Ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển

Thứ năm, 01/06/2023 20:53
(ĐCSVN) - Ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn, chiếm khoảng hơn 20% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hàng năm.
 Các sản phẩm của ngành công nghiệp thực phẩm. (Ảnh: Thời báo Tài Chính)

Do đó, để tận dụng cơ hội thị trường lớn và năng động,  từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp ngành thực phẩm chế biến cần nắm bắt các xu hướng và công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh, ngày càng đa dạng sản phẩm, cũng như công nghệ sản xuất; chú trọng xây dựng giải pháp thu hút đầu tư, định hướng phát triển bền vững, tăng năng lực khai thác những điều kiện thuận lợi như vị trí địa lý trung tâm kinh tế, đầu mối giao thương...

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, giá trị sản xuất của Ngành sản xuất chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam. Đây là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thể hiện tầm quan trọng của Ngành trong việc đảm bảo nhu cầu lương thực của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, tỷ trọng giá trị sản xuất cao cho thấy ngành sản xuất, chế biến thực phẩm có nhiều thế mạnh với nhiều thương hiệu lớn, có uy tín, thị trường ổn định và có khả năng cạnh tranh cao so với các doanh nghiệp nước ngoài và còn nhiều dư địa cho sự phát triển.

Đặc biệt, sau khi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đi vào hiệu lực, ngành sản xuất chế biến thực phẩm sẽ được mở ra một thị trường tiêu dùng và đầu tư rộng lớn hơn. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất chế biến thực phẩm không nhiều (chiếm gần 01% tổng số doanh nghiệp cả nước) nhưng đây lại là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam, chiếm khoảng hơn 20% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hàng năm.

Tiến sĩ Lê Minh Hùng - Giám đốc Phân viện Cơ Điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Giảng viên bán cơ hữu Khoa Công Nghệ Thực phẩm Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn chia sẻ: “giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD, giảm 5,9% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu rau quả tươi, đông lạnh đạt 2,32 tỷ USD; rau quả chế biến đạt 1,014 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu rau quả chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả từ 26% trong năm 2021 (923 triệu/3,52 tỷ USD) đã tăng lên đạt 30,4% năm 2022 (1,014 tỷ /3,34 tỷ USD)”. Qua đó, cho thấy tiềm năng rất lớn đối với ngành thực phẩm chế biến của Việt Nam, đồng thời có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và sản xuất rau củ quả chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu doanh nghiệp ngành sản xuất chế biến thực phẩm thì ngành chế biến thủy sản đông lạnh lại là ngành thu hút nhiều lao động nhất.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyện, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thức ăn và Sau thu hoạch thủy sản (APOTEC) - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 nhấn mạnh: “Chỉ tính riêng năm 2022, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) tăng 4,1% so với năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,026 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2021 (8,79 triệu tấn), trong đó sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm 2021, nuôi trồng đạt 5,16 triệu tấn, tăng 6,4% với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 (8,89 tỷ USD), tăng 22,2% so kế hoạch, trong đó các sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng chiếm 65-70%, sản phẩm hải sản khai thác chiếm 30-35% tổng giá trị kim ngạch. Cả nước có trên 847 nhà máy chế  biến đảm bảo An toàn thực phẩm, trong đó 692 nhà máy có mã xuất khẩu đi EU. Số lượng này lớn hơn 1,4-4,0 lần so với các nước Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia”.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, thị trường M&A ngành sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam đang khởi sắc và phát triển mạnh mẽ. Trong những năm qua, đã có rất nhiều thương vụ M&A ngành thực phẩm (sáp nhập và mua lại các công ty chế biến thực phẩm) diễn ra và xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. Điển hình là các thương vụ CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt và mua 47,33% cổ phần của Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt; Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Á Mỹ Gia… Các giao dịch M&A được nhiều nhà đầu tư xem là cách hiệu quả nhất để thâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Số lượng và giá trị các giao dịch M&A hoàn tất tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng bền vững trong những năm trở lại đây. Dự kiến, M&A còn tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong bối cảnh EVFTA đã đi vào thực thi.

Vấn đề nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để giữ vững thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới, nhất là trong điều kiện yêu cầu về chất lượng gạo của các quốc gia nhập khẩu ngày càng cao cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của nước ta trong những tháng gần đây liên tục tăng. Nâng cao chất lượng để giữ giá cao là cơ hội để kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2023 đạt mức kỳ vọng gần 4 tỷ USD.

Ông Võ Công Thức - Giám đốc Chất lượng Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, thời gian qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã phối hợp với một số địa phương triển khai mô hình “Mặt ruộng không dấu chân”. Ðây là mô hình cải tiến quy trình sản xuất nhằm tiết giảm lượng giống sử dụng (giảm 30%), lượng phân và thuốc sử dụng giảm 20% thông qua việc đồng bộ cơ giới hóa. Khi triển khai, nông dân sẽ được đào tạo toàn bộ quy trình giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng nhưng vẫn bảo đảm năng suất, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản đầu ra cho nên rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Bên cạnh đó, Bà Uyên Nguyễn – Đại diện Công ty tư vấn Sontag Consult (Đức) và Tiến sĩ Thomas Croci - Giám đốc R&D Công ty Studio Tecnico Appiani - Milan (Ý) cho rằng, giải pháp cho các dự án bảo quản và chế biến sau thu hoạch gạo, đây cũng là một hướng đi cần được quan tâm để góp phần tăng giá trị của hạt gạo. Thị trường gạo còn một số sản phẩm chế biến cao cấp ít được chú ý, như mì gạo, bún khô… Đây là những sản phẩm mà khách hàng châu Âu rất thích, do bảo quản được lâu và quan trọng là các sản phẩm này không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, với riêng TP Hồ Chí Minh thì ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Ủy ban Nhân dân TP đã ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030.

Để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội, cũng như tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp ngành thực phẩm cần chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu thông qua những giải pháp căn cơ theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành phố, giữa nông dân - doanh nghiệp sản xuất - nhà quản lý để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định./..

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực