Quảng Trị: Phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững

Thứ hai, 08/08/2022 16:02
(ĐCSVN) - Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Quảng Trị đã đẩy mạnh, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp...

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Nông nghiệp Quảng Trị hiện tồn tại những khó khăn, đó là: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ còn chậm; năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao; các vùng hàng hóa cây trồng, vật nuôi, thủy sản có quy mô nhỏ; áp lực về giải quyết vấn đề lao động, việc làm ở khu vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng lớn (hiện có 70% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp)... Đồng thời, Nông nghiệp Quảng Trị đang đứng trước những cơ hội và thách thức của thời kỳ đẩy nhanh quá trình Công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xu thế kinh tế hội nhập với khu vực và thế giới; đòi hỏi phát triển cả về lượng và chất nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nông sản hàng hóa phục vụ cho đời sống, công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một xu hướng tất yếu và là nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền nông nghiệp, hướng tới các loại sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có chất lượng, có giá trị cao về kinh tế, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.

leftcenterrightdel
 Quảng Trị đưa ứng dụng thiết bị bay không người lái để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa tại huyện Hải Lăng.

Toàn tỉnh Quảng Trị đã cấp chủ trương đầu tư cho 82 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm - ngư - nghiệp.  Hiện tại, tỉnh có 42 dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, trong đó có hơn 10 dự án nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đã đi vào sản xuất, được áp dụng trên nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản. Đó là, ứng dụng công nghệ trồng trọt trong nhà kính, nhà lưới công nghệ châm phân, nước tự động, cảm biến nhiệt, ẩm độ… như: Nhà trồng dưa lưới của Công ty CP Quỹ đầu tư Israel D-FARM Quảng Trị tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh; Nhà trồng lan, dâu tây… của Trung tâm ứng dụng và phát triển KHCN – Sở KHCN tại Đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa).

Ngoài ra, Quảng Trị còn đưa ứng dụng thiết bị bay không người lái để chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa tại huyện Hải Lăng, công nghệ sấy có cảm biến nhiệt và kho bảo quản có điều chỉnh nhiệt độ trong chế biến lúa (Nhà mấy sấy lúa Hải Lăng).

Bên cạnh đó, địa phương đưa công nghệ tự động trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao (Biofloc) trong nuôi tôm thương phẩm tại Vĩnh Linh, Hải Lăng; Ứng dụng thử nghiệm công nghệ giống keo nuôi cấy mô trên địa bàn (tại Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ)… Đồng thời, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã ứng dụng công nghệ sấy, bảo quản, chế biến nông sản; công nghệ nhân giống nuôi cấy mô tế bào... tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có giá trị kinh tế cao làm nền tảng thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị cho biết, việc ứng dụng quy trình công nghệ mới, công nghệ cao, nhất là các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư (4.0) giúp giảm bớt sức lao động, tăng hiệu quả quản lý sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất, giải quyết những hạn chế của phương thức sản xuất truyền thống, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chưa mang tính hàng hóa cao. Nhiều sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và tiếp cận thị trường trong nước và Quốc tế, chứng nhận sản phẩm OCOP và có trên 90% sản phẩm OCOP được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Đây là những kết quả bước đầu nhưng đã góp phần quan trọng, tạo tiền đề cho việc nhân rộng các dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Ông Hà Sỹ Đồng khẳng định, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch. Phấn đấu đến năm 2025, đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình cao và năm 2030 sẽ bước vào nhóm tỉnh khá của Việt Nam. Trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu ngành theo tinh thần Kết luận 168-KL/TU ngày  4/11/2021 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần tập trung vào quan điểm chỉ đạo và các giải pháp cụ thể: Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Tâm huyết với sự phát triển của Nông nghiệp Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ, tỉnh Quảng Trị phải chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; phát huy lợi thế của từng địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị sẽ cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương. Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch tỉnh; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

leftcenterrightdel
 Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị kiểm tra mô hình lúa chất lượng cao tại  huyện Hải Lăng.

Ngoài ra, địa phương khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính… Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát triển giống bản địa có giá trị cao; có cơ chế phù hợp để thúc đẩy các viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu, chọn, tạo giống; nâng cao năng lực tự chủ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vắcxin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị, vật tư nông nghiệp.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, quản lý an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các ngành liên quan phải quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm./.

Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực