Nguy cơ mai một nghề thêu ren Quất Động (Hà Nội)

Thứ sáu, 23/05/2014 15:53
(ĐCSVN) - Xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội vốn nổi tiếng với nghề thêu ren truyền thống. Các sản phẩm thêu ren đặc sắc với những đường chỉ thêu tỉ mỉ, điêu luyện đã làm nên thương hiệu nghề của xã. Tuy nhiên, trong thời kỳ ảnh hưởng của sự suy giảm kinh tế, việc phát triển sản phẩm thêu ren ở đây đang gặp nhiều khó khăn.

Nghề tạo thêm thu nhập cho bà con

Xã Quất Động có 2.283 hộ, trong đó có 1.141 hộ tham gia làm nghề thêu ren. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thêu chủ yếu tập trung ở 3 thôn: Quất Động, Quất Tỉnh và Lưu Xá. Sản phẩm thêu ren Quất Động khá đa dạng, từ các sản phẩm thêu ren thờ cúng, lễ hội (câu đối, lọng, cờ biển, các loại trướng) đến các mặt hàng dùng trong cuộc sống hàng ngày như: áo dài, áo phông, túi xách, tranh phong cảnh, tranh Đông Hồ,…Các sản phẩm được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng và nhập khẩu sang như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Mỹ...

Cơ sở sản xuất thêu ren của gia đình chị Hoàng Thị Khương (Ảnh: Bùi Thủy).

Hiện, giá bán các sản phẩm thêu ren khá đa dạng, phụ thuộc vào đơn đặt hàng của khách hàng và độ tỉ mẩn của đường thêu. Cụ thể, tranh thêu phong cảnh có giá từ 1 – 5 triệu đồng; tranh mĩ thuật dao động trong khoảng 3 – 5 triệu đồng; các sản phẩm thêu túi sách, áo dài dao động trong khoảng vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Trong đó, đắt nhất vẫn là tranh thêu chân dung, dao động trong khoảng 10 – 20 triệu đồng. 

Là nghề truyền thống, nghề thêu ren đã tạo điều kiện việc làm cho nhiều lao động ở đây. Hiện, mỗi thợ thêu có mức thu nhập từ 50 -70 nghìn đồng/ngày. Với những thợ khá có thể có mức thu nhập 100 nghìn đồng/ngày.

Chị Hoàng Thị Khương, xóm 1, thôn Quất Động là một trong những người xây dựng được cơ sở riêng về nghề thêu ren của xã. Hiện, cơ sở của chị tạo điều kiện cho hơn 20 nhân công lao động với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. So với công việc thuần nông, đây là mức thu nhập khá cho nhiều bà con trong xã. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất sản phẩm thêu của gia đình của ông Tạ Văn Sở cũng tạo điều kiện việc làm cho 7 nhân công lao động với mức thu nhập từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng/người. Ngoài những thợ làm chính tại xưởng, những người thợ có thể tranh thủ thời gian rảnh ở nhà, nhận công việc để thêu.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Tuy nghề thêu tạo được việc làm cho nhiều hộ dân trong xã nhưng để phát triển nghề thêu trong thời gian tới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện, số lao động tại xã bỏ nghề thêu đi làm tại khu công nghiệp Quất Động ngày càng một nhiều. Với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng là mức thu nhập cao hơn so với làm nghề thêu ren.

Ông Nguyễn Xuân Tiến – cán bộ xã Quất Động cho biết, trước năm 2008, Quất Động vốn sầm uất với nghề thêu bởi nguồn cầu lớn từ thị trường. Từ trẻ em, thanh niên, người lớn đều tham gia làm nghề. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, nghề truyền thống thêu ren đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế. Sức tiêu thụ của người dân trong nước giảm; đồng thời, tại các thị trường nước ngoài, sức mua cũng giảm đi rõ rệt dẫn đến số lượng người dân bỏ nghề, chuyển sang làm những ngành nghề khác ngày một nhiều. Theo thống kê của UBND xã Quất Động, hiện số lượng hộ gia đình có thể sống bằng nghề thêu ren chỉ dao động trong khoảng từ 140-170 hộ trên tổng số 2.283 hộ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không khí mua bán tại các cơ sở thêu ren Quất Động khá ảm đạm. Số lượng mua sản phẩm thêu tại các cửa hàng thưa thớt, lẻ tẻ. Chị Hoàng Thị Khương cho biết, trong nhiều tháng, cơ sở sản xuất của chị không bán được bức tranh nào. Có tháng chỉ bán được một bức tranh. Khách du lịch một số nước có ghé thăm, tuy nhiên, hầu hết du khách chỉ tham quan mà không đề cập đến việc mua tranh.

Vấn đề giữ và phát triển nghề thêu ren đang là bài toán khó của xã Quất Động. Bởi vậy, theo ông Tiến, nhằm giữ nghề truyền thống, trong tương lai, xã sẽ triển khai các biện pháp quảng bá sản phẩm làng nghề. Đồng thời, mong muốn các các cấp chính quyền quan tâm mở thêm các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho bà con, giúp giữ vững nghề truyền thống của xã đã tồn tại nhiều thế kỷ qua./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực