Những con số ấn tượng của ngành Thông tin và Truyền thông năm 2021

Thứ năm, 30/12/2021 19:04
(ĐCSVN) - Năm 2021, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, quá trình chuyển đổi số đã được thúc đẩy mạnh mẽ, đây cũng là thách thức tạo ra cơ hội để ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đạt được nhiều con số ấn tượng trong năm qua.

Cụ thể, trong lĩnh vực Công nghiệp ICT, doanh thu năm 2021 ước đạt khoảng 136 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2020, trong đó doanh thu của các doanh nghiệp ICT Việt Nam không có vốn FDI đạt 18,78 tỷ USD (chiếm 13,8%). Tỷ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT chiếm khoảng 24,65% tương đương 33,57 tỷ USD.

Trong bảng xếp hạng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu GII 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2019 và năm 2020. Trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được đưa vào danh sách xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu...

Ở lĩnh vực Viễn thông, trong năm 2021, chỉ số phát triển viễn thông của Việt Nam (IDI) ước tính xếp hạng 74/176 nước, tăng ba hạng so với năm 2020. Cả ba nhà mạng Viettel, VNPT, Mobifone đều đã được cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money.

Số lượng thuê bao di động ước đạt 123,76 triệu thuê bao trong đó có 92,88 triệu thuê bao là Smartphone, chiếm khoảng 75%; doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2021 ước đạt 130.768 tỷ đồng tăng 2% so với năm 2020; tỷ lệ phủ cáp quang đến hộ gia đình năm 2021 đạt 65%, tăng 10% so với năm 2020.

Năm 2021, Bộ TT&TT đã tổ chức công bố kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đến 100% cơ sở y tế tuyến huyện. Hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố chỉ trong 2,5 ngày. Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông công bố gói hỗ trợ dịch vụ viễn thông lên tới gần 10.000 tỷ đồng kéo dài trong 3 tháng; tổ chức 6 đợt nhắn tin truyền thông vận động ủng hộ quỹ Phòng chống dịch COVID-19 (2,7 triệu tin nhắn ủng hộ Quỹ 120,9 tỷ đồng).

Ảnh minh họa (Ảnh: Vietnam+).

Bộ đã triển khai phát triển ứng dụng PC-COVID phục vụ cho công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước. Hiện đã có 32 triệu người sử dụng PC-COVID với hơn 132 triệu mũi tiêm vắc xin đã được cập nhật; lần đầu tiên tổ chức công bố Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2020 (DTI).

Trong năm 2021, chuyển đổi số quốc gia có những bước phát triển đột phá trên cả ba trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước đạt trên 95%. Tỷ lệ sẵn sàng họp trực tuyến đến cấp xã tăng từ 40% lên 100%. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cung cấp mức độ 4 tăng từ 31% lên 96%. Ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP tăng từ 8,2% lên 9,6%.

Lĩnh vực An toàn thông tin mạng, năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 25 trên tổng số 194 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 4 trong khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) xếp hạng. Bộ đã ra mắt hệ sinh thái Tín nhiệm mạng https://tinnhiemmang.vn và Bộ TT&TT lần đầu tiên công bố xếp hạng mức độ bảo đảm ATTT các bộ, ngành địa phương năm 2020.

Lĩnh vực Kinh tế số, Bộ đã xây dựng dự thảo Bộ chỉ tiêu thống kê đo lường kinh tế số và xã hội số; 22 chỉ tiêu cơ bản về kinh tế số đã được bổ sung vào Luật Thống kê. Chỉ đạo xây dựng Nền tảng địa chỉ số Việt Nam, đây là nền tảng hạ tầng quan trọng cho phát triển kinh tế số. Xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp; Chỉ đạo hỗ trợ chuyển đổi số (CĐS) doanh nghiệp nhỏ và vừa, với gần 88 ngàn lượt doanh nghiệp truy vấn hỗ trợ từ chương trình; gần 15 ngàn doanh nghiệp tiếp cận chương trình; hơn 2,5 ngàn doanh nghiệp đăng ký sử dụng nền tảng số, trong đó có gần 2 ngàn doanh nghiệp sử dụng nền tảng số để CĐS thành công.

Trong năm 2021, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm tập trung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp tại địa phương. Các doanh nghiệp bưu chính đã thành lập nhiều trung tâm khai thác lớn ứng dụng công nghệ hiện đại để kết nối các dịch vụ, triển khai và thúc đẩy thương mại điện tử, logistic, tạo đà cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Tính đến tháng 11/2021, đã có gần 4 triệu hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) được đưa lên sàn TMĐT, với 70.000 giao dịch. Doanh thu Lĩnh vực Bưu chính năm 2021 đạt 37.000 tỷ đồng.

Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới. Năm 2022, Bộ TT&TT xác định cần phải thiết kế lại vận hành của tổ chức, phẳng hóa bộ máy, tự động hoá các báo cáo, cần phải đầu tư nhiều hơn vào công cụ làm việc dựa trên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI)… Vì khác biệt căn bản nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là máy móc thay lao động trí óc của con người.

Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ TT&TT sẽ tham mưu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số. Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng và phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Định hướng đến năm 2025, ngành công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông với tầm nhìn và sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang Make in Viet Nam, làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, trong đó tỷ trọng Make in Viet Nam vào năm 2025 đạt trên 45%.

Bộ TT&TT định hướng phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: Doanh nghiệp phát triển công nghệ cốt lõi; Doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ số; Doanh nghiệp triển khai giải pháp công nghệ số; Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.; phấn đấu đạt số lượng 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025; Hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD; cả nước có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp CNTT trên 1 tỷ USD; Hình thành từ 10 đến 12 khu CNTT tập trung và thành viên chuỗi Khu công viên phần mềm Quang Trung./.

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực