Hiệu quả từ phát triển các loại cây, con “đặc sản”

Thứ ba, 26/05/2020 11:06
(ĐCSVN) - Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đã chú trọng mở rộng phát triển các loại cây, con “đặc sản”, góp phần đưa nông nghiệp trở thành thế mạnh của địa phương.

Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện Khoái Châu có gần 300 ha diện tích đất nông nghiệp trồng nghệ, chủ yếu tập trung ở các xã có sông Hồng chảy qua như Chí Tân, Đại Tập, Nhuế Dương, Thuần Hưng, Đại Hưng... Riêng Chí Tân có diện tích trồng nghệ lớn nhất huyện với khoảng 140 ha. Hơn 30 năm gắn bó với cây nghệ, xã Chí Tân, huyện Khoái Châu đã trở thành vùng trồng nghệ nổi tiếng cả nước với sản lượng khoảng 5.000 tấn nghệ/năm.

Cây nghệ Chí Tân đã được các nhà khoa học kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng cucurmin trong củ nghệ cao hơn nhiều lần so với các vùng thổ nhưỡng khác. Tận dụng thời gian đất nghỉ, người dân còn trồng xen canh một vụ lạc. Với giá bán trung bình  8.000 đồng/kg, nghệ cho thu khoảng 230 triệu đồng/ha, cộng với thu từ lạc hơn 40 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần trồng lúa. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, trên cơ sở mở rộng diện tích trồng nghệ, người dân tại nhiều xã ở Khoái Châu còn có thêm một nghề mới, là nghề chế biến tinh bột nghệ. Toàn huyện hiện có hàng chục hộ gia đình làm nghề này; nhiều hộ đã mạnh dạn liên kết tổ chức sản xuất, kinh doanh bài bản theo mô hình công ty cung cấp tinh bột nghệ cho thị trường; qua đó góp phần nâng cao giá trị cây nghệ vàng Khoái Châu.

Xã Chí Tân có diện tích trồng nghệ lớn nhất huyện Khoái Châu với khoảng 140 ha. (Ảnh: N. Phương)

Với phương châm tập trung khai thác những tiềm năng vốn có của địa phương, hàng nghìn ha vùng bãi sông Hồng và đất trồng lúa hiệu quả thấp trên địa bàn huyện Khoái Châu đã được người dân đầu tư, cải tạo xây dựng trở thành vùng chuyên canh các loại cây “đặc sản”, cây dược liệu, cây ăn quả như nghệ vàng, nhãn, chuối tiêu hồng, ổi, xoài... Sản phẩm từ các loại cây trồng “mũi nhọn” này đã từng bước chiếm lĩnh thị trường các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu thị trường một số nước như Trung Quốc, Nga và một số nước Trung Đông...

Theo ông Nguyễn Thanh Quyết, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu, diện tích chuyên canh cây ăn quả, cây dược tập trung chủ yếu ở các xã như Bình Minh, Hàm Tử, Dạ Trạch, Đông Kết, Bình Kiều, Tứ Dân, Đại Tập, Tân Dân, Đông Ninh... Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đã chuyển đổi gần 200 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả mũi nhọn. Hiện nay, diện tích cây ăn quả mũi nhọn của toàn huyện đạt trên 3.500 ha; trong đó có trên 200 ha cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận VietGAP; giá trị kinh tế mang lại mỗi năm ước tính là khoảng trên 1.300 tỷ đồng. Qua đánh giá của ngành nông nghiệp, các mô hình chuyển đổi trên địa bàn huyện mang lại thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/ha, lãi gần 200 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng lúa từ 4 - 5 lần.

Mô hình chăn nuôi gà tại Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo tại xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu. (Ảnh: MH)

Bên cạnh các loại cây ăn quả mũi nhọn, huyện Khoái Châu cũng chú trọng đầu tư phát triển các loại vật nuôi “đặc sản”, nhất là giống gà Đông Tảo. Từ lâu, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu đã là miền quê nổi tiếng với giống gà Đông Tảo hay còn gọi tên khác là gà Đông Cảo. Ấn tượng đặc biệt nhất về gà Đông Tảo là đôi chân "khủng". Một số con có chân to bằng bắp tay người lớn, khi trưởng thành có thể nặng trên 4,5kg/con gà trống và hơn 3,5kg/con nếu là gà mái. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu, hiện nay, toàn huyện có tổng đàn gà là hơn 850.000 con; trong đó gà Đông Tảo là trên 50.000 con, hơn 500.000 con gà lai Đông Tảo. Gà Đông Tảo được nuôi tập trung ở các xã như Đông Tảo, Dạ Trạch, Bình Minh, Tân Dân, Bình Kiều... Bình quân hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, nông dân trong huyện cung cấp ra thị trường khoảng 4 - 5 nghìn con gà Đông Tảo thu về hàng chục tỷ đồng.

Nhờ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi và xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả gắn với các loại cây trồng, vật nuôi “đặc sản”, đến nay Khoái Châu đã trở thành một huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và khá ổn định. Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu chia sẻ, trong năm 2019, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 2,71% so với cùng kỳ 2018; giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 205 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,94%; thu nhập bình quân đầu người đạt 71 triệu đồng. Góp phần vào kết quả chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi các loại cây, con đặc sản. Hiện nay, huyện đã có trên 600 mô hình kinh tế trang trại tập trung tại các xã Đông Kết, Đông Tảo, Bình Minh, Hàm Tử, Tân Dân...

Có thể thấy, thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, huyện Khoái Châu đã thu được nhiều thành công trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, việc chú trọng mở rộng phát triển các loại cây, con “đặc sản” đã góp phần đưa nông nghiệp trở thành lĩnh vực kinh tế thế mạnh của Khoái Châu; góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, từng bước nâng cao thu nhập của người nông dân./.

Hoàng Mạnh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực