|
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu (Ảnh: M.P) |
Ngày 5/1, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2020 và triển khai các nhiệm vụ năm 2021.
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Cao Anh Tuấn cho biết, số thu NSNN năm 2020 đạt 1.278.649 tỷ đồng, vượt 1,9% dự toán (vượt 24.349 tỷ đồng), vượt 175.849 tỷ đồng so với số ước thu đã báo cáo Quốc hội; trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 562.093 tỷ đồng, bằng 94,7% dự toán, thu từ dầu thô đạt 34.576 tỷ đồng, bằng 98,2% dự toán, thu nội địa đạt 1.244.073 tỷ đồng, vượt 2% dự toán (vượt 24.973 tỷ đồng).
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, so với dự toán có 55/63 địa phương ước hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán, có một số địa phương vượt trên 10% như Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thừa Thiến Huế, Lào Cai…; có 41/63 địa phương có tăng trưởng thu.
Năm 2020, Tổng cục Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, trong đó một số ngành, lĩnh vực của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng, như: xuất nhập khẩu, giao thông vận tải (đặc biệt là vận tải hàng không), sản xuất ô tô, sản xuất điện tử, máy tính, dệt may, da giày, du lịch, dịch vụ, ăn uống, lưu trú,…
Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã chủ động đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh đến số thu ngân sách nhà nước theo các kịch bản tăng trưởng; tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính về các phương án để chủ động cân đối ngân sách nhà nước năm 2020.
Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu NSNN, kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong đó tập trung rà soát quy trình, quy chế, đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế; tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế, góp phần tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho ngân sách.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: M.P) |
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng đã rất nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của đất nước, đặc biệt là công tác thu và quản lý thu NSNN của ngành Thuế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng cho rằng, ngành thuế cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan và kỹ hơn một số tồn tại, hạn chế của ngành để tập trung khắc phục, có giải pháp đột phá trong thời gian tới
Theo khẳng định của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, mặc dù chính sách về thuế dần được hoàn thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển. Do vậy, các chính sách phải được hoàn thiện theo hướng vừa bảo đảm nguồn thu, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, bao quát được nguồn thu, bảo đảm công bằng, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh mới tạo ra nguồn thu bền vững.
Cũng theo Phó thủ tướng Thường trực, vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, người nộp thuế. Cá biệt, có một số trường hợp, việc xử lý kéo dài qua nhiều năm, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam và phải đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng xử lý. Kỷ luật kỷ cương ở một số nơi còn chưa nghiêm, vẫn còn hiện tượng cán bộ vi phạm, phải xử lý.
Do vậy, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đề nghị các cán bộ trong ngành Thuế phải có nhìn nhận thấu đáo, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan, áp dụng đúng quy định của pháp luật nhưng không cứng nhắc, thấu tình đạt lý, tăng cường chủ động, trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan, đối thoại, giải thích với doanh nghiệp để tìm giải pháp xử lý dứt điểm, thấu đáo trong thời gian tới, giảm thiểu khối lượng công việc phải đẩy lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Không để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", quyết tâm phòng chống “virus trì trệ”.
Về tình trạng nợ đọng thuế, Phó Thủ tướng Thường trực nói, tình trạng nợ đọng thuế còn lớn, chây ỳ nộp thuế, trốn thuế, chuyển giá vẫn còn diễn ra làm giảm tính công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và tính lành mạnh của môi trường kinh doanh, nhất là các hoạt động kinh doanh liên quan đến sử dụng công nghệ đa quốc gia tại Việt Nam. Điều này thể hiện qua phát hiện của thanh tra, kiểm tra thuế - số thu qua công tác thanh tra, kiểm tra các năm rất cao.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu ngành Thuế tiếp tục nghiên cứu các chính sách về thuế, miễn giảm thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiêp bị ảnh hưởng của COVID-19; tham mưu hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách lấy người nộp thuế làm trung tâm, là đối tượng phục vụ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng yêu cầu ngành Thuế kiên quyết không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu trong thực thi nhiệm vụ, đưa ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa, biến chất; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành Thuế theo hướng điện tử hóa, số hóa, tạo thuận cho doanh nghiệp và người dân; tập trung thanh tra hoạt động chuyển giá, thương mại điện tử…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2021 Bộ sẽ tiếp tục đánh giá tác động của dịch COVID-19 để đề xuất các giải pháp về thuế, phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giao Tổng cục Thuế phấn đấu thu NSNN năm 2021 vượt 5% dự toán.
Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Tổng cục Thuế vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện thu NSNN năm 2020./.