Tăng cường hợp tác tài chính giữa Việt Nam – Ca-dắc-stan

Thứ năm, 18/08/2022 19:19
(ĐCSVN) – Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 so với Ca-dắc-stan. Để đạt mục tiêu đến năm 2040 sẽ được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao, Việt Nam sẽ tập trung vào các định hướng phát triển kinh tế trong đó có phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.

Chiều 18/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Kairat Kelimbetov - Chủ tịch Trung tâm Tài chính quốc tế Astana của Ca-dắc-stan (AIFC) về việc thiết lập và thúc đẩy quan hệ hợp tác tài chính song phương, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ tài chính; thị trường vốn và thị trường chứng khoán. Cùng tham dự buổi làm việc còn có đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) và đại diện Đại sứ quán Ca-dắc-stan.

 Hình ảnh tại buổi làm việc (Ảnh: M.P)

Ghi nhận mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, lâu đời giữa Việt Nam và Ca-dắc-stan, Thứ trưởng Võ Thành Hưng nhấn mạnh, đến nay, Ca-dắc-stan đã có những hỗ trợ thiết thực cho Việt Nam trong đó có đào tạo nguồn nhân lực.

Chia sẻ những nét nổi bật về bức tranh tổng thể kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, trong những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước đổi mới tích cực. Trong quá trình đó, phát triển thị trường tài chính là một trong những nội dung quan trọng. Về phát triển thị trường vốn, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có lịch sử hình thành và phát triển 22 năm. Quy mô thị trường chứng khoán hiện chiếm khoảng 93-94% GDP. Có khoảng 40-50 công ty có quy mô vốn trên 1 tỷ đô la Mỹ; 3-5 công ty có quy mô vốn trên 10 tỷ đô la Mỹ.

“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam mới đang là thị trường cận biên, chúng tôi đang phấn đấu đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi trong vòng 1-2 năm tới.”- Thứ trưởng Võ Thành Hưng chia sẻ.

Về định hướng trong xây dựng kinh tế số, trong đó có xây dựng Chính phủ số, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã xây dựng được nền tảng dữ liệu của các ngành, đang tiến hành kết nối các dữ liệu với nhau, trong đó có kết nối dữ liệu tài chính với các dữ liệu khác.

Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 so với Ca-dắc-stan. Để đạt mục tiêu đến năm 2040 sẽ được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình cao, Việt Nam sẽ tập trung vào các định hướng phát triển kinh tế trong đó có phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã có cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26, đưa Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa Các-bon vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo. Hiện tại, năng lượng tái tạo của Việt Nam mới chiếm 13-15% tổng năng lượng quốc gia. Để đạt mục tiêu trên là cả thách thức lớn về công nghệ và vốn.

Về cơ sở hạ tầng, trong điều kiện kinh tế hội nhập rất sâu, hạ tầng về cảng biển, logictic, sân bay và đường bộ, đường sắt của Việt Nam đều còn cần những khoản đầu tư rất lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới cũng là trọng tâm được Chính phủ đặt ra.

“Nền kinh tế Việt Nam đang đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Bên cạnh nguồn lực trong nước, chúng tôi cũng kêu gọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Chúng tôi mong muốn thành lập trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ khu vực tại Việt Nam, có thể tại TP Hồ Chí Minh trước. Trong quá trình xây dựng, chắc chắn Việt Nam sẽ phải tham khảo các kinh nghiệm quốc tế trong đó có Ca-dắc-stan”- Thứ trưởng bày tỏ.

Phát biểu tại buổi tiếp, ông Kairat Kelimbetov - Chủ tịch Trung tâm Tài chính quốc tế Astana của Ca-dắc-stan (AIFC) chia sẻ, sáng nay, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Ca-dắc-stan đã có buổi gặp và nhất trí tăng cường hợp tác về giáo dục. Hai bên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hợp tác về lĩnh vực này.

Chia sẻ mong muốn của Việt Nam về phát triển thị trường vốn, nâng hạng thị trường cũng như cổ phần hóa, ông Kairat Kelimbetov cho biết, gần đây Ca-dắc-stan cũng đã có khá nhiều bước phát triển và tin tưởng rằng hai bên sẽ có những hợp tác tích cực, đặc biệt trong các lĩnh vực như kinh tế số, năng lượng tái tạo và kinh tế xanh.

“Chúng tôi cũng rất quan tâm đến tài chính xanh và cũng cho rằng, mục tiêu của Việt Nam là trung hòa Các-bon vào năm 2050 là tham vọng, tuy nhiên, điều đó hoàn toàn có thể thành hiện thực.”- Chủ tịch AIFC nhấn mạnh./.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực