Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân

Thứ tư, 13/09/2023 22:31
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Ngày 13/9, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình lãnh đạo Thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân Thành phố năm 2023 với chủ đề “Nông dân với chính sách phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố”.

Chủ trì có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh.

 Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, từ các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị của Thành phố, nông dân Thành phố đã có những bước tiếp cận, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đặc biệt là từng bước hình thành một đội ngũ nông dân thành phố dám nghĩ, dám làm, thích ứng hiệu quả với sự phát triển của nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hiện đại trên địa bàn thành phố.

Giai đoạn 2018 – 2023, các cấp Hội Nông dân Thành phố đã vận động 17.407 hội viên nông dân trực tiếp sản xuất tham gia thành lập được 95 hợp tác xã và 601 tổ hợp tác.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời gian qua, quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm dẫn đến quy mô sản xuất phần lớn đều nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cũng như việc tiêu thụ sản phẩm.

Sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến; giữa nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học chưa cao. Đồng thời, việc ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Năng lực mở rộng thị trường và dự báo thị trường cho sản xuất, tiêu thụ nông sản còn nhiều hạn chế...

Cũng theo thông tin từ Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, từ năm 2021, nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân hết thời hạn thi hành như chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên đến nay, thành phố vẫn chưa ban hành các chính sách thay thế nên nông dân, các hợp tác xã gặp khó khăn trong việc đầu tư phát triển sản xuất.

Tại buổi đối thoại, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị Thành phố nghiên cứu và đề xuất Trung ương bổ sung quy định, tạo hành lang pháp lý giúp nông dân có thể thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp khác để mở rộng quy mô sản xuất.

Cùng với đó, kiến nghị TPHCM ban hành các chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông nghiệp của thành phố; xây dựng các điểm trưng bày, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái trên địa bàn thành phố.

Cũng cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi Võ Văn Thuận đề xuất, Thành phố cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch... có liên quan phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp, sát với tình hình thực tiễn, nhất là kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.

 Mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đem lại hiệu quả kinh tế cao (Nguồn: Báo Tin tức)

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ Lê Văn Được cho biết, thời gian vừa qua nhiều hộ trên Cần Giờ nuôi tôm, cá dứa, nuôi hàu đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều chuỗi cửa hàng lớn thu mua. Do đó, đồng chí Lê Văn Được kiến nghị Thành phố tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, tiếp tục hỗ trợ hỗ trợ mạnh mẽ cho các mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Phát biểu gợi mở buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, sản xuất nông nghiệp quan trọng vẫn là đầu ra, Thành phố là một trong số hai địa phương có nhiều thuận lợi hệ thống phân phối, bán lẻ… Do đó, ngành nông nghiệp Thành phố và Hội Nông dân Thành phố cần tận dụng tối đa lợi thế này để nông sản và các sản phẩm nông nghiệp vào thẳng và lên kệ các hệ thống, không cần phải qua trung gian.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố sẽ tổ chức lại dân cư gắn với quy hoạch chung của Thành phố. Thành phố sẽ đầu tư hạ tầng dân cư và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tiến tới nông nghiệp công nghệ cao… nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng nông thôn của Thành phố. Trong đó, Thành phố xác định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tập trung vào khâu sản xuất giống, chế biến, thương mại xuất khẩu, nghiên cứu các mô hình kỹ thuật canh tác… để xuất khẩu. Qua đó, giá trị gia tăng ngày càng cao ở các khâu và những khâu có thế mạnh được chọn để dẫn dắt trong chuỗi kinh tế nông nghiệp.

Về vấn đề nông thôn mới, đồng chí Phan Văn Mãi đề cập đến chất lượng xây dựng nông thôn mới, trong đó, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội của các địa bàn nông thôn cần được quan tâm đầu tư đúng mức. Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng, cần phải có những công trình hỗ trợ cho hoạt động nông nghiệp và hoạt động nông nghiệp tích hợp với các hoạt động khác như du lịch nông nghiệp… nhằm gia tăng giá trị trên đất nông nghiệp.

Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải ghi nhận những kết quả đạt được của hội viên, nông dân Thành phố trong thời gian qua cũng như các kiến nghị tại cuộc đối thoại này.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị UBND Thành phố, các sở, ban, ngành trình HĐND Thành phố thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp về quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố; Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố; quy định nội dung, mức chi hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất giống trong Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chính sách của Thành phố liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân để nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả và thu nhập cho nông dân, nhất là các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố. Đồng thời, tăng cường nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên nông dân, những khó khăn, vướng mắc để đề xuất lãnh đạo thành phố kịp thời tháo gỡ, giải quyết.../.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực