Kon Tum: Những chuyển biến quan trọng qua 110 năm hình thành, phát triển

Thứ năm, 09/02/2023 18:00
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Ngày 09/02/2023, tỉnh Kon Tum chính thức tròn 110 năm tuổi kể từ khi Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định ngày 09/02/1913 về thành lập tỉnh Kon Tum. Qua chặng đường 110 năm, đến nay, tỉnh Kon Tum đã không ngừng phát triển, trở thành một địa phương có vị trí chiến lược quan trọng thuộc Tây Nguyên và cả nước.
Sâm Ngọc Linh- Một trong những sản phẩm đang được Kon Tum tập trung phát triển, tạo thế mạnh cho tỉnh. 

Theo đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Uỷ viên Ban Thường vụ,  Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, kể từ khi trở thành một tỉnh riêng và mang tên gọi là Kon Tum theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 09/02/1913, tỉnh Kon Tum đã anh dũng trải qua các giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Sau ngày giải phóng, Kon Tum gặp không ít khó khăn. Bên cạnh việc cứu đói, ổn định đời sống Nhân dân, tỉnh đã đặc biệt chú trọng công tác định canh, định cư khai hoang, đẩy mạnh sản xuất. Ngày 29/10/1975, Kon Tum và Gia Lai sáp nhập lại thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Gia Lai - Kon Tum tiếp tục khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa đấu tranh chống âm mưu, lấn chiếm biên giới của tập đoàn phản động Pôn Pốt, tấn công truy quét tàn quân FULRO và các thế lực phản động khác.

Sau khi đất nước giành được độc lập, thống nhất Tổ quốc, ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết giải thể tỉnh Gia Lai - Kon Tum và thành lập lại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Việc thành lập lại tỉnh Kon Tum xuất phát từ yêu cầu phát triển chung của đất nước trong thời kỳ đổi mới, xu thế và điều kiện phát triển của khu vực Tây Nguyên và tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, khi mới thành lập lại tỉnh, đời sống Nhân dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, cần cù sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết một lòng đồng tâm hiệp lực, phát huy truyền thống cách mạng, phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tranh thủ sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, quyết tâm củng cố, xây dựng tỉnh phát triển theo bước đi chung của cả nước.

Mặc dù trải qua thời gian dài thành lập, sáp nhập và chia tách nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh vẫn luôn giữ vững tính đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt khó, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, quyết tâm xây dựng Kon Tum ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong 10 năm (từ năm 2012 đến năm 2022), kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá và thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên, quy mô của nền kinh tế năm 2022 đạt 30.413 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với năm 2012, bình quân giai đoạn tăng trưởng 7,7%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; GRDP bình quân đầu người cải thiện rõ rệt, tăng khoảng 2 lần và đạt 52,44 triệu đồng/người năm 2022. Thu ngân sách tăng khoảng 2,2 lần, đạt 4.050 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nền kinh tế, du lịch từng bước giữ vị trí quan trọng và có những bước chuyển biến tích cực, tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với du khách. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu cũng là lĩnh vực quan trọng và có bước tiến đáng kể, tăng kỷ lục. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của tỉnh thực hiện đạt 320,8 triệu USD, gấp 5 lần so với năm 2012. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được thực hiện mạnh mẽ; việc ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính được triển khai rộng rãi. Công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thu hút đầu tư trên địa bàn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành và đã có nhiều chuyển biến tích cực; một số nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn đã lựa chọn Kon Tum là địa điểm đầu tư lý tưởng, triển khai nhiều dự án trên nhiều lĩnh vực thuộc tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như du lịch, nghỉ dưỡng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển dược liệu,…

Cùng với những chuyển biến về kinh tế, diện mạo đô thị của Kon Tum cũng có nhiều khởi sắc; thành phố Kon Tum sau khi được thành lập vào năm 2009 đã có sự phát triển mạnh mẽ và được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kon Tum vào ngày 10/01/2023; thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông được thành lập; thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi đạt tiêu chí đô thị loại IV; khu hành chính huyện Ia H'Drai được đầu tư, hình thành; hạ tầng trung tâm các huyện, xã, khu dân cư được mở rộng, nâng cấp, ngày càng đồng bộ.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được triển khai kịp thời. Chất lượng giáo dục nói chung, giáo dục vùng dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm và đến cuối năm 2022 còn 10,86%. Chất lượng lao động có sự gia tăng đáng kể, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 36,7% năm 2012 lên 55,7% năm 2022, thuộc nhóm cao trong khu vực Tây Nguyên.

Mới đây, tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức thành công phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 2. 

Các lĩnh vực như khoa học, công nghệ; văn hóa, thể thao được chú trọng. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, dân tộc được thực hiện tốt. Các lĩnh vực quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, tích cực triển khai kịp thời. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được chú trọng. Nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum- Lê Ngọc Tuấn, mặc dù có những bước phát triển đáng kể, song kinh tế - xã hội của tỉnh Kon Tum thời gian qua vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, với địa hình rộng, bị chia cắt; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 55% dân số; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém, chưa đồng bộ; bên cạnh đó, năng lực nội tại, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm trên địa bàn tỉnh còn yếu, tăng trưởng thấp; chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, năng suất lao động chưa cao; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên người và cây trồng, vật nuôi tiếp tục có nguy cơ xảy ra, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của Nhân dân. Ngoài ra, nền kinh tế của tỉnh cũng có nguy cơ tiếp tục chịu sự tác động của dịch bệnh COVID-19 với các biến thể mới,…

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Lê Ngọc Tuấn khẳng định, trước mắt trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gắn với thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Cùng với nhiệm vụ trên, Kon Tum sẽ tập trung thực hiện tái cơ cấu đồng bộ kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển bền vững nền kinh tế thông qua phát triển các ngành sản xuất, các sản phẩm chủ yếu, phát huy tối đa lợi thế so sánh và từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Trong đó, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Phát triển các loại dược liệu phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, quyết tâm đưa tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược liệu và năng lượng tái tạo; nâng cao chất lượng xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều hình thức, sản phẩm đa dạng, phong phú; tăng cường quảng bá, xây dựng Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Đô thị Kon Tum hiện nay đã được công nhận là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh. 

Đồng thời với các nhiệm vụ trên, địa phương sẽ tập trung huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của Trung ương, vận động, thu hút các nguồn vốn hỗ trợ từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với các tỉnh khác trong khu vực thông qua việc đầu tư các tuyến cao tốc, cảng hàng không. Tiếp tục đầu tư, kêu gọi đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển đô thị và bố trí dân cư phù hợp với các điều kiện đặc trưng về sinh thái, bản sắc văn hóa của tỉnh; có không gian xanh, cảnh quan đặc trưng, kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh và thân thiện với môi trường.

Quan tâm tập trung xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kết hợp và gắn với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận sản phẩm và dịch vụ công của Nhà nước.

Tập trung nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hình thành nếp sống văn minh, gia đình văn hóa trong đồng bào các dân tộc; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu các dân tộc. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; tăng cường liên kết, hợp tác để đào tạo nhân lực trình độ cao, các ngành nghề đáp ứng cho yêu cầu phát triển. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm sâu sắc hơn các quan hệ đối ngoại, hợp tác khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo thế chủ động trong phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Nắm chắc và làm chủ tình hình, ngăn chặn, triệt phá kịp thời hoạt động gây rối, biểu tình, tấn công không gian mạng để giữ vững quốc phòng, an ninh…./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực