Hướng dẫn giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tổ yến xuất sang Trung Quốc

Thứ tư, 01/02/2023 19:58
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cục Thú y hướng dẫn về đối tượng, nội dung giám sát và lấy mẫu giám sát; biện pháp xử lý trong quá trình thực hiện giám sát liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cục Thú y hướng dẫn các đơn vị, tổ chức liên quan giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc (Ảnh: B.T)

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có công văn số 144/TY-TYCĐ gửi các Chi cục Thú y vùng; Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú Trung ương I và II; Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tổ yến về việc hướng dẫn giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để triển khai thực hiện Nghị định thư giữa Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Hoa, Cục Thú y hướng dẫn các đơn vị, tổ chức thực hiện giám sát an toàn thực phẩm đối với tổ yến để xuất khẩu.

Cụ thể, đối tượng giám sát là các cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến của các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu. Về nội dung giám sát, đối với các cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến, giám sát điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm của cơ sở; năng lực xử lý vệ sinh hiệu quả đối với tổ yến; việc thực hiện quy trình vận hành để kiểm soát vệ sinh đối với tổ yến trong quá trình thu hoạch và vận chuyển.

Đối với mẫu tổ yến: lấy mẫu tổ yến, phân tích các chỉ tiêu theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu; yêu cầu về các chỉ tiêu cần kiểm tra; mức giới hạn đối với mẫu tổ yến.

Về lấy mẫu giám sát, đối với sản phẩm tổ yến, lấy mẫu ngẫu nhiên tổ yến thành phẩm đã qua sơ chế, chế biến sẵn sàng để xuất khẩu (lấy sản phẩm trước khi đóng gói). Đối với các sản phẩm chế biến từ tổ yến, lấy mẫu ngẫu nhiên tổ yến đã qua sơ chế, chế biến được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm.

Về địa điểm lấy mẫu, lấy mẫu tại tất cả các cơ sở sơ chế, chế biến đăng ký xuất khẩu. Về số lượng mẫu, mỗi cơ sở sản xuất, chế biến xuất khẩu lấy tối thiểu 2 mẫu (được lấy từ các mẻ, lô sản xuất khác nhau),…

Về khối lượng mẫu, khoảng 50 đến 100g cho 1 mẫu, bảo đảm đủ khối lượng để phân tích 9 chỉ tiêu giám sát và lưu mẫu theo quy định.

Về phương pháp lấy mẫu, lấy ngẫu nhiên tổ yến thành phẩm hoặc tổ yến đã qua sơ chế, chế biến sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm khác từ các mẻ, lô sản xuất khác nhau gộp lại thành 1 mẫu cho đủ khối lượng mẫu (khoảng 50 đến 100g) để phân tích.

Về tần suất và thời gian lấy mẫu, việc lấy mẫu giám sát được thực hiện định kỳ 2 đợt/năm (6 tháng/1 đợt lấy mẫu) hoặc lấy mẫu giám sát đột xuất theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Về mã hóa, bảo quản và vận chuyển mẫu: Mẫu được đánh mã số và ký hiệu mẫu theo hướng dẫn thường quy để bảo đảm tính khách quan và truy xuất nguồn gốc. Bảo quản mẫu ở nhiệt độ thường và vận chuyển đến phòng thử nghiệm trong vòng 24 - 48 giờ.

Về biện pháp xử lý trong quá trình thực hiện giám sát, khi kiểm tra, phát hiện cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, Cục Thú y thực hiện thông báo bằng văn bản đến doanh nghiệp sơ chế, chế biến tổ yến xuất khẩu về các nội dung không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các hành động khắc phục; phân công Chi cục Thú y vùng thuộc địa bàn quản lý giám sát quá trình khắc phục và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Thú y.

Bên cạnh đó, ngay sau khi phát hiện mẫu tổ yến không đạt các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo yêu cầu, Chi cục Thú y vùng thuộc địa bàn quản lý thực hiện thông báo bằng văn bản về kết quả phân tích mẫu cho doanh nghiệp có mẫu tổ yến không đạt yêu cầu về các chỉ tiêu giám sát và các Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thành phố thuộc địa bàn quản lý.

Yêu cầu doanh nghiệp có cơ sở sơ chế, chế biến thực hiện truy xuất nguồn gốc đến nhà yến có mẫu tổ yến không đạt yêu cầu về các chỉ tiêu giám sát. Xác định nguyên nhân, đề xuất các biện pháp khắc phục phù hợp; đề nghị các cơ sở thực hiện khắc phục; giám sát quá trình khắc phục tại các cơ sở này và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Thú y.

Để triển khai các công việc trên, Cục Thú y chủ trì xây dựng Chương trình giám sát hằng năm về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với tổ yến; hướng dẫn, phổ biến cho các đơn vị trực thuộc Cục, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan thực hiện việc giám sát, tổng hợp và báo cáo kết quả giám sát.

Hằng năm rà soát, điều chỉnh lại nội dung, cơ cấu mẫu giám sát cho phù hợp hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu; tổ chức hướng dẫn các biện pháp khắc phục đối với các nhà yến, cơ sở sơ chế, chế biến tổ yến. Hằng năm, trước ngày 30/3 gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc kế hoạch giám sát năm tiếp theo và kết quả giám sát năm hiện tại.

Các Chi cục Thú y vùng chủ trì, phối hợp với Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương I và II kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở sơ chế và chế biến tổ yến. Lấy mẫu gửi cho Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương I hoặc II; thông báo bằng văn bản về kết quả giám sát cho các doanh nghiệp,…

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm tổ yến xuất khẩu, cung cấp danh sách, hồ sơ của các nhà yến, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm tổ yến và các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y, Chi cục Thú y vùng để triển khai có hiệu quả việc giám sát, bao gồm việc lấy mẫu, gửi mẫu giám sát; chi trả các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, phân tích mẫu giám sát,…/.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực