Khởi công xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Vành đai 3 TPHCM

Thứ bảy, 24/09/2022 23:03
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - “Dự án thành phần 1A khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần hình thành, hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3 TP. HCM, từ đó nâng cao tính kết nối giữa thành phố và các tỉnh lân cận, kết nối các đô thị vệ tinh; mở rộng không gian phát triển quỹ đất, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ. Đồng thời, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại trung tâm TP. HCM.” - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định.
Các đại biểu nhấn nút thực hiện nghi thức khởi công dự án 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc dự án đường Vành đai 3 TP. HCM. 

Ngày 24/9, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai và TP. HCM tổ chức lễ khởi công Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM .

Tham dự lễ khởi công có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai Hoàng Thị Bích Hằng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cùng đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc và đơn vị tài trợ vốn ODA.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, huyện Nhơn Trạch có vị trí tiếp giáp với TP. HCM qua sông Lòng Tàu, sông Nhà Bè và sông Đồng Nai nên có lợi thế Nhơn Trạch phát triển kinh tế - xã hội, nhưng gặp “rào cản” là khả năng kết nối giao thông. Theo định hướng phát triển, đô thị mới Nhơn Trạch sẽ là đô thị loại 2, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của tỉnh Đồng Nai và vùng Đông Nam bộ. Tuy nhiên, sau 20 năm xây dựng do hạn chế trong kết nối giao thông nên đến nay, đô thị Nhơn Trạch vẫn chưa đạt đủ các tiêu chí của một đô thị loại 2 cũng như thu hút dân cư về sinh sống.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Dự án thành phần 1A khi hoàn thành xây dựng sẽ tạo hướng kết nối mới giữa Nhơn Trạch với TP. HCM cũng như các địa phương trong khu vực. Từ đó, mở ra cơ hội để Nhơn Trạch trở thành đô thị loại II, đồng thời tạo tiền đề để hoàn thành toàn bộ dự án đường Vành đai 3 TP. HCM. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo huyện Nhơn Trạch và các sở, ngành tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án trong năm 2022 đối với các đoạn qua Đồng Nai.

Tại buổi lễ, trước khi phát lệnh khởi công dự án, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng, vùng Đông Nam bộ là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của Việt Nam. Với vai trò đầu tàu kinh tế, tỉ lệ đóng góp của vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 34% GDP. Bên cạnh đó, vùng còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ đang đối mặt với tình trạng quá tải, thiếu kết nối đồng bộ. Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng.

“Dự án thành phần 1A khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần hình thành, hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3 TP. HCM, từ đó nâng cao tính kết nối giữa thành phố và các tỉnh lân cận, kết nối các đô thị vệ tinh; mở rộng không gian phát triển quỹ đất, thương mại, dịch vụ, công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ. Đồng thời, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại trung tâm TP. HCM.” - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn khẳng định.

Dự án thành phần 1A có chiều dài khoảng 8,22km, gồm 6,3km qua địa bàn Đồng Nai và 1,92km đi qua địa bàn TP. HCM. Điểm đầu dự án giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP. Thủ Đức (TP. HCM), thời gian thi công 3 năm.

Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h. Bề rộng nền đường từ 20,5m - 26m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp. Tổng mức đầu tư 6.955,65 tỉ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 2.250,73 tỉ đồng (gồm Đồng Nai là 651,3 tỉ đồng và TP. HCM là 1.599.4 tỉ đồng). Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Tin, ảnh: Quốc Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực