Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 5/2022 tăng

Thứ hai, 30/05/2022 11:41
(ĐCSVN) – Tổng cục Thống kê nhận định giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 2,64% so với cùng kỳ

Ngày 29/5, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng 4/2022, tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ 2021.

 Biểu đồ tốc độ tăng giảm CPI (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Với mức tăng này, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng từ 2,74%-4,47% của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020. Đáng chú ý, trong xu hướng giá cả hàng hóa đang tăng, nhiều khả năng lạm phát năm nay không ở mức thấp như năm ngoái với 1,84% mà sẽ xoay quanh ngưỡng mục tiêu 4%.

Theo ghi nhận trên thị trường thế giới ngày 29/5, giá dầu WTI có thời điểm tiến sát ngưỡng 115 USD/thùng, cao hơn 5% so với mức thấp nhất trong tuần qua là 108 USD/thùng. Giá dầu Brent ở mức 119,4 USD/thùng, cũng tăng khoảng 5% so với mức thấp trong tuần qua. Như vậy, giá 2 loại dầu đều chạm ngưỡng cao nhất kể từ đầu tháng 3. Giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26/5 cũng tiếp tục tăng lên mức 142,44 USD/thùng với xăng RON 92 và 150,62 USD/thùng với xăng xăng RON 95.

 Giá xăng tăng làm CPI tăng (Ảnh: PV)

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng trong nước đã có 10 lần tăng, tương đương mức tăng 6.741-6.774 đồng/lít, tùy loại. Giá bán lẻ xăng E5 RON 92 và RON 95 đang ở mức cao nhất lịch sử với lần lượt 29.630 đồng/lít và 30.650 đồng/lít.

Cũng theo phân tích của Tổng cục Thống kê, một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 5 tháng đầu năm 2022 gồm có: giá xăng dầu được điều chỉnh 13 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 7.360đồng/lít; xăng E5 tăng 7.080 đồng/lít và dầu diezen tăng 7.980 đồng/lít. Bình quân 5 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 49,95% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 5 tháng đầu năm tăng 26,67% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,39 điểm phần trăm. Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 3,31% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 5 tháng tăng 8,28% so với cùng kỳ 2021 do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo. 5 tháng đầu năm 2022 tăng 1% so với cùng kỳ 2021, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.

 Nhóm hàng thực phẩm giảm góp phần làm giảm CPI (Ảnh: HNV)

Trong khi đó nguyên nhân làm CPI giảm được Tổng cục Thống kê chỉ ra là do giá các mặt hàng thực phẩm 5 tháng đầu năm giảm 0,73% so với cùng kỳ 2021, đó giá thịt lợn giảm 20,8%; giá nội tạng động vật giảm 10,06%; giá thịt chế biến giảm 4,23%. Giá dịch vụ giáo dục giảm 3,71% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,2 điểm phần trăm. Giá bưu chính viễn thông giảm 0,56% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.

Lạm phát cơ bản tháng 5/2022 tăng 0,29% so với tháng 4, tăng 1,61% so với cùng kỳ 2021. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,25%),điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu./.

Hân Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực