Phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp xây dựng bằng trọng tài

Thứ ba, 16/06/2020 23:02
(ĐCSVN) - Thời gian qua, các vụ tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng thường diễn biến phức tạp, giá trị lớn nên cần phương thức giải quyết hợp lý, đúng pháp luật, đặc biệt là phải có sự tham gia của các luật sư nhằm tránh thiệt hại cho các bên.
 Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: M.P)

Ngày 16/6, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ban vận động thành lập Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam (SCLVN) tổ chức hội thảo “Phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp xây dựng bằng trọng tài”. Đây là hội thảo nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (gọi tắt là VAW2020).

Tại hội thảo, nói về thực tiễn giải quyết tranh chấp xây dựng tại VIAC, ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng thư ký VIAC cho hay, trong những năm gần đây, tranh chấp xây dựng đưa đến giải quyết tại VIAC đang ngày càng gia tăng, trung bình mỗi năm chiếm khoảng 10% tranh chấp được giải quyết tại VIAC và cũng là những vụ việc có trị giá cũng như độ phức tạp cao nhất.

Theo khảo sát của VIAC, nguyên nhân tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng chủ yếu là do các vi phạm về thanh toán, chất lượng công trình, tiến độ thi công hoặc đối tác đơn phương chấm dứt hợp đồng…

Về cách thức giải quyết, tại Việt Nam, hơn 80% doanh nghiệp lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng hình thức thương lượng, còn lại lựa chọn các phương án khác như: hòa giải, trọng tài, tòa án, chấm dứt quan hệ thậm chí nhiều doanh nghiệp còn “mặc kệ” không làm gì cả.

Vì thế, tại VIAC, tính từ năm 1993 đến nay, lĩnh vực xây dựng chiếm 14% tổng số lĩnh vực tranh chấp cần được giải quyết, đứng thứ hai về số lượng tranh chấp (sau lĩnh vực mua – bán), nhưng luôn đứng đầu về trị giá các vụ việc tranh chấp.

Theo thống kê của VIAC, tổng giá trị các vụ tranh chấp trong lĩnh vực này hiện lên tới 18 nghìn tỷ đồng, tương đương trung bình 90 tỷ đồng/vụ việc, trong đó có vụ án giá trị lên tới 6.000 tỷ đồng.

Hơn nữa, đặc điểm hợp đồng xây dựng có tranh chấp tại VIAC là sự tham gia của nhiều hơn một nhà thầu, có nhà thầu nước ngoài; áp dụng tiêu chuẩn thiết kế của nhiều nước khác nhau; có sự chuyển đổi chủ đầu tư trong quá trình triển khai…

Vì thế, ông Phan Trọng Đạt cho rằng, điều này cho thấy các vụ tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng thường diễn biến phức tạp, giá trị lớn nên cần phương thức giải quyết hợp lý, đúng pháp luật, đặc biệt là phải có sự tham gia của các luật sư nhằm tránh thiệt hại cho các bên.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ 1 Nghiệp vụ, Tổng cục Thi hành án dân sự, tòa án và trọng tài thương mại đều là những hình thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh, thương mại. Thủ tục của hai cơ quan này đều căn cứ trên những nguyên tắc chung như tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự, đảm bảo sự độc lập của người tài phán. Tuy nhiên, cơ chế tố tụng của hai cơ quan này có những sự khác biệt cơ bản về tính chất pháp lý, thẩm quyền, điều kiện thụ lý, nguyên tắc xét xử…

Trong đó, trọng tài được thành lập nhằm cung cấp cho các nhà kinh doanh một cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện, phù hợp với tâm lý của doanh nghiệp.

Tại hội thảo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng cho rằng, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ giúp các tranh chấp được giải quyết nhanh gọn, không theo quá trình sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm như bên tòa án. Hơn nữa, chi phí cho giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở một mức độ hợp lý hơn.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực