|
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Báo Cần Thơ) |
Thời gian qua, nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản. Theo đó, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng. Bước đầu thành công trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xoay trục sản phẩm chủ lực thủy sản - trái cây - lúa gạo chất lượng cao, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Đã hình thành các mô hình chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, hiệu quả, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế.
Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước: chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.
Việc phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, tại khu vực này đã được chú trọng và đạt nhiều kết quả cao; đời sống người dân nông thôn được nâng cao, điều kiện sinh hoạt được cải thiện một bước đáng kể. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và đổi mới bộ mặt nông thôn. Cùng với hệ thống hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt, hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cũng được đầu tư nâng cấp...
Hiện nay, nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có nền tảng chuyển đổi, tái cấu trúc ngành Nông nghiệp. Những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa tầng, đa giá trị, thuận thiên đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng. Có thể kể đến như mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh vùng duyên hải; mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Mục tiêu phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025 đạt tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018. Lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 30% tổng số lao động. Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp trên 30%. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi trên địa bàn xử lý chất thải bằng biogas hoặc các giải pháp công nghệ xử lý, sử dụng hiệu quả, sạch 50%. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn là 75%; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính theo các cam kết...
Để đạt mục tiêu trên, Đồng bằng sông Cửu Long phải tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long; các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 18/6/2022 về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.
Chỉ thị nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; xác định "nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng", chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh; gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa nông thôn với đô thị.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh; nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nông nghiệp phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp phải trong mối quan hệ và gắn chặt với phát triển công nghiệp, dịch vụ./.