|
Cần tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (Ảnh minh họa: T.C) |
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, tại nước ta đã có 13 nhóm sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt có 7 nhóm (gồm lúa gạo, rau củ, trái cây, chè, cà phê,…); lĩnh vực chăn nuôi 3 nhóm (gồm lợn, bò sữa, gà); lĩnh vực thủy sản 1 nhóm (tôm); lĩnh vực lâm nghiệp 2 nhóm (hồi, quế).
Về sản xuất, năm 2021, Việt Nam có 17.174 cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ; 555 nhà chế biến; 60 nhà xuất khẩu, 40 nhà nhập khẩu. Quy mô sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chủ yếu tập trung tại hộ gia đình với tỷ lệ 98%.
Về thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ở trong nước, tổng mức tiêu thụ hàng năm khoảng 500 tỷ đồng. Trong đó, mức tiêu thụ tại 2 thành phố lớn gồm Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội chiếm 80% cả nước, đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm. Kênh tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ chủ yếu thông qua hệ thống trung tâm thương mại, đại siêu thị, chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thực phẩm an toàn.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng trên 335 triệu USD/năm tới 180 thị trường trên thế giới. Các sản phẩm hữu cơ được xuất khẩu như: chè, tôm, gạo, hạt điều, hạt tiêu, quế, hồi, tinh dầu, gia vị,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện nay, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ của nước ta vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đó là việc còn thiếu các cơ chế đặc thù để hiện thực hóa chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Cùng với đó là việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn manh mún, diện tích còn khiêm tốn và không tập trung, chủ yếu ở dạng mô hình. Việc quy hoạch, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp còn bất cập, tổ chức sản xuất theo chuỗi chưa triển khai được trên diện rộng nên phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.
Việc chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chuỗi khép kín trong sản xuất, chế biến hữu cơ nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc. Tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn ít cả về số lượng và quy mô, mức độ đầu tư.
Thứ nữa, đó là việc tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ mới chỉ tập trung tại các kênh phân phối hiện đại và phục vụ thị phần nhỏ khách hàng trung và cao cấp; giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hữu cơ chưa được đầu tư thực hiện diện rộng. Ngoài ra, chưa có cơ chế quản lý xử phạt về ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, công tác quản lý thị trường còn nhiều bất cập,…
Nhằm thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp hữu cơ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, cần tập trung hoàn thiện về thể chế, cơ chế chính sách, đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động chứng nhận và nâng cao năng lực chứng nhận cho các Tổ chức chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, cần phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đi cùng với phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đầu tàu trong việc kết nối, chia sẻ và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị,…/.