|
Đã có nhiều ý kiến được chia sẻ tại Hội thảo |
Chiều 17/5, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA) và tổ chức Forest Trends phối hợp tổ chức Hội thảo: “Thực trạng chuỗi cung ngành cao su Việt Nam: Chuẩn bị để đáp ứng quy định chống phá rừng châu Âu”.
Dự hội thảo có đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu các mặt hàng cao su, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế.
Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin giúp cho các doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam chuẩn bị để đáp ứng với các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) về Quy định chống phá rừng (EU Deforestation Regulation, EUDR).
Đồng thời, qua đó chia sẻ thông tin về thực trạng chuỗi cung ngành cao su của Việt Nam, tập trung vào nguồn cung trong nước và nguồn cung nhập khẩu.
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, quy định trên chính thức có hiệu lực từ ngày 29/6/2023. Theo EUDR, 7 nhóm mặt hàng, trong đó có cao su, sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này vi phạm các quy định của quốc gia xuất khẩu và/hoặc gây mất rừng và suy thoái rừng. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của EUDR là truy xuất nguồn gốc. Theo đó, các sản phẩm cao su được nhập khẩu vào EU cần đảm bảo truy xuất được tới các thửa đất nơi cao su được khai thác.
Trao đổi tại hội thảo, một số ý kiến cho rằng, quy định này ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng hàng hóa cao su không chỉ EU mà nhiều thị trường khác, do liên quan đến quản lý nguồn cung nguyên liệu đầu vào, truy xuất nguồn gốc mà EU đang khởi xướng.
Cao su là một trong 3 mặt hàng của Việt Nam (bên cạnh gỗ và cà phê) xuất khẩu vào EU chịu sự kiểm soát của EUDR. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su từ Việt Nam vào thị trường này đạt gần 470 triệu USD, tương đương 6,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. EU hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành cao su Việt Nam.
|
Các diện tích cao su đại điền của Việt Nam, đặc biệt là diện tích thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam không đối mặt với khó khăn trong việc đáp ứng với các yêu cầu của EUDR |
Hiện nguồn cung cao su nguyên liệu đầu vào cho ngành cao su Việt Nam bao gồm nguồn cung trong nước và nguồn cung nhập khẩu. Nguồn cung trong nước là từ diện tích 918.000 ha trồng cao su, bao gồm nguồn cao su tiểu điền (cung trên 50% trong tổng lượng cung trong nước) và nguồn cao su đại điền (chiếm dưới 50%). Năm 2023, nguồn cung trong nước đạt khoảng 1,3 triệu tấn. Hiện trên 200.000 ha cao su đã đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC, với 100% diện tích này là các diện tích thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Một diện tích nhỏ khoảng 6.000 ha thuộc một số doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ tiểu điền đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Diện tích còn lại chưa có chứng chỉ.
Bên cạnh đó, nguồn cung nhập khẩu ngày càng trở nên quan trọng. Năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 1,4 triệu tấn cao su nguyên liệu, với trên 80% trong đó là từ Cam-pu-chia, dưới 20% còn lại là từ Lào và một số nguồn khác.
Đầu ra xuất khẩu là các mặt hàng cao su, bao gồm cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su. Đây là các mặt hàng có nguồn gốc từ cao su trong nước (đại điền, tiểu điền) và cao su nhập khẩu.
Cũng theo đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu trong Quy đinh của EU về các sản phẩm không gây phá rừng (EUDR), các sản phẩm từ cao su muốn nhập khẩu vào thị trường EU cần được đảm bảo đã được thực hiện đầy đủ các quy định về trách nhiệm giải trình (Due diligence), bao gồm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới từng lô đất sản xuất ra các hàng hóa đó.
Về vấn đề trên, theo ông Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, các diện tích cao su đại điền của Việt Nam, đặc biệt là diện tích thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam không đối mặt với khó khăn trong việc đáp ứng với các yêu cầu của EUDR, bởi các diện tích này đã được trồng cao su từ lâu, đất đai có nguồn gốc, ranh giới rõ ràng và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, hiện nay khó khăn trong việc đảm bảo truy xuất nguồn gốc của ngành cao su Việt Nam lại nằm ở nguyên liệu của cao su tiểu điền và phần cao su nhập khẩu. Theo ông Nguyễn Vinh Quang, cán bộ nghiên cứu của Tổ chức Forest Trends, hiện tại, chuỗi cung tiểu điền tương đối phức tạp, với cao su khai thác từ các hộ đi qua nhiều khâu trước khi được đưa vào chế biến. Một số diện tích cao su tiểu điền chưa có giấy chứng nhận sử dụng đất. Thông tin về nguồn cung nhập khẩu từ Cam-pu-chia và Lào hiện rất ít. Chuỗi cung nhập khẩu hiện tại không cho phép việc truy xuất nguồn gốc.
Hội thảo cũng thảo luận về khả năng và thách thức của ngành đối với việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR, từ đó, đề xuất các giải pháp hướng tới đáp ứng đầy đủ các quy định của EUDR và phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam trong tương lai.