Lục Ngạn: Để mùa vải thiều thêm ngọt

Thứ bảy, 11/06/2022 16:10
(ĐCSVN) - Năm 2022, do tình hình thời tiết thuận lợi nên cây vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) ra hoa, đậu quả đạt tỷ lệ rất cao, từ 70 - 90%; dự báo sản lượng quả tươi đạt gần 96 nghìn tấn. Do thời gian thu hoạch ngắn, chỉ trong vòng 2 tháng nên áp lực giải quyết vấn đề tiêu thụ đối với địa phương rất cao. Bằng nhiều giải pháp, Lục Ngạn đang nỗ lực để mùa vải năm nay vừa được mùa, vừa được giá, thêm ngọt với người nông dân.

Phấn khởi trước một năm bội thu của loại cây trồng chủ lực trên mảnh đất Lục Ngạn, ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện cũng nhắc lại bài học về công tác chỉ đạo tiêu thụ sản phẩm năm 2021 - khi dịch bệnh COVID-19 biến Bắc Giang trở thành tâm dịch đúng thời điểm bước vào vụ thu hoạch vải thiều.

Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng và phía Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất vải thiều Lục Ngạn đóng cửa biên giới, tỉnh Bắc Giang, huyện Lục Ngạn đã năng động, sáng tạo đưa hơn 6,9 nghìn tấn vải thiều lên bán qua các sàn giao dịch điện tử.

Tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ của chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo “luồng xanh” ưu tiên xe chở vải thiều được kiểm dịch, tiêu thụ thuận lợi tại thị trường nội địa.

Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tìm cách đưa thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đến với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ mới như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, một số nước Châu Âu, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á... 

Niên vụ 2022, vải thiểu Lục Ngạn vừa được mùa, vừa được giá 

Kết quả “nguy” biến thành “cơ”, cơ cấu thị trường tiêu thụ đã được xác định lại. Lục Ngạn đã có vụ vải thành công khi tiêu thụ hết gần 145 nghìn tấn; giá bán bình quân 22.500 đồng/kg, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 3,2 nghìn tỷ đồng, tăng 67 tỷ đồng so với năm 2020. Doanh thu từ các hoạt động, dịch vụ phụ trợ đạt hơn 1,5 nghìn tỷ đồng.

Năm nay, Lục Ngạn lại được mùa vải thiều và những bài học kinh nghiệm rút ra trong bối cảnh khó khăn của năm ngoái được huyện tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ - ông La Văn Nam chia sẻ.

Có nghĩa là thị trường truyền thống Trung Quốc vẫn được quan tâm. Tuy nhiên do Trung Quốc đang theo đuổi chính sách “Zê rô COVID-19” nên năng lực thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn chỉ đạt 200 xe/ngày. Vì vậy, Huyện ủy, UBND huyện đã sớm chủ động tổ chức các đoàn công tác làm việc tại các cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, Lào Cai, Tây Ninh… để mở rộng năng lực xuất khẩu sang thị trường nước bạn.

Để nhanh chóng thông quan vào thị trường Trung Quốc, năm nay, huyện Lục Ngạn hướng dẫn người dân khi thu hoạch nhặt sạch lá, cắt cuống dài không quá 10cm, loại bỏ quả không đạt chất lượng, túm nhỏ không quá 2-3 kg. Quy chuẩn này nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của phía Trung Quốc bởi theo phía bạn, lá và cuống được coi là rác thải, tiềm ẩn nguy cơ dịch hại gây bệnh.

Tham gia hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an đã nhất trí, tạo điều kiện cho 200 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Lục Ngạn thu mua sản phẩm.

Ngoài thị trường Trung Quốc, thị trường nội địa được chú trọng hơn. Trước đây, tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm là 70% thị trường Trung Quốc, thị trường nội địa chiếm 30% thì năm nay sẽ ngược lại.

Ngay từ tháng 3/2022, tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã tổ chức các đoàn công tác tìm hiểu thị trường, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Nam như: chợ đầu mối Thủ Đức - Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa…

Nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đến ngày 9/6/2022, các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân trong và ngoài tỉnh Bắc Giang đã ký kết thỏa thuận tiêu thụ trên 45 nghìn tấn vải thiều Lục Ngạn, trong đó xuất khẩu trên 25 nghìn tấn, đạt gần 50% tổng sản lượng niên vụ 2022.

Hiện nay đang là thời điểm thu hoạch vải thiều chín sớm ở Lục Ngạn. Năm nay, Lục Ngạn đạt sản lượng gần 4.000 tấn vải thiều chín sớm. Giá bán khá cao, dao động từ 18.000 - 35.000 đồng/kg. Tiêu thụ tại thị trường nội địa là chủ yếu, khoảng trên 2.000 tấn. Khảo sát tại một số siêu thị lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, vải thiều chín sớm được bán 42.900 đồng/kg loại cành và 52.000 đồng/kg loại cắt cuống. Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, mỗi ngày có khoảng 100 xe container chở vải thiều đưa vào tập kết và phân phối ra thị trường.

Xuất khẩu vải thiều chín sớm dự kiến đạt gần 1.800 tấn, chủ yếu xuất sang thị trường Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và sang Trung Quốc qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.

Nếu như trước đây, thời gian tiêu thụ vải thiều ở Lục Ngạn chỉ kéo dài trong một tháng (15/6 - 15/7) thì ít năm nay, thu hoạch vải thiều đã được rải vụ ra 2 tháng. Đây là nỗ lực rất lớn của địa phương trong việc đưa nhiều giống vải mới vào trồng nhằm tránh áp lực tiêu thụ cao quá mức trong thời gian ngắn.

Lục Ngạn có giống vải U Hồng chín sớm, bắt đầu cho thu hoạch từ 20/5. Từ 15/6-25/6 là thời điểm thu hoạch giống vải Thanh Hà và vải thiều chính vụ thu hoạch bắt đầu từ 25/6 - 30/7.

Rải vụ thu hoạch đã cách để Lục Ngạn giải bài toán được mùa mất giá, góp phần ổn định và gia tăng giá trị sản xuất cho người dân. Vì vậy, mặc dù sản lượng vải thiều rất lớn nhưng giá cả vẫn khá cao đã giúp người nông dân duy trì hiệu quả kinh tế. Theo tính toán, chi phí phân bón chiếm khoảng 10%, tối đa không quá 15% nên tuy giá vật tư phân bón tăng cao, nhưng năm nay, nông dân trồng vải vẫn có lãi lớn.

Tại thôn Muối, xã Giáp Sơn, bình quân mỗi hộ có hơn 1 ha vải thiều. Bí thư Chi bộ thôn Trương Văn Bình cho biết, do 100% hộ dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, một số hộ trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên giá bán rất cao, tới 30.000 - 32.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 10.000 đồng/kg. Doanh thu trên một ha vải thiều đạt tới 600 triệu đồng, trong khi chi phí phân bón chỉ vào khoảng 100 triệu đồng.

Đi đôi với việc mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều tươi, huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo, thống kê được 3.495 lò sấy vải trên địa bàn (tăng 112 lò so với năm 2021) sẵn sàng thu mua, sấy khô. Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu đã đầu tư nhà máy, dây chuyền chế biến, chủ động lên kế hoạch thu mua 3.000 tấn quả tươi để cấp đông dự trữ và chế biến sâu xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Lục Ngạn sẽ tổ chức tour du lịch "Hương sắc mùa hè"  trải nghiệm mùa vải chín cho khách thăm quan 

Từng tổ chức tour du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi rất thành công năm 2021, đón khoảng 5.000 khách tới các vườn thăm quan, du lịch, tiêu thụ sản phẩm, năm nay, Lục Ngạn sẽ tổ chức tour du lịch trải nghiệm “Hương sắc mùa hè” cho khách thăm quan, du lịch, tiêu thụ sản phẩm vải thiều.

Trong các ngày 13-14/6/2022, trên 100 công ty lữ hành du lịch trong nước và đại diện các Sở Du lịch các tỉnh vùng Đông Bắc sẽ hội tụ tại Lục Ngạn để tham dự hội thảo, hiến kế cho địa phương cách thức thúc đẩy du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mang lại thêm nguồn thu cho các nhà vườn.

Được mùa nhưng không để mất giá, bằng nhiều giải pháp, Lục Ngạn đang nỗ lực để trái vải thiều đã ngọt càng thêm ngọt, góp phần mang lại cuộc sống sung túc cho người dân và tạo động lực để huyện miền núi, dân tộc ngày càng phát triển.


Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực