Giá lúa Hè Thu các địa phương vùng ĐBSCL diễn biến tăng trong tháng 7

Thứ ba, 08/08/2023 17:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giá lúa Hè Thu các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn biến tăng trong tháng 7/2023, với mức tăng từ 200 - 500 đồng/kg tùy chủng loại. Đồng thời, trong tháng, giá gạo cũng có xu hướng tăng.

Tăng diện tích lúa để nắm bắt thời cơ xuất khẩu gạo

Có cơ sở để thành công trong thời cơ xuất khẩu gạo

Ngành hàng lúa gạo: Giải pháp nào để biến cơ hội thành hiện thực?

Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

 Giá lúa Hè Thu các địa phương vùng ĐBSCL diễn biến tăng trong tháng 7/2023 (Ảnh: B.T)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá lúa Hè Thu các địa phương vùng ĐBSCL diễn biến tăng trong tháng 7/2023, với mức tăng từ 200 - 500 đồng/kg tùy chủng loại. Trong đó, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 500 đồng/kg lên 6.800 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 300 đồng/kg lên 6.550 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 tăng 150 đồng/kg lên 6.950 đồng/kg; trong khi lúa OM 5451 vẫn giữ ổn định ở mức 6.450 đồng/kg.

Giá gạo cũng có xu hướng tăng trong tháng 7/2023. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR50404 được thu mua ở mức 10.250 - 10.300 đồng/kg, tăng 450 đồng/kg. Gạo thành phẩm ở mức 11.700 - 11.750 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với tháng 6/2023.

Về tình hình sản xuất, trong tháng 7, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa Mùa và lúa Thu Đông, chăm sóc và thu hoạch lúa Hè Thu. Đảm bảo gieo trồng và thu hoạch lúa trong khung thời vụ tốt nhất, đồng thời theo dõi, phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại.

Cụ thể, tính đến trung tuần tháng 7, cả nước đã gieo cấy được 6.175,3 nghìn ha lúa, bằng 99,2% cùng kỳ. Trong đó, lúa Đông Xuân đạt 2.952,5 nghìn ha, bằng 98,7% cùng kỳ; lúa Hè Thu đạt 1.905,9 nghìn ha, bằng 99,7% cùng kỳ, lúa Mùa đạt 1.053,2 ha, bằng 102,3% cùng kỳ; lúa Thu Đông đạt 263,8 nghìn ha, bằng 90,9% cùng kỳ.

Diện tích lúa đã thu hoạch đạt 3.677,4 nghìn ha, bằng 99,2% so với cùng kỳ. Sản lượng ước tính trên diện tích đã thu hoạch đạt 24,1 triệu tấn; năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha.

Trước tình hình dự báo El Nino sẽ tác động đến sản xuất lúa của Việt Nam, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, dự báo, ảnh hưởng của El Nino sẽ có tác động vào tháng 10/2023. Vụ sản xuất lúa năm nay khả năng vẫn an toàn, tuy nhiên, bắt đầu vụ Đông Xuân 2023-2024 sẽ có tác động của El Nino, nhất là sản xuất lúa gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

“Chúng tôi phối hợp với các địa phương, các đoàn công tác của Cục Trồng trọt, Cục Thủy lợi, Cục Bảo vệ thực vật đi kiểm tra đánh giá tại các địa phương. Chúng ta hoàn toàn yên tâm vì ảnh hưởng như của El Nino như vụ 2015-2016 - lần đầu tiên xuất hiện El Nino, thiệt hại đáng ghi nhận, nhưng 2019-2020 là năm El Nino được đánh giá tác động mạnh hơn năm 2015-2016 nhưng tổng thiệt hại của chúng ta chỉ có 60 nghìn ha, trong đó không có diện tích nào bị mất trắng, chỉ thiệt hại 30%, 50%” –ông Cường cho biết.

Trên căn cứ tác động của El Nino đến sản xuất lúa gạo năm 2015-2016, Cục Trồng trọt đã chuẩn bị phương án ứng phó với El Nino. Theo ông Cường, chúng ta có các giải pháp mềm về bố trí cơ cấu cây trồng, bố trí cơ cấu thời vụ cho từng vùng phù hợp, giải pháp về công trình thủy lợi,…để ứng phó với El Nino.

Về vấn đề này, ông Cường cũng nhấn mạnh, chúng ta không chủ quan nhưng hoàn toàn tin tưởng sẽ chủ động trong ứng phó và giảm thiểu tác động của El Nino tới sản xuất trồng trọt nói chung và cây lúa nói riêng./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực