Nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trả nợ trái phiếu

Thứ ba, 23/04/2024 15:12
(ĐCSVN) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, tính đến cuối năm 2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vào khoảng 1 triệu tỷ đồng, do 432 doanh nghiệp (DN) phát hành. Trong đó, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 là 240,1 nghìn tỷ đồng, thấp hơn khối lượng đáo hạn năm 2023 là 261,6 nghìn tỷ đồng.
 Ảnh minh hoạ (Ảnh: chinhphu.vn)

Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng có dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối năm 2023 lớn nhất với 357,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,4% tổng dư nợ toàn thị trường) của 28 tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành, chủ yếu do nhà đầu tư tổ chức nắm giữ (97,2%). Trong đó, về loại hình trái phiếu: trái phiếu có bảo đảm khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng (2,4% dư nợ), trái phiếu không có bảo đảm khoảng 348,5 nghìn tỷ đồng (97,6%). Trong số trái phiếu không có bảo đảm thì nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 2,5%.

Khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 là 53,2 nghìn tỷ đồng do 16 TCTD phát hành, trong đó nhà đầu tư cá nhân chỉ nắm giữ khoảng 1,2%.

Bộ Tài chính đánh giá trái phiếu do TCTD phát hành về cơ bản rủi ro rất thấp, vì việc phát hành tuân thủ theo tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng do NHNN giám sát; và các TCTD có trái phiếu đến hạn đều hoạt động có lãi; đồng thời hầu hết trái phiếu là do nhà đầu tư tổ chức nắm giữ.

Đối với trái phiếu của các DN bất động sản (BĐS), Bộ Tài chính cho biết, dư nợ trái phiếu là 351,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 34,8% tổng dư nợ) do 182 DN BĐS phát hành, trong đó nhà đầu tư tổ chức nắm giữ 58,6%, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 41,4%. Trong số này, trái phiếu có bảo đảm chiếm khoảng 285,2 nghìn tỷ đồng (81,2%), trái phiếu không có bảo đảm khoảng 66,2 nghìn tỷ đồng (18,8%). Trong số trái phiếu không có bảo đảm thì nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 74,7%.

Khối lượng TPDN BĐS đáo hạn trong năm 2024 là 99,6 nghìn tỷ đồng do 92 tổ chức phát hành. Trong đó, trái phiếu có bảo đảm khoảng 91,8 nghìn tỷ đồng (92,2%), trái phiếu không có bảo đảm khoảng 7,7 nghìn tỷ đồng (7,8%).

Dựa theo tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Tài chính dự kiến có khoảng 35,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,9% khối lượng trái phiếu đáo hạn của các DN BĐS) có khó khăn trong thanh toán nợ TPDN.

Trong đó, có 3 doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả nợ trái phiếu (âm vốn chủ sở hữu) với khối lượng 4,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu, bao gồm: Công ty CP Du lịch và Đầu tư Xây dựng Châu Á (giá trị đáo hạn trong năm 2024 là 600 tỷ đồng); Công ty CP Phát triển Bất động sản Nhật Quang (2.150 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư Smart Dragon (1.900 tỷ đồng).

Có 18 doanh nghiệp được Bộ Tài chính xếp vào nhóm có khả năng gặp khó khăn trả nợ (kết quả kinh doanh thua lỗ và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên), giá trị đến hạn trong năm nay là 31,2 nghìn tỷ đồng. Bao gồm các doanh nghiệp như:

Công ty CP Đầu tư Golden Hill (giá trị đáo hạn năm 2024 là 5.760 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam (4.700 tỷ đồng); Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt (4.100 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh An Nam (4.700 tỷ đồng);

Công ty TNHH Phát triển bất động sản An Khang (1.000 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư và Du lịch Vạn Hương (1.500 tỷ đồng); Công ty CP Fuji Nutri Food (1.720 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Phú Thịnh Phát (900 triệu đồng); Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc (1.200 tỷ đồng); Công ty CP Phú Thọ Land (1.900 tỷ đồng); Công ty TNHH Thành phố AQUA (1.100 tỷ đồng)…

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn lại được Bộ Tài chính phân vào nhóm các doanh nghiệp còn lại. Trong đó, một số doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong năm nay có thể kể đến như: Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên (giá trị đáo hạn trong năm 2024 là 7.200 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – CTCP (2.300 tỷ đồng); Công ty TNHH Đầu tư Big Gain (2.000 tỷ đồng); Công ty CP Đại Phú Hòa (3.560 tỷ đồng);

Tập đoàn Vingroup – CTCP (2.600 tỷ đồng); Công ty CP Vinhomes (2.160 tỷ đồng); Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt (hơn 3.000 tỷ đồng); Công ty CP Kinh doanh Bất động sản S – Việt Nam (2.500 tỷ đồng)...

Đối với nhóm doanh nghiệp còn lại, dư nợ trái phiếu khoảng 300 nghìn tỷ đồng (chiếm 29,8% tổng dư nợ) do 222 doanh nghiệp phát hành. Khối lượng đáo hạn trong năm 2024 là 87,3 nghìn tỷ đồng, do 102 tổ chức phát hành.

Trong đó, có 2 doanh nghiệp rất khó khăn trong việc thanh toán, gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (6.570 tỷ đồng); Công ty TNHH Mặt trời Cẩm Phả (870 triệu đồng).

Có 14 doanh nghiệp có khả năng gặp khó khăn trả nợ, với khối lượng 19,4 nghìn tỷ đồng, như: Công ty CP Sản xuất và kinh doanh VINFAST (11.500 tỷ đồng); Công ty CP Vinpearl (2.000 tỷ đồng); Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (1.000 tỷ đồng);

Các doanh nghiệp thuộc nhóm còn lại, có giá trị đáo hạn lớn như: Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (10.000 tỷ đồng); Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (4.100 tỷ đồng); Công ty CP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (2.300 tỷ đồng); Công ty TNHH Masan Consummer Holding (2.100 tỷ đồng)…

Bộ Tài chính nhận định, dự kiến tình hình thị trường BĐS vẫn còn khó khăn, DN BĐS có dòng tiền yếu, tỷ lệ vay nợ cao và nguồn tiền mặt để trả nợ rất hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo đó, các DN BĐS cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ về khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực