Làm giàu từ “cánh đồng mẫu lớn”

Thứ bảy, 08/07/2023 16:12
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo anh Trịnh Văn Diện (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; Nhân dân rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất vì hiệu quả kinh tế đem lại từ mô hình này rất cao.

Anh Trịnh Văn Diện bên những luống khoai tây được canh tác trên mô hình sản xuất "cánh đồng mẫu lớn". (Ảnh: Mai Chiến)

Năm 2012, hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa của địa phương, anh Trịnh Văn Diện đã mạnh dạn thuê lại 10 mẫu ruộng canh tác kém hiệu quả của người dân để xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, hiện thực hóa ước mơ “làm lớn” trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ban đầu, gia đình anh chọn cây khoai tây để canh tác theo phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ. Vụ sản xuất đầu tiên, gia đình anh đã thắng lớn; khoai tây cho năng suất cao, đẹp mã và giá bán ổn định, giúp anh vững tin hơn vào hướng làm ăn của mình.

Để mở rộng quy mô và gia tăng lợi nhuận từ mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, anh Diện đã mạnh dạn thuê thêm diện tích ruộng canh tác kém hiệu quả của những hộ lân cận và những diện tích ruộng khác của những người dân không có nhân lực canh tác.

Đến năm 2015, gia đình anh sở hữu 20 mẫu ruộng; vừa canh tác khoai tây, vừa sản xuất lúa thương phẩm. Để giảm chi phí, sức lao động; tăng năng suất, chất lượng, anh Diện chủ động mượn tiền của người thân, mua máy móc, áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Anh Diện kể: “Tôi bắt đầu thực hiện cánh đồng mẫu lớn với mô hình trồng khoai tây trên đất tối thiểu. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, kỹ thuật…, nhưng tôi vẫn quyết làm và đã đạt được một số kết quả tốt”.

Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã Trực Chính, anh Diện được trang bị những kiến thức về quy trình, kỹ thuật sản xuất như kỹ thuật làm đất, kỹ thuật xử lý giống, kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp luôn đạt hiệu quả cao.

 Khoai tây của anh Trịnh Văn Diện được canh tác theo phương pháp làm đất tối thiểu có phủ rơm rạ cho năng suất cao. Ảnh: Mai Chiến

Xác định việc tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, năm 2020, anh Diện tiếp tục thuê lại diện tích ruộng canh tác kém hiệu quả của người dân trong và ngoài xã để mở rộng thêm diện tích trồng lúa. Đến nay, tổng diện tích gia đình anh đang thuê của bà con nông dân lên đến 100 mẫu ruộng. Hằng năm, gia đình duy trì canh tác 10 ha khoai tây vụ Xuân và vụ Đông, diện tích còn lại là trồng lúa. Với diện tích trồng khoai tây, sau khi thu hoạch xong, gia đình anh chuyển tiếp sang trồng lúa.

Song song với việc mở rộng diện tích, anh Diện tích cực nghiên cứu, sản xuất, chế tạo thêm các loại máy móc để đưa vào sản xuất. Đến nay, với diện tích 100 mẫu ruộng, gia đình anh áp dụng 100% cơ giới hóa.

Dẫn chúng tôi tham quan ruộng lúa, ruộng khoai tây xanh mơn mởn, anh Diện giới thiệu về công dụng của từng loại máy móc đang trực chờ sẵn trên bờ. Anh chỉ tay rồi nói: “Đây là máy bừa, làm đất; kia là máy đào khoai tây; xa xa bên bờ là máy phun thuốc… Hiện tại, gia đình tôi có khoảng 10 loại máy để phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

Anh Diện chia sẻ, trước đây, diện tích sản xuất nhiều, gia đình chưa đủ máy móc nên phải đi thuê, do đó tốn nhiều chi phí sản xuất. Sau nhiều lần bàn bạc với người thân, anh quyết định đầu tư máy móc và tìm tòi sáng tạo ra một số loại máy để phục vụ sản xuất.

Theo anh Diện, gia đình anh sẽ trực tiếp đứng vận hành các loại máy móc đó. Ngoài phục vụ cho gia đình, anh còn phục vụ cho bà con nông dân trên địa bàn xã khi họ có nhu cầu. Thậm chí, anh còn đưa máy gặt sang các tỉnh khác để phục vụ cho người dân, tăng thu nhập gia đình.

Nhờ nỗ lực phát triển kinh tế, năm 2020, anh Trịnh Văn Diện đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. (Ảnh: Q. Chiến) 

“Sản xuất cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa đem lại hiệu quả cao; giúp gia đình giảm chi phí sản xuất, sức lao động, rút ngắn thời gian thu hoạch, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ tiếp theo. Với diện tích 100 mẫu, gia đình tôi gieo trồng hoặc thu hoạch chỉ vài ngày là xong hết”, anh Diện nói.

Qua tính toán của anh Diện, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, gia đình anh giảm được chi phí sản xuất từ 150.000  - 200.000 đồng/sào.

Hiện nay, toàn bộ đầu ra sản phẩm nông nghiệp đều được các công ty thu mua lại, nhờ đó gia đình anh không phải lo đầu ra. Cụ thể, khoai tây cung cứng cho Công ty Minh Dương, thóc giống cung ứng cho Công ty Cường Tân, thóc thương phẩm cung cứng cho Công ty Vật tư nông nghiệp Trực Ninh…

Anh Diện cho biết, hiện tại anh đã thành lập và ra mắt HTX Nông nghiệp Minh Diện, với mục đích phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, khẳng định thương hiệu.

“Hiện nay, sau khi trừ tất cả các loại chi phí, thu nhập bình quân của gia đình tôi dao động từ 450  - 500 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn tạo công ăn việc làm cho 15  - 20 lao động địa phương”, anh Diện chia sẻ.

Nhận xét về nông dân Trịnh Văn Diện, ông Mai Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Trực Chính cho biết: "Anh Trịnh Văn Diện là người quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Anh Diện còn rất bản lĩnh khi chọn phát triển kinh tế bằng lĩnh vực nông nghiệp, vốn được xem là lĩnh vực khó làm. Hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa, sản xuất trên những “cánh đồng mẫu lớn”, gia đình anh Diện đã đã đạt được nhiều kết quả tích cực để vươn lên làm giàu, là tấm gương về làm kinh tế giỏi ở địa phương..."

Nhờ nỗ lực phát triển kinh tế, làm giàu trên đồng đất quê hương và tạo công ăn việc làm ổn định cho một số lao động, năm 2020, anh Trịnh Văn Diện đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đây là động lực lớn để anh cố gắng trong việc phát triển kinh tế gia đình, kiên định hướng làm kinh tế nông nghiệp “cánh đồng mẫu lớn”, tiếp tục đạt được nhiều kết quả khả quan./.                                                                                          

Quang Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực