Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động mua bán nợ xấu tại Việt Nam

Thứ ba, 29/11/2022 23:04
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh, tuy đã xây dựng nhiều khung pháp lý cho hoạt động mua bán nợ hướng tới phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam, nhưng thị trường mua bán nợ về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
leftcenterrightdel
Hình ảnh tại buổi Tọa đàm (Ảnh: M.P) 

Ngày 29/11 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại buổi tọa đàm Phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đánh giá, thị trường mua bán nợ là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán các khoản nợ hay thu hồi nợ trên thị trường của các chủ thể trong nền kinh tế để tránh rủi ro về mặt tài chính và tăng tính thanh khoản cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng, sự ra đời và phát triển của thị trường mua bán nợ có đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển thị trường tài chính và sự ổn dịnh an toàn tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng và hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, thời gian qua đã xây dựng nhiều khung pháp lý cho hoạt động mua bán nợ hướng tới hình ảnh và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Một trong những cột mốc quan trọng tạo tiền đề cho thị trường mua bán nợ nói chung và nợ xấu nói riêng là sự ra đời của sàn giao dịch nợ của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) vào năm 2021, nhờ đó việc mua  bán nợ bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy xử lý thu hồi nợ của ngành ngân hàng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cho rằng, thị trường mua bán bán nợ về cơ bản vẫn còn khá sơ khai và còn nhiều vấn đề cần giải quyết như khung pháp lý chưa thống nhất, thiếu và yếu. Bên cạnh đó, kỹ thuật, phương pháp định giá còn thiếu tính thị trường, hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia vào thị trường.

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2025 và định hướng đến 2030 đã chỉ rõ mục tiêu đưa nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng dưới 3% vào năm 2025, do đó Phó Thống đốc cho biết, để đạt được mục tiêu này cần có quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên tham gia thị trường để tiến tới thúc đẩy thị trường mua bán nợ và mở rộng quan hệ hợp tác với thị trường mua bán nợ các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bối cảnh thế giới trong giai đoạn tới được dự báo có nhiều diễn biến khó lường tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và những bất ổn về chính trị, xung đột vũ trang ở 1 số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng vay dẫn đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì vậy, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng việc thúc đẩy thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc xử lý nợ xấu của toàn ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng sẽ tiếp tục quan tâm và tạo sự thuận lợi để các đơn vị hoạt động hiệu quả thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao từng bước tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ trong tương lai.

Tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định, thách thức với thị trường mua bán nợ tại Việt Nam là chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán nợ của những chủ thể không phải là VAMC, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC) hay các tổ chức tín dụng chưa có nhà đầu tư tư nhân, nhất là nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện chỉ cho phép 2 phương pháp mua bán nợ là đàm phán trực tiếp và đấu giá được phép thực hiện.

Vì vậy, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần phải bổ sung các chủ thể tham gia thị trường có các tổ chức, cá nhân, định chế tài chính phi ngân hàng, nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, mở rộng phương thức mua bán nợ cho phép chứng khoán hóa. Đặc biệt, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, phải phát triển thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản, phát triển hạ tầng tài chính, đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước

Về cải cách khung pháp lý, Luật sư Andrew Godwin, chuyên gia của World Bank cũng cho rằng, cải cách khung pháp lý có thể đạt hiệu quả cao nhất khi tất cả các vấn đề pháp lý và cấu trúc có liên quan để được xem xét một cách toàn diện. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch khả thi để thực hiện quá trình cải cách và thực hiện cải cách.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực