Hỗ trợ doanh nghiệp Việt chủ động hội nhập quốc tế

Thứ năm, 11/08/2022 21:28
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để chủ động đối mặt với khó khăn, thách thức và tranh thủ tận dụng cơ hội từ bối cảnh hiện nay, cần tập trung phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh, từ đó, thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
leftcenterrightdel
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp năm 2022 (Ảnh: MPI) 

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong bối cảnh biến động phức tạp của thế giới, khu vực, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhất quán chỉ đạo, triển khai các chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý, minh chứng phản ánh sự đúng đắn và kịp thời của các chính sách được thể hiện ở ngay các con số tăng trưởng ấn tượng trong 7 tháng qua.

Những tín hiệu khởi sắc của cộng đồng doanh nghiệp Việt

Cụ thể, các tổ chức quốc tế đều có nhận xét tích cực đối với phát triển kinh tế ở Việt Nam; xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam ở mức “ổn định” và “tích cực”. Nhiều chuyên gia nhận định khả năng chống chịu của nền kinh tế là khá tốt tại thời điểm hiện tại.

Kết quả khảo sát nhanh doanh nghiệp trong quý II/2022 cũng nêu rõ, 70%-80% doanh nghiệp đánh giá cao mức độ hữu ích trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ, quyết định mở cửa nền kinh tế theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế, phí, tiền thuê đất, giảm tiền điện, chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 7/2022, cả nước có khoảng 871 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4%; trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2% và trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 67,4%. Tính riêng trong 7 tháng năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, hiện nay, thị trường của doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường nội địa trong một số ngành phục hồi trên 75% - 85% so với thời điểm trước dịch bệnh COVID-19. Doanh thu trong 02 quý đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch.

Thị trường du lịch và vận tải hàng không nội địa phục hồi tương ứng là gần 100% và 85%, đặc biệt là sự bùng nổ trong quý II năm nay. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỉ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.

Một điểm đáng mừng trong bối cảnh hiện nay là niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực. Gần 92% doanh nghiệp cho rằng sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh trong quý III/2022; 85% doanh nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III/2022 sẽ ổn định và có xu hướng tốt lên so với quý II/2022.

Mặc dù khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực, tuy nhiên theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng. Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao; đồng thời thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, quy mô còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đa số doanh nghiệp của nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam có xu hướng tang mạnh trong giai đoạn gần đây.

Nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh mang tính thời vụ, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhà nước, cộng đồng, xã hội còn hạn chế, nhất là về nghĩa vụ thuế, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại... Tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển; chưa nhìn được giá trị lợi ích chung của việc hợp tác, liên kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn hơn.

leftcenterrightdel
Cộng đồng doanh nghiệp nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay (Ảnh: PV)

Dự kiến 5 nhóm thách thức với cộng đồng doanh nghiệp từ nay đến cuối năm 2022

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, qua tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng dự kiến trong các tháng cuối năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thể hiện cụ thể ở 05 nhóm vấn đề:

Thứ nhất, giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành gói thầu xây dựng tăng từ 18 - 30% theo từng thời điểm; chi phí logistics tăng từ 3 - 5 lần. Mức độ tăng về chi phí của doanh nghiệp cao hơn mức độ tăng về doanh thu trong quý II/2022 so với quý I/2022 và cùng kỳ 2021.

Thứ hai, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương; đồng thời, quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp do phải tăng các khoản chi phí được tính tỷ lệ theo lương trong khi giá bán không thể thay đổi đối với đơn hàng đã ký kết, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiều lao động.

Thứ ba, việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp.

Thứ tư, biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu. Một số ngành hàng đang xảy ra tình trạng cung linh kiện không đủ phục vụ cho sản xuất, trong khi ở một số ngành khác như dệt may, dự báo đến tháng 9, tháng 10 năm nay tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một gia tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh, hàng tồn không bán được, các nhãn hàng trên thế giới không ký đơn hàng mới.

Thứ năm, một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, nhiều dự án đầu tư ở địa phương chưa triển khai được do các thủ tục liên quan kéo dài nhiều năm; các quy chuẩn về môi trường trong sản xuất chế biến thuỷ sản, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy; quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang còn nhiều bất cập… Nguyên nhân chủ yếu do sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thiếu tính thực tiễn của một số văn bản quy phạm pháp luật; thiếu thể chế tạo động lực cho cấp thực thi nhất là ở cấp địa phương để họ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Bởi thể, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, hơn lúc nào hết, cần phải hành động sớm nhất,  hiệu quả nhất để có thể chủ động vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ.

 

Đồng hành cùng doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số quan điểm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới đây theo hướng, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển với tinh thần đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp. Song song là bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất toàn diện các chính sách, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Đồng thời là chủ động xây dựng chính sách và chuẩn bị các nguồn lực cần thiết triển khai các giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, đổi mới sáng tạo, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới để có thể vươn lên, bắt kịp và tiến cùng với thế giới.

Bộ trưởng nhấn mạnh tới 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong dài hạn cụ thể.

Về ngắn hạn: Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để; tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gẫy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, tái cơ cấu mặt hàng và thị trường, tránh tình trạng lệ thuộc vào một số thị trường nhất định; thúc đẩy liên kết các doanh nghiệp, sử dụng hàng hóa của nhau, giữ vững và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Đặc biệt, tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ ngườilao động, đặc biệt tiến độ thẩm tra, giải ngân gói hỗ trợ nhà trọ cho người lao động; hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp thụ hưởng chính sách.

Trong dài hạn: Tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính gây dựng niềm tin cho doanh nghiệp để có định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững; tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt, đón đầu các xu hướng kinh doanh và thị trường mới…

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chủ động đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn thách thức, nắm bắt cơ hội, đón đầu xu hướng, tạo đà bứt phá và thiết lập vị thế mới trên bản đồ thế giới./.

Hà Anh (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực