Quý 3/2024 sản xuất tăng trưởng tích cực

Thứ tư, 23/10/2024 21:38
(ĐCSVN) - Chiều 23/10, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ nhằm đánh giá kết quả đạt được của ngành Công Thương 9 tháng năm 2024.
Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ  

Thông tin sơ lược về kết quả đạt được của ngành Công Thương tháng 9 và 9 tháng năm 2024, ông Bùi Huy Sơn- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Bộ Công Thương, cho hay: Sản xuất công nghiệp trong quý III/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý trước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước tăng 9,59% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,76% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,39%; quý III tăng 11,41%), đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế (GDP 9 tháng ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,11%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,83%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,01%, làm giảm 0,22 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Về xuất nhập khẩu, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta trong 9 tháng năm 2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 11%), trong đó xuất khẩu tăng 15,4% (cùng kỳ giảm 8,2%); nhập khẩu tăng 17,3% (cùng kỳ giảm 13,9%). Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 20,79 tỷ USD.

Qua 9 tháng cũng cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước, khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này (tăng 20,7%) cao gần gấp đôi so với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 13,4%). Trong 9 tháng năm 2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%).

Về thị trường trong nước, trong tháng 9/2024, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Quý 3/2024 sản xuất tăng trưởng tích cực 

Một số địa phương (chủ yếu là các địa phương trọng điểm về du lịch) có doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 10,4%; Hải Phòng tăng 9,3%; Cần Thơ tăng 7,7%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,2%; Hà Nội tăng 7,0%.

Tại họp báo thường kỳ quý III/2024 của Bộ Công Thương chiều 23/10, liên quan đến vấn đề khởi động lại dự án điện hạt nhân, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, việc phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, nguồn tài chính…

Từ năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu triển khai dự án ở Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc Hội, nhưng do nhiều yếu tố về nhân lực, tài chính có nhiều khó khăn, Quốc hội đã quyết định tạm dừng nghiên cứu triển khai. 

Tuy nhiên hiện nay, Việt Nam và các nước trên thế giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân. Bộ Công Thương đã báo cáo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về vấn đề này.

Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên, việc phát triển sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện để đề xuất trong Quy hoạch Điện VIII rà soát điều chỉnh.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết, căn cứ Quy hoạch điện VIII và chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế. Trên cơ sở sức ép liên quan đến năng lượng tái tạo, nguồn điện nền có vai trò quan trọng, một số nước phát triển cũng đã sử dụng điện hạt nhân gấp 2-3 lần. Về công nghệ, quan điểm của Bộ Công Thương là sử dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo tuyệt đối an toàn, rủi ro về 0. Bộ Công Thương đang phối hợp Bộ Khoa học công nghệ nghiên cứu, sau đó báo cáo trình Chính phủ có chủ trương, làm cơ sở tiếp tục triển khai.

 

Tin, ảnh: K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực