Minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thứ năm, 19/05/2022 22:05
(ĐCSVN) – “Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, ổn định, cần có sự nhận diện đúng vai trò của trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó là các giải pháp đúng và trúng để đáp ứng các mục tiêu thúc đẩy thị trường vốn, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng của nền kinh tế và hội nhập tài chính toàn cầu”.
 Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) (Ảnh: K.D).

Đó là chia sẻ của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiệu quả, bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 19/5.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, thị trường vốn luôn có vai trò chủ đạo; trong đó thị trường TPDN có vai trò quan trọng là kênh tài trợ vốn vay trung - dài hạn cho tổ chức kinh tế, đi song song với thị trường vốn vay ngân hàng. Qua đó, thị trường vốn giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng; đồng thời giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, không bị quá phụ thuộc vào hệ thống tín dụng ngân hàng. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, thị trường TPDN Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm.

Tính đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 15% GDP sau điều chỉnh. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng như vậy, nhưng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP).

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, những tháng đầu năm nay, thị trường TPDN đang có dấu hiệu hạ nhiệt vì những vụ việc liên quan đến các vi phạm pháp lý trên thị trường vốn và một số chính sách mới, làm giảm cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp, qua đó, làm chậm nhịp phục hồi và phát triển và lỡ nhịp chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 của quốc gia.

Cũng theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4/2022, toàn thị trường không có đợt phát hành nào của các doanh nghiệp bất động sản. Khối ngân hàng thương mại vươn lên chiếm vị trí đầu. Điều đó cho thấy tác động của các chính sách đối với doanh nghiệp bất động sản trong kế hoạch phát hành trái phiếu là vô cùng rõ ràng.

Trong khi đó, khối bất động sản xây dựng cũng là khối tham gia phát triển hạ tầng chủ đạo. Việc dừng huy động vốn trái phiếu có thể ảnh hưởng đến cả kế hoạch thúc đẩy phục hồi kinh tế, xã hội khi ngay cả đầu tư công cũng cần sự tham gia của khu vực tư nhân có vốn đối ứng và vốn theo tiến độ. Ngoài ra, sự co cụm của các doanh nghiệp bất động sản nói chung với kênh trái phiếu cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn thật, dự án thật, những doanh nghiệp ngành quan trọng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập FIDT cho biết, việc thị trường TPDN co cụm, nhưng chưa hoàn toàn thực sự lành mạnh và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, còn có thể tác động xấu đến câu chuyện nợ xấu khi các doanh nghiệp không thể huy động vốn để tiếp tục đảm bảo triển khai như kế hoạch, thậm chí doanh nghiệp có thể bị mất thanh toán, giá trị tài sản phải định giá lại. Do đó, việc xử lý tài sản đảm bảo của nợ xấu của khối ngân hàng thương mại (NHTM) cũng sẽ trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, cùng với những thông tin tiêu cực về thao túng giá chứng khoán, lo ngại về chính sách siết tín dụng nói chung và áp lực lạm phát gia tăng đã khiến thị trường vốn Việt Nam điều chỉnh rất mạnh.

 Diễn đàn “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiệu quả, bền vững”.

Nhằm thúc đẩy và phát triển thị trường TPDN, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sự kiểm soát thị trường một cách hiệu quả sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai, đồng thời sẽ tạo ra những khó khăn cho thi trường, nhưng sẽ tạo lại niềm tin cho thị trường và có lẽ cũng là cái giá phải trả để có môt thị trường đi vào quy củ và ổn định.

Nhìn bài học từ thị trường Mỹ đã từng trải qua, theo TS Hiếu, Việt Nam cũng cần nâng cao khả năng kiểm soát và quyền lực cho các cơ quan quản lý thị trường, tiền tệ, kiểm toán nhà nước trong việc thực hiện các nghĩa vụ quản lý và kiểm soát thị trường. Theo đó, Việt Nam cần thành lập riêng một Văn phòng trực thuộc Bộ Tài chính về xếp hạng tín nhiệm, để giám sát hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm đang hoạt động, để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về xếp hạng tín nhiệm, việc áp dụng các phương pháp xếp hạng tín nhiệm, và cuối cùng là kiểm soát các trường hợp xung đột lợi ích giữa các thành viên của công ty xếp hạng và trái phiếu được xếp hạng.

Chung quan điểm đó, PGS TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính cũng đánh giá, việc chấn chỉnh cả về luật pháp và cơ chế thực hiện thanh kiểm tra, giám sát là điều rất cần thiết để thị trường TPDN có thể trở thành một kênh huy động vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế. Kênh TPDN phải được định hướng là kênh dẫn vốn quan trọng theo đúng định hướng của Chính phủ và giảm áp lực cung ứng vốn cho hệ thống ngân hàng.

Hiện có rất nhiều nhà đầu tư có nhận thức chưa đầy đủ và thiếu hiểu biết về thị trường, nên cần thiết phải có một bên thứ 3 đứng ra, giúp các nhà đầu tư phân tích được tình hình tài chính doanh nghiệp, phân tích được rủi ro và lợi nhuận. Chính cơ quan xếp hạng tín nhiệm làm việc này là tốt nhất, bởi vì xếp hạng tín nhiệm hoàn toàn khác với kiểm toán, kiểm toán là chỉ kiểm trong một thời điểm nhất định, còn xếp hạng tín nhiệm sẽ phải làm liên tục trong cả một quá trình. Sự so sánh, đối chiếu và khuyến nghị mà cơ quan xếp hạng đưa ra sẽ tương đối sát với tình hình thực tế của doanh nghiệp, giúp các nhà đầu tư có được cái nhìn tổng thể về doanh nghiệp phát hành trái phiếu, lịch sử tài chính,... hỗ trợ việc đầu tư chuẩn xác hơn./.

Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực