Kiến nghi tăng thêm 5% tỷ lệ điều tiết ngân sách để TP Hồ Chí Minh phục hồi sau dịch

Thứ tư, 08/09/2021 11:19
(ĐCSVN) - Đó là 1 trong 5 kiến nghị từ nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh giai đoạn COVID-19 lần thứ 4” do Trường ĐH Kinh tế - Luật và Viện nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng ĐHQG-HCM công bố gần đây.
leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: Phiên An

Nhóm nghiên cứu cho biết, theo công bố của Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, khi đợt dịch COVID-19 lần IV xảy ra trên diện rộng, phần lớn doanh nghiệp và lao động tại TP.HCM phải ngừng hoạt động. Chỉ 715/1.527 doanh nghiệp ở khu công nghệ cao, khu công nghệ, khu chiết xuất duy trì ở các mức độ hoạt động khác nhau với khoảng 65.000/345.000 lao động.

“Ngay cả khi kiểm soát được dịch bệnh từ 15/9, TP Hồ Chí Minh vẫn phải đối mặt với các bất lợi tiếp tục lan rộng, làm suy kiệt trầm trọng năng lực tài chính của thành phố. Nếu TP Hồ Chí Minh chậm hồi phục kinh tế, tăng trưởng của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu ngân sách quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực” - nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.

Nhóm nghiên cứu cũng lưu ý, chiến lược phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh không chỉ giới hạn ở khía cạnh kinh tế thuần tuý mà đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ với các chính sách về an sinh xã hội, y tế (phòng chống dịch, tiêm vaccine, chăm sóc sức khoẻ, điều trị nhiễm COVID...) cũng như chú trọng việc hàn gắn liên kết vùng đã bị đứt gãy trong thời giãn cách.

Nhóm nghiên cứu đã nêu 5 kiến nghị đối với Chính phủ để giúp TP Hồ Chí Minh phục hồi sau đợt dịch COVID-19 thứ IV này.

Trước hết, Chính phủ cần thành lập Tổ công tác đặc biệt về phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để giữ vai trò chủ trì, điều phối hiệu quả tất cả các lĩnh vực và địa bàn.

Tiếp đến, ngân sách trung ương bổ sung cho TP Hồ Chí Minh tối thiểu 13.200 tỷ cho gói hỗ trợ an sinh 50.000 đồng/người/ngày trong 56 ngày từ 23/8 đến 15/10. Đồng thời, Bộ Tài Chính phát hành trái phiếu Chính phủ (ghi nợ ngân sách trung ương) để phân bổ nguồn vốn này cho TP Hồ Chí Minh kịp thời giải ngân các dự án đầu tư công đã phê duyệt nhưng bị tắt nghẽn do thiếu vốn. TP Hồ Chí Minh thanh toán chi phí lãi vay theo lãi suất trái phiếu Chính phủ tương ứng với phần vốn sử dụng. Với mặt bằng lãi suất trái phiếu chính phủ hiện đang khá thấp và hiệu quả của tác động kích thích từ đầu tư công, TP Hồ Chí Minh đủ khả năng trả lãi vay.

Đặc biệt, từ năm ngân sách 2022, kiến nghị trung ương chấp thuận cho phép TP Hồ Chí Minh tăng tỷ lệ điều tiết từ 18% lên 23% nhằm giúp TP Hồ Chí Minh có nguồn lực tạo động lực phục hồi kinh tế đạt hiệu quả, tạo động lực hồi phục và phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cuối cùng, kiến nghị Chính phủ nâng trần nợ công của TP Hồ Chí Minh và tạo điều kiện thuận lợi cho phép TP Hồ Chí Minh phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tài trợ cho các dự án đầu tư vào: hạ tầng y tế; hạ tầng giao thông đặc biệt là giao thông kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; và hạ tầng kinh tế số và chuyển đổi số.

Nghiên cứu trên được thực hiện dựa trên hai giả thuyết: (1) TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh cơ bản kiểm soát được COVID-19 lần IV trong tháng 9/2021 để có thể quay trở lại hoạt động ở điều kiện “bình thường mới” trong tháng 10/2021; (2) Vaccine sẽ tiếp tục được triển khai trên diện rộng để đến đầu quý 4/2021 đạt độ bao phủ 70%- 80% người dân cư ngụ tại TP.HCM và các tỉnh giáp ranh được tiêm đủ 2 mũi. Đến tháng 12/2021 cơ bản 70%-80% người dân Việt Nam được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi./.

Phiên An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực