Nhiều thành tựu từ phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên

Thứ sáu, 08/01/2021 14:50
(ĐCSVN) - Là một tỉnh đồng bằng có lợi thế về phát triển nông nghiệp, với vị trí địa lý thuận lợi và có các tuyến đường quốc lộ quan trọng đi qua, tỉnh Hưng Yên đã phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Sau 10 năm phấn đấu, năm 2020, Hưng Yên đã đạt tỉnh nông thôn mới – là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
leftcenterrightdel

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trao Bằng công nhận tỉnh Hưng Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hưng Yên 

Xác định rõ tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo tinh thần Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, từ năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XVII đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng 2030, đã chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các huyện đã căn cứ tình hình thực tế ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể đã tổ chức cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị đồng thời chỉ đạo, tổ chức triển khai sâu rộng cuộc vận động thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tới các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân.

Từ năm 2011 đến nay, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức được hơn 16 nghìn lượt buổi lồng ghép tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới cho hơn 1,5 triệu lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân, vận động nhân dân đóng góp trên 800 tỷ đồng, trên 1,7 triệu m² đất thổ cư, gần 700 ha đất nông nghiệp, trên 1 triệu ngày công xây dựng nông thôn mới và các công trình phúc lợi công cộng, tiêu biểu như: Hội LHPN tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ trong vận động gia đình đóng góp ủng hộ được hơn 90,6 tỷ đồng, 30.490 ngày công và hiến hơn 3,2 triệu m2 đất (đất thổ cư, đất vườn, đất nông nghiệp) để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng thời phát động mô hình “Đường hoa phụ nữ”. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được trên 2 nghìn đoạn đường hoa với tổng chiều dài gần 560km, trị giá trên 20 tỷ đồng. Mô hình “Đường hoa phụ nữ” đã trở thành một phong trào trồng hoa rộng khắp trong toàn tỉnh góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới, làm đẹp cảnh quan môi trường. Cùng với việc xây dựng mô hình đường hoa, phụ nữ thường xuyên tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tham gia làm vệ sinh tại hàng nghìn tổ thu gom rác thải ở các thôn, xóm. Hội xây dựng và duy trì hoạt động “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”, CLB “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon” và chống rác thải nhựa, chi hội “Xanh - Sạch - Đẹp” và 1.120 đoạn đường do phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường... góp phần hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Góp phần xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 2.422 buổi tuyên truyền có lồng ghép nội dung xây dựng nông thôn mới cho khoảng 200.000 lượt người. Thông qua tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tự nguyện đóng góp trên 186,7 tỷ đồng, hiến 19.123m2 đất, tham gia hơn 43.300 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới; làm mới hơn 380 km đường giao thông, sửa chữa hơn 90 km kênh mương, 1.100 cầu cống; Các cấp hội động viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thiết thực đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, các ngành chức năng đã hoàn thành công tác dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp. Chuyển đổi hơn 15 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, góp phần đưa giá trị thu nhập trên 1ha canh tác đạt 210 triệu đồng/ha. Xây dựng được gần 500 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Đồng chí Nguyễn Văn Kha, Huyện ủy viên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mỹ cho biết: “Để không ngừng nâng giá trị thu nhập trên 1ha canh tác, căn cứ vào thổ nhưỡng ở từng xã, Phòng NN&PTNT đã tham mưu với UBND huyện quy hoạch các vùng trồng cây ràu màu, cây ăn quả, cấy lúa...hợp lý. Nổi bật ở Yên Mỹ là xây dựng vùng trồng lúa nếp thơm với diện tích hơn 420 ha tại xã Trung Hòa. Huyện tạo điều kiện cho Công ty TNHH công nghệ phát triển nông nghiệp xanh thuê đất để sản xuất lúa. Công ty thực hiện mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong canh tác lúa: tất cả các khâu từ làm đất, bón phân, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch đều được áp dụng cơ giới hóa. Qua theo dõi và đánh giá, so với sản xuất theo truyền thống, lúa trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, nhiễm nhẹ với sâu bệnh, năng suất thực thu đạt 72,2 tạ/ha, cao hơn 5,8 tạ/ha, trừ chi phí thu lãi 21,57 triệu đồng/ha, cao hơn gần 8,8 triệu đồng/ha”.

leftcenterrightdel
 Thu hoạch nhãn ở Hưng Yên

Để sản xuất nông nghiệp ngày càng đạt hiệu quả cao, Hưng Yên đã hình thành 80 mô hình chuỗi sản phẩm an toàn; 1.230 ha sản xuất VietGAP cho rau màu, cây ăn quả; công nhận 54 sản phẩm OCOP. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung theo mô hình VietGap; xây dựng 04 vùng Gahp ở các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Tiên Lữ với 1.000 thành viên và 33ha Vietgap cho chăn nuôi. Các hoạt động xây dựng thương hiệu nông sản đặc thù của tỉnh được đẩy mạnh; công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản được tích cực thực hiện; Toàn tỉnh có 310 hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã; doanh thu bình quân năm 2019 của các hợp tác đạt 1,4 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân 358,6 triệu đồng/hợp tác xã điển hình như Hợp tác xã hoa, cây cảnh Xuân Quan, (Văn Giang).

Anh Võ Tuấn Phong - Giám đốc HTX Hoa cây cảnh Xuân Quan, cho biết: Từ năm 2012 đến nay, HTX được Hội Nông dân huyện chọn thực hiện dự án: “Trồng Hoa cây cảnh” từ nguồn vốn vay quỹ hỗ trợ Nông dân tỉnh với số vốn vay 500 triệu đồng cho 10 thành viên vay, có nguồn vốn này các thành viên có thêm động lực để phát triển sản xuất. Được hỗ trợ vốn và áp dụng khoa học kỹ thuật, do đó các thành viên trồng hoa đạt hiệu quả kinh tế cao. Tổng doanh thu của toàn thể các hộ thành viên HTX trung bình từ năm 2012- 2017 đạt 50 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận trên 300 triệu đồng/hộ/năm. Toàn HTX có 5 hộ có tổng lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm.

Các địa phương đã hình thành các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao, điển hình như: Mô hình liên kết sản xuất giữa Hợp tác xã nhãn Miền Thiết (huyện Khoái Châu) với các doanh nghiệp, hệ thống chuỗi siêu thị BigC, Fivi Mark, Sài Gon Coop; Hợp tác xã sản xuất, dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú (huyện Văn Lâm) liên kết với công ty sao Thái Dương, công ty dược phẩm Hà Nam,..; Hợp tác xã sản xuất nghệ Chí Tân liên kết với Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên... góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, ước thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tỉnh Hưng Yên năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

Thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào CCB “hiến kế, hiến công vì quê hương đất nước” lan rộng khắp cả tỉnh, ở xã nào cũng có những CCB gương mẫu hiến đất, tiền, xi măng, ngày công… để góp phần xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu ở xã Đình Dù có: gia đình CCB Nguyễn Văn Xuân ở thôn Ngải Dương.  Gia đình ông đã xây tặng xã một ngôi trường tiểu học 2 tầng khang trang, gồm 8 phòng học có đầy đủ bàn, ghế, trang thiết bị dạy học trị giá hơn 6 tỷ đồng. Hội Cựu chiến binh các cấp trong tỉnh đã tham gia hiến 106.617 m² đất thổ cư, đất vườn, đất ruộng 03; ủng hộ số tiền  hơn 64,2 tỷ đồng, đóng góp được 106.617 ngày công lao động xây dựng các công trình giao thông, nhà văn hóa thôn, nghĩa trang liệt sỹ.

Đồng chí Đinh Quang Mạnh, Chủ tịch Hội CCB huyện Văn Lâm cho biết: “ Qua công tác tuyên truyền và kết quả xây dựng nông thôn mới mỗi năm, là người trực tiếp được hưởng thụ kết quả về các công trình xây dựng, nhất là đường giao thông làm cho bộ mặt nông thôn thay da, đổi thịt, nhân dân thấy được ý nghĩa to lớn của việc xây dựng nông thôn mới như một “cuộc cách mạng” trong nông thôn. Từ đó, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào bằng nhiều hình thức khác nhau tùy theo điều kiện, khả năng của mình”.

leftcenterrightdel
Trung tâm thành phố Hưng Yên.  

Đoàn Thanh niên tỉnh tổ chức triển khai các phong trào “Tuổi trẻ Hưng Yên chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên các cấp cùng tham gia. Điển hình như thanh niên Phạm Văn Khôi, ở xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ.Năm 2018, anh Khôi đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Chiến Thắng, với diện tích liên kết là trên 15ha, HTX tiêu thụ thực phẩm an toàn cho ba thị trường chính là: siêu thị, bếp ăn công nghiệp và 15 trường mầm non trên địa bàn huyện Tiên Lữ và Phù Cừ. Doanh thu hằng tháng của HTX đạt khoảng 600 triệu đồng. Năm 2019, anh vinh dự là nhà nông trẻ tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.

Công nhân trong các công ty cùng với phong trào lao động năng suất, chất lượng, hiệu quả cũng tích cực thi đua góp phần xây dựng nông thôn mới. Liên đoàn Lao động tỉnh đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ với số tiền trên 5 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà chính sách, ủng hộ làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ xe chở rác chuyên dụng, hỗ trợ trang thiết bị học tập cho một số trường học còn khó khăn.Tiêu biểu như công ty sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (VAP) trên địa bàn huyện Văn Lâm đã hỗ trợ mua máy bơm nước cho các cánh đồng xã Đại Đồng, hỗ trợ thiết bị dạy học cho trường mầm non, trường tiểu học Như Quỳnh, xây nhà cho hộ nghèo xã Minh Hải…

Phát huy lợi thế là tỉnh có nhiều đường Quốc lộ đi qua và gần các thành phố lớn, do đó để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, trong những năm qua Hưng Yên chú trọng phát triển công nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Đến nay toàn tỉnh hiện có 13 khu công nghiệp với quy mô hơn 3.000 ha và 33 cụm công nghiệp với diện tích hơn 1.403 ha; thu hút được 535 dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp. Cơ cấu thu hút đầu tư có sự chuyển dịch tích cực, tập trung nhiều hơn vào dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, như khu công nghiệp Thăng Long II, Phố Nối A, Phố Nối B, Yên Mỹ...

Thu hút đầu tư đạt khá đã tác động mạnh đến phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Hưng Yên tăng bình quân 10,73%/năm, có thêm 284 dự án đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động đến cuối năm 2020 là 1.034 dự án; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 178 nghìn lao động. Từ đó đã làm cho kinh tế Hưng Yên duy trì phát triển ổn định với chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tiềm lực, quy mô kinh tế tăng lên, quy mô kinh tế năm 2020 đạt hơn 102 nghìn tỷ đồng gấp 1,73 lần so với năm 2015; bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,38%/năm. Ðến năm 2020: Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 61,5% trong cơ cấu kinh tế. Thu ngân sách nhà nước đạt 14.865 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 79,57 triệu đồng. Nhờ đó tỉnh Hưng Yên lọt vào Top 16 tỉnh thành của cả nước thực hiện tự cân đối ngân sách và điều tiết một phần về Trung ương.

Kinh tế phát triển, tỉnh Hưng Yên quan tâm đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, điện nông thôn, phát triển văn hóa, xã hội. Hoàn thành đầu tư hơn 1.000 km đường giao thông ở các cấp đường, tạo mạng lưới giao thông Hưng Yên thông suốt, kết nối thuận tiện giữa tỉnh Hưng Yên với các tỉnh, thành phố, tạo sức hấp dẫn lớn các nhà đầu tư. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường của huyện được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường quy hoạch. Trên địa bàn cấp xã có 6.937 km, trong đó có hơn 737 km đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện; có nền đường đạt chuẩn đường giao thông nông thôn cấp A, mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, chiều rộng mặt đường hơn 3,5m, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện. Các xã có hơn 2.332 km đường trục chính nội đồng thường xuyên được đầm, lèn chặt đảm bảo bằng phẳng, xe đi lại thuận tiện quanh năm.

Hệ thống thủy lợi của tỉnh do Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên trực tiếp khai thác vận hành, quản lý; hàng năm, đều được đầu tư nâng cấp, bảo dưỡng đảm bảo hệ thống vận hành đạt hiệu quả cao. 100% hệ thống thủy lợi của các xã được quy hoạch, xây dựng đồng bộ đảm bảo đủ điều kiện phục vụ nhu cầu của nhân dân và phòng chống thiên tai tại chỗ. Các công trình hệ thống điện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đều theo quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo cấp điện an toàn, đạt tiêu chuẩn, đảm bảo cung cấp và truyền tải đủ điện năng để sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cho 100% hộ dân trên địa bàn.

Tự hào là nơi khởi nguồn “Phong trào xây dựng gia đình văn hóa”, trong những năm qua Hưng Yên luôn quan tâm xây dựng “Phong trào xây dựng gia đình văn hóa”. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình như: Truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình… do đó, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” luôn ở mức cao, năm 2019, tỷ lệ đạt 90,5%.

Hưng Yên xác định văn hóa làng, xã là cốt lõi của văn hóa nông thôn - nơi lưu giữ hồn cốt của văn hóa dân tộc - nơi hình thành, lưu giữ, phát triển và trao truyền văn hóa tới mọi cá thể trong cộng đồng; trong dòng chảy của sự phát triển nông thôn Hưng Yên luôn giữ được không gian, cảnh quan đặc trưng của nông thôn như: cây đa, bến nước, sân đình, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống; nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh, người dân vẫn giữ gìn, duy trì các phong tục, tập quán mang giá trị văn hoá tốt đẹp - đây chính là những yếu tố văn hoá quan trọng, góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Phong trào xây dựng làng văn hóa được phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh và trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2010, tỉnh Hưng Yên có 72% số thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu làng, tổ dân phố văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có trên 88% thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu làng, tổ dân phố văn hóa. Trong những năm qua, nếp sống văn hóa nhất là thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Phát huy truyền thống quê hương văn hiến, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm sự nghiệp trồng người, đầu tư xây dựng cơ ngơi trường học. Toàn tỉnh có 360 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia và 139 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn. Hầu hết các trường học đều đảm bảo khuôn viên xanh - sạch - đẹp - an toàn; toàn bộ các trường học có kết nối Internet, 100% trường học có Website thông tin hoạt động thường xuyên. Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì và từng bước nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học phổ thông trung học hoặc tương đương đạt 99,7%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 95%/năm, học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hàng năm đạt từ 33-54 giải. Cô giáo Trần Thị Thúy - trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) nằm trong danh sách 50 giáo viên toàn cầu. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được thực hiện hiệu quả, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỷ lệ trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường và tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đều đạt 100%.

leftcenterrightdel
 Làng văn hóa Văn Ổ, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm

Hệ thống y tế tỉnh hiện nay có 02 bệnh viện đa khoa, 06 bệnh viện chuyên khoa và 04 trung tâm. Tuyến huyện có 10 trung tâm y tế và 155 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; tổ chức bộ máy của ngành được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả (đạt tỉ lệ 28,8 giường bệnh, 9 bác sỹ và 2,1 dược sỹ đại học/vạn dân). Các bệnh viện duy trì tốt các hoạt động khám, chữa bệnh, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật; có 03 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương nhằm tăng khả năng thực hiện chuyên môn kỹ thuật. Đến nay, nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai tại tỉnh, tích cực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Công tác khám chữa bệnh cho người nghèo, cho các đối tượng chính sách và trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm. Thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phát hiện chủ động, tổ chức triển khai khống chế dịch và các bệnh truyền nhiễm, không để dịch xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và phát triển kinh tế xã hội của địa phương và của tỉnh.

Tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm công tác bảo vệ môi trường, có 5 khu xử lý chất thải tập trung đã được phê duyệt. Đến nay, có 02/05 khu xử lý chất thải tập trung đã đi vào hoạt động (Khu xử lý chất thải thành phố Hưng Yên: Công suất xử lý 100 tấn/ngày đêm. Khu xử lý chất thải rắn Đại Đồng, huyện Văn Lâm đã được đầu tư xây dựng và vận hành giai đoạn 1 với diện tích 10 ha, công suất xử lý 200 tấn/ngày). Từ tháng 01/2019, chuyển sang công nghệ đốt công suất 200 tấn/ngày. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Dị Sử, thị xã Mỹ Hào và lò đốt rác thải sinh hoạt tại huyện Phù Cừ, hiện đang thực hiện các bước để khởi công xây dựng. Trên địa bàn tỉnh có 915 tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản với hơn 2.360 người tham gia tại 100% các thôn; có 145 điểm tập kết rác và 355 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh quy mô thôn, xã. Các địa phương đã xây dựng, lắp đặt được 1.853 bể chứa vỏ bao bì, chai lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật trên cánh đồng để thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đến nay, 100% rác thải y tế nguy hại được các Bệnh viện, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố ký Hợp đồng với đơn vị có chức năng để thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế theo quy định.

Tất cả các tiêu chí để đạt được là xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới ở Hưng Yên đã được các địa phương nỗ lực phấn đấu. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội, đặc biệt là phát huy được sức mạnh tổng hợp, tinh thần sáng tạo của nhân dân.Tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 là: 143.029 tỷ đồng. Kết quả 145/145 xã, 10/10 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Hưng Yên đãhoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Đến nay, nông thôn Hưng Yên đã có nhiều khởi sắc.Môi trường nông thôn Hưng Yên được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt của khu vực đồng bằng sông Hồng, góp phần tạo nên những miền quê trong lành và đáng sống. Sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới đạt tỷ lệ cao. Theo kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân thì tỷ lệ hài lòng của người dân đều đạt từ 80% trở lên, có những địa phương đạt trên 95%. Người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại hạn chế đó là: Thu nhập và đời sống của người dân chưa đồng đều giữa các địa phương.Chênh lệch giàu nghèo ngày càng được thu hẹp nhưng còn ở mức cao. Kết cấu hạ tầng, công nghiệp và dịch vụ nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại. Công tác xúc tiến thương mại, dịch vụ, phát triển thị trường còn yếu, phần nhiều nông sản bán ra không có thương hiệu, giá trị gia tăng thấp. Còn ít chuỗi giá trị hoàn chỉnh, thiếu gắn kết giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương với người nông dân. Nguồn chất thải từ công nghiệp, đô thị và từ các nguồn thải nông nghiệp, nông thôn, nhất là nhiều làng nghề còn diễn biến phức tạp. Việc sử dụng quá mức phân bón, thuốc trừ sâu và các loại hóa chất trong sản xuất nông nghiệp làm thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, làm giảm khả năng cạnh tranh của nông sản.

Phát huy kết quả đã đạt được tỉnh Hưng Yên đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 đó là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến năm 2025: có 55 xã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo tiêu chí mới, có 10 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Có 3 đơn vị cấp huyện đạt huyện nông thôn mới nâng cao, 1 đơn vị cấp huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn: 60 triệu đồng/năm. Giá trị thu được bình quân/ha canh tác đạt 250 triệu đồng. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Hưng Yên đã đề ra 6 giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới từ việc rà soát, bổ sung quy hoạch, tiếp tục đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa, phát triển sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn… đến nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ vững an ninh, trật tự xã hội.

leftcenterrightdel

Nông dân xã Xuân Quan, Văn Giang chăm sóc hoa 

Phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Hưng Yên lần thứ IX và đón Bằng công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đồng chí Đỗ Tiến Sĩ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã nhấn mạnh: “ Các cấp ủy chính quyền, MTTQ, các đoàn thể phải nắm vững mục tiêu, hệ thống các tiêu chí nông thôn mới để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, yêu cầu cấp thiết của người dân ở từng địa phương. Phát huy cao nguồn nội lực, tạo sức mạnh tạo chỗ, xác định dân là chủ thể trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Lấy nền tảng sức dân là cơ bản, các ngành hỗ trợ, định hướng giúp đỡ các địa phương thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đạt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn, đời sống nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống đồng thời phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hiệu quả cao”.

Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên có nhiều thuận lợi, từ những kết quả đã đạt được thời gian qua, chắc chắn các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên đề ra trong thời gian tới sẽ thành hiện thực, nhằm xây dựng tỉnh Hưng Yên thêm giàu mạnh, làm cho đời sống người dân nông thôn ngày càng giàu có hơn, xứng đáng với truyền thống vùng đất “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”; phấn đấu xây dựng tỉnh Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, đô thị văn minh và nông nghiệp công nghệ cao vào năm 2030 như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Cao Văn Khởi - Trung tâm chính trị huyện Văn Lâm, Hưng Yên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực