Nên tạo cơ chế đặc thù để kiến tạo phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh

Thứ ba, 07/09/2021 20:59
(ĐCSVN) – Để kiến tạo phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu do Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) –Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề xuất Quốc hội, Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù; từ năm 2022, kiến nghị Trung ương cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP Hồ Chí Minh từ 18% lên 23% và cho phép nâng trần nợ công của TP để có thể đủ nguồn lực cho đầu tư phát triển.
 Việc giãn cách xã hội trong thời gian dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến đời sống nhân dân dân và nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh chịu tổn thất nghiêm trọng (Ảnh minh họa: An Nhiên)

Ngày 6/9, nhóm nghiên cứu do Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) –Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) chính thức công bố kết quả nghiên cứu “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh giai đoạn COVID-19 lần 4”. Trong đó có nội dung liên quan đến các chính sách phục hồi kinh tế tại TP Hồ Chí Minh khi kết thúc giãn cách.

Nghiên cứu trên được thực hiện trên 2 giả thuyết:  Thứ nhất, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh cơ bản kiểm soát được COVID-19 lần 4 trong tháng 9/2021 để có thể quay trở lại hoạt động ở điều kiện “bình thường mới” trong tháng 10. Thứ 2, việc tiêm vaccine COVID-19 sẽ tiếp tục được triển khai trên diện rộng để đến đầu quý 4/2021, đạt độ bao phủ 70% - 80% người dân cư ngụ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh được tiêm đủ 02 mũi. Đến tháng 12/2021, cơ bản 70%-80% người dân Việt Nam được tiêm vaccine ít nhất một mũi.

Nghiên cứu nhận định rằng, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã chịu tổn thất nghiêm trọng trong thời gian giãn cách. Theo công bố của Hiệp hội doanh nghiệp TP, khi đợt dịch COVID-19 lần IV xảy ra trên diện rộng, phần lớn doanh nghiệp và lao động tại TP Hồ Chí Minh phải ngừng hoạt động. Chỉ 715/1.527 doanh nghiệp ở khu công nghệ cao, khu công nghệ, khu chiết xuất duy trì ở các mức độ hoạt động khác nhau với khoảng 65.000/345.000 lao động.

Các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế - Luật cho rằng nếu không có sự can thiệp kịp thời của nhà nước, tỷ lệ thất nghiệp của TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và đánh giá rằng tốc độ phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh phụ thuộc lớn vào tốc độ, quy mô của động lực hỗ trợ từ Chính phủ và TP Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở phân tích, làm rõ những đề xuất có nội dung kiến tạo nguồn ngân sách, động lực hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh và động lực từ hỗ trợ của Chính phủ, các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế- Luật cho rằng, hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách trung ương cần đóng vai trò then chốt; bao gồm cả các hỗ trợ tức thời trong ngắn hạn và các hỗ trợ mang tính cấu trúc khi kết thúc giãn cách và tiếp tục kéo dài trong trung hạn.

 Tốc độ phục hồi kinh tế của TP.HCM phụ thuộc lớn vào tốc độ, quy mô của động lực hỗ trợ từ Chính phủ và TP Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: An Nhiên)

Để kiến tạo phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu đề xuất Quốc hội, Chính phủ áp dụng cơ chế đặc thù để kiến tạo động lực cho TP Hồ Chí Minh nhằm giúp quá trình hồi phục kinh tế của TP diễn ra nhanh nhất có thể, tạo tác động lan tỏa kéo theo tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Nam và cả nước.

Giải pháp phát hành trái phiếu chính phủ trong điều kiện lãi suất trái phiếu chính phủ đang ở mức thấp và chuyển giao nguồn vốn này cho TP Hồ Chí Minh sử dụng với trách nhiệm trả lãi vay là có tính khả thi và đem lại hiệu quả đầu tư. Ngoài ra, từ năm ngân sách 2022, kiến nghị Trung ương cho phép tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách TP Hồ Chí Minh từ 18% lên 23% và cho phép nâng trần nợ công của TP để có thể phát hành trái phiếu chính quyền đô thị, giúp TP Hồ Chí Minh có đủ nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Song song với chính sách từ trung ương, TP Hồ Chí Minh cần thiết phải kiến tạo động lực thông qua gói hỗ trợ tái tạo việc với đề xuất hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng cho doanh nghiệp duy trì đạt ngưỡng tỷ lệ lao động, thiết lập chương trình kích cầu mới trên cơ sở chương trình hỗ trợ lãi suất đã rất thành công từ nhiều năm qua, xây dựng chợ đầu mối trực truyến, nâng cao năng lực hệ thống y tế, chú trọng đến tốc độ chuyển đổi số và gia tăng sự bền vững trong liên kết vùng cùng với các chính sách hỗ trợ mang tính tức thời cho cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị tổn thương nặng trong giai đoạn giãn cách. Quy mô gói hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh khoảng 22.300 tỷ đồng tương đương 1,7% GRDP của TP Hồ Chí Minh.

Trên phạm vi cả nước, nghiên cứu đã đề suất các chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ tái tạo việc làm, chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá với các phương án khác nhau có quy mô tối thiểu 120.000 tỷ đồng và tối đa có thể lên đến 250.000 tỷ đồng (4% GDP).

Cùng với đó, nhóm nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò điều phối chính sách phục hồi kinh tế phải gắn đồng bộ với các chính sách khác như an sinh xã hội, y tế, phòng chống dịch, tiêm vaccine, lao động - việc làm, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo... để đạt được sự thống nhất xuyên suốt, cả trong nhận thức và thực thi từ chính quyền cấp phường, xã, quận huyện cho đến cấp thành phố, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

"Đảm bảo được tính nhất quán của các chính sách thậm chí còn có tầm quan trọng hơn so với các chính sách hỗ trợ khẩn cấp", nhóm nghiên cứu lưu ý.

An Nhiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực