Tập trung đồng bộ các giải pháp thúc đẩy triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy, 22/07/2023 09:37
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để phấn đấu đạt được các mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, thời gian tới, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp,…
 Chương trình xây dựng Nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong giai đoạn 2021-2023 (Ảnh: B.T)

Nhiều kết quả nổi bật

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020). Trong đó, có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 4 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới; 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.

Bên cạnh đó, cả nước có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

Hiện nay, đã có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2021-2023, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 song các địa phương vẫn duy trì và tăng cường đầu tư nâng cấp, xây mới, phát triển các hạng mục hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện theo hướng đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, lĩnh vực giao thông, thủy lợi, điện, trường học, giáo dục, văn hóa, y tế, thương mại nông thôn được tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Cụ thể, hiện nay đã có 6.670 xã (81,6%) đạt tiêu chí giao thông (tăng 3,4% so với cuối năm 2020). So với mục tiêu đến năm 2025 có 98% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, trong 3 năm còn lại (2023-2025) đòi hỏi cần tập trung nguồn lực rất lớn từ các nguồn để hoàn thành mục tiêu, nhất là ở vùng Trung du miền núi phía Bắc (mới có 56,8% số xã đạt tiêu chí giao thông).

Bên cạnh đó, đã có 7.950 xã (97,2%) đạt tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai (tăng 1,3% so với cuối năm 2020). So với mục tiêu đến năm 2025 có 98% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng chống thiên tai theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, kết quả đạt được đến nay đã gần đạt được mục tiêu.

Cùng với đó, đã có 7.735 xã (94,6%) đạt tiêu chí điện (tăng 1,1% so với cuối năm 2020). So với mục tiêu đến năm 2025 có 98% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 4 về điện theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, kết quả đạt được đến nay đã gần đạt mục tiêu. Một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển mạng lưới điện đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa cần được sự quan tâm hỗ trợ của ngành điện để đạt mục tiêu của tiêu chí nông thôn mới.

Mặt khác, đã có 6.791 xã (83,1%) đạt tiêu chí về trường học (tăng 5,9% so với cuối năm 2020). So với mục tiêu đến năm 2025 có 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về trường học theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Trong thời gian tới cần tập trung đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất trường học ở những địa bàn có kết quả thấp, nhất là vùng Trung du miền núi phía Bắc và một số địa phương vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, đã có 7.813 xã (95,5%) đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tăng 1,6% so với cuối năm 2020). So với mục tiêu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới thì khả năng hoàn thành là khả thi. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương thúc đẩy xây dựng thí điểm hệ thống các trung tâm thu mua - cung ứng nông sản cấp huyện ở một số địa phương,...

Tập trung các giải pháp phấn đấu đạt mục tiêu đề ra

Bộ NN&PTNT cho biết, đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Đồng thời, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới,…

Nhằm đạt được các mục tiêu trên, Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện Chương trình. Sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo các mức độ phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các địa phương và đặc thù của vùng, miền.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, đặc biệt cán bộ cơ sở về phát triển kinh tế nông nghiệp, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế, bảo tồn các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc… 

Đáng chú ý, đó là triển khai hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 6 chương trình chuyên đề trọng tâm, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới được Quốc hội, Chính phủ giao.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện Chương trình. Quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong công tác giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả thực hiện Chương trình. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới./.

 

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực