Ngày 11/7, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm Kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 với chủ đề “Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh mới”. Sự kiện thu hút được sự quan tâm lớn từ khoảng 100 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
|
Tọa đàm diễn ra tại ĐH KTQD Hà Nội (Ảnh: HNV) |
Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD khẳng định, các số liệu thống kê mới nhất hiện nay đang cho thấy sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam, theo đó, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 trở nên rất khó khăn trong bối cảnh những tác động từ thế giới còn khó lường trong khi khu vực sản xuất trong nước còn chưa hoàn toàn hồi phục sau đại dịch. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các Bộ, Ban, ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, nhân dịp này, Ban tổ chức sẽ tổng kết toàn diện nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023, đánh giá tổng cầu nền kinh tế trong bối cảnh mới, từ đó đề xuất những giải pháp có tính chiến lược, kịp thời nhằm phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Kết quả của Tọa đàm sẽ cung cấp thêm thông tin cho công tác nghiên cứu tham mưu, đề xuất chính sách để Đảng, Quốc hội, Chính phủ có những chỉ đạo và quyết sách kịp thời.
|
Các nhà quản lý, chuyên gia, diễn giả tham gia Tọa đàm (Ảnh: PV) |
Tọa đàm đã lần lượt lắng nghe các phần trình bày tham luận, cụ thể gồm: tổng quan kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2023 và tác động đến Việt Nam; Đánh giá tổng cầu kinh tế và những khuyến nghị khôi phục tổng cầu duy trì động lực tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh mới; Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 và những vấn đề đặt ra; Phát triển kinh tế toàn cầu và trong nước – hàm ý chính sách đối với Việt Nam và Tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như đề xuất các giải pháp thúc đẩy tổng cầu trong bối cảnh mới.
Trong khuôn khổ chương trình, phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề “Giải pháp phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới” với sự tham gia trao đổi ý kiến của 03 nhóm chủ thể đại diện cho phía Việt Nam và các tổ chức quốc tế cùng các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã làm rõ hơn các nội dung liên quan tới tổng cầu phục vụ tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay, từ đó, đề xuất định hướng và chính sách khôi phục tổng cầu của nền kinh tế để duy trì động lực và mức độ tăng trưởng của Việt Nam trong bối cảnh mới.
|
TS. Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng UNDP (Ảnh: PV) |
TS. Johnathan Picus, Kinh tế Trưởng UNDP khuyến nghị, cần xây dựng chính sách tài khoá nghịch chu kỳ, nhằm kích cầu trong giai đoạn tăng trưởng toàn cầu giảm; lật ngược suy giảm đầu tư công, tăng hiệu quả, tập trung, thông qua giám sát quốc gia và kế hoạch phát triển vùng; hiện đại hoá hệ thống an sinh xã hội phù hợp với quốc gia thu nhập trung bình, công nghiệp hoá; minh bạch hoá chính sách tài khoá; xây dựng công cụ mới, ví dụ Ngân hàng Khí hậu công (với sự tham gia của tư nhân) nhằm tăng nguồn tài chính dài hạn cho chuyển dịch năng lượng.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, ĐH KTQD bổ sung phân tích thực tế tại Việt Nam và đề xuất, có thể sử dụng một số biện pháp hỗ trợ tổng cầu có chọn lọc nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năngKhuyến khích đầu tư tư nhân thông qua việc tục hạ lãi suất cho vay, sử dụng tín dụng thuế đầu tư ngắn hạn nhưng phải đặc biệt lưu ý cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10%; tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập. Đặc biệt, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công theo hướng tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải. Phát triển nhà ở xã hội (NOXH) đáp ứng nhu cầu thực. Bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội. Bên cạnh đó, tập trung kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế; giảm VAT hàng thiết yếu…
Cũng lưu ý tới đầu tư công, bên lề Tọa đàm, PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, ĐH KTQD cho rằng, đây là giải pháp căn cơ để đáp ứng yêu cầu mục tiêu tăng trường đồng thời song song là các giải pháp liên quan đến hỗ trợ vốn đầu tư và kiến thiết môi trường kinh tế số hợp lý, hiệu quả nhất là với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay./.