500 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng, nhiều hộ kinh doanh bị thiệt hại hoàn toàn, "mất trắng" tài sản nên đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện về thủ tục khoanh nợ, giãn nợ, cũng như xem xét hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay mới khi nhiều tài sản thế chấp bị thiệt hại.

Một số địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão số 3 cũng đề nghị NHNN tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng bị thiệt hại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi.

Tại Hội nghị, nhiều ngân hàng lớn đã công bố các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của bão số 3.

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024.

Đại diện lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết đã giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ ngày 6.9 đến hết năm nay. Ngân hàng này ước tính gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ 130.000 tỷ đồng được hạ lãi suất, tương ứng mức hỗ trợ 100 tỷ đồng.

Không chỉ ngân hàng lớn, nhiều ngân hàng nhả cũng đã tham gia vào các chương trình hỗ trợ khách hàng. Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho hay, căn cứ vào tình hình thiệt hại, SHB có thể giảm tới 100%, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh... SHB sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá khách hàng để đưa ra thêm các gói cụ thể hơn cho từng ngành, từng lĩnh vực, cũng như triển khai chính sách cơ cấu nợ, xem xét hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo, tín chấp.

Đại diện MSB cho biết đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho khách hàng doanh nghiệp với quy mô gói tín dụng 1.000 tỷ đồng.

LPBank cũng triển khai gói vay ưu đãi lên đến 8.000 tỷ đồng dành cho khách hàng mới, đồng thời hỗ trợ khách hàng hiện hữu bằng việc giảm lãi suất cho vay lên tới 2%.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các  tổ chức tín dụng trong việc đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ông nhấn mạnh rằng, ngành Ngân hàng luôn sát cánh và hỗ trợ khách hàng, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như thiên tai. Phó Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ một cách kịp thời, công khai và minh bạch, đảm bảo sự đồng bộ trong toàn hệ thống.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng yêu cầu NHNN và các đơn vị liên quan nghiên cứu và hoàn thiện các chính sách pháp lý về tín dụng, như giãn nợ, miễn giảm lãi vay và các cơ chế hỗ trợ tài chính, để trình Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu là xây dựng một khung pháp lý vững chắc nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau thiên tai, đồng thời giúp ngành Ngân hàng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% trong năm 2024.

Phó Thống đốc nhấn mạnh rằng ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong việc ổn định nền kinh tế sau thiên tai, thông qua các chính sách tài chính linh hoạt và kịp thời. Những chương trình hỗ trợ hiện nay không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình khôi phục sản xuất kinh doanh và ổn định xã hội sau bão lũ.

Hội nghị lần này thể hiện quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc không ngừng nỗ lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, và cả nền kinh tế vượt qua khó khăn, cùng nhau phát triển và phục hồi mạnh mẽ sau thiên tai.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực