|
Công viên 16 tháng 4 (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, Ninh Thuận) là một trong những điểm đến thu hút người dân và du khách đến vui chơi, giải trí. |
Thực hiện đề án phát triển kinh tế đêm giai đoạn đến năm 2025, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm được tập trung thí điểm phát triển thành khu vực động lực, hạt nhân phát triển kinh tế ban đêm của Ninh Thuận. Tỉnh bố trí không gian phát triển kinh tế ban đêm tại các khu vực: Chợ đêm du lịch; khu phố đi bộ; khu du lịch bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ; khu vực tuyến phố, khu đô thị mới Đông Bắc (khu K1), khu đô thị biển Bình Sơn – Ninh Chữ (khu K2) và các tuyến đường kết nối với biển.
Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ tập trung phát triển 1-2 khu vực đầu tiên tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm để tạo ra những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật và dịch vụ giải trí hấp dẫn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí về đêm, góp phần thực hiện mục tiêu thu hút lượng du khách đến Ninh Thuận đạt khoảng 3,5 triệu lượt năm 2025, trong đó khách du lịch sử dụng dịch vụ kinh tế ban đêm chiếm khoảng 65%. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch dự kiến đạt 2.900 tỷ đồng; ngành du lịch đóng góp 13% GRDP toàn tỉnh.
Đến năm 2030, Ninh Thuận sẽ mở rộng quy mô phát triển kinh tế ban đêm, hình thành thêm 4-6 khu vực với các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, dịch vụ, vui chơi giải trí mới trên toàn tỉnh. Điều này sẽ giúp tăng lượng khách du lịch lên 6 triệu lượt, trong đó khách du lịch sử dụng dịch vụ kinh tế ban đêm khoảng 70%; khách quốc tế chiếm khoảng 14-15%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 5.900 tỷ đồng, ngành du lịch đóng góp 15% GRDP toàn tỉnh.
Để triển khai thực hiện, tỉnh Ninh Thuận dự kiến nhu cầu tổng vốn đầu tư cho các công trình, dự án và các hoạt động khác để phát triển kinh tế ban đêm đến năm 2030 khoảng 1.350 tỷ đồng (chưa tính các dự án đầu tư các thành phần kinh tế phát triển các trung tâm thương mại, du lịch trọng điểm). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 410 tỷ đồng, còn lại là vốn xã hội hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên thông tin, tỉnh đã ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung triển khai 8 nhóm giải pháp thực hiện đề án phát triển kinh tế ban đêm. Trong đó, các đơn vị tập trung xây dựng kế hoạch triển khai các loại hình, sản phẩm, phát triển kinh tế ban đêm gắn lộ trình thực hiện cụ thể, phù hợp với điều kiện, khả năng đáp ứng của hệ thống cơ sở hạ tầng, nhu cầu cung cấp các dịch vụ về đêm, khả năng bố trí nguồn lực và huy động doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và các địa phương xây dựng các chương trình tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các khu vực quy hoạch phát triển kinh tế ban đêm, đặc biệt tổ chức các hoạt động tại tuyến phố đi bộ để tạo điểm nhấn văn hóa, vui chơi về đêm. Đồng thời, các đơn vị, địa phương vận động các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch tham gia các gian hàng để quảng bá các tour, tuyến du lịch, các gian hàng ẩm thực, sản phẩm OCOP đặc thù của địa phương.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh được giao nhiệm vụ tăng cường mời gọi đầu tư vào các chương trình, dự án kinh tế ban đêm để tổ chức hoạt động, dịch vụ phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn; đề xuất các tour, tuyến, điểm, khu du lịch có thể khai thác, cung cấp các sản phẩm du lịch về đêm, các sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch nhằm quảng bá thương hiệu và hình ảnh du lịch của địa phương.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án du lịch, nhất là dự án du lịch ven biển quy mô lớn, đẳng cấp cao để thu hút du khách như: Dự án khu resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn quốc tế 5 sao kết hợp với tuyến phố thương mại ẩm thực; khu du lịch Bình Tiên (giai đoạn 2); dự án Sunbay park hotel & resort; khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa; khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Royal Ninh Thuận... Tỉnh khuyến khích các cơ sở kinh doanh khách sạn, resort không ngừng đầu tư xây dựng, cải tạo không gian với phương án kiến trúc mới mẻ, độc đáo, nâng cao chất lượng các dịch vụ. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, homestay gắn với kinh tế ban đêm để tạo nên nét đặc sắc riêng và phù hợp với xu hướng, nhu cầu của du khách.