Thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn tại 13 tỉnh

Thứ năm, 24/11/2022 20:52
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Triển khai Đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, sẽ có 5 vùng nguyên liệu được xây dựng tại 13 tỉnh. Với việc tham gia Đề án sẽ có nhiều đối tượng được hưởng lợi như: các doanh nghiệp đầu tàu, các hợp tác xã, tổ khuyến nông cộng đồng, người nông dân,…

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Tọa đàm trực tuyến Xây dựng vùng nguyên liệu Nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

 Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: B.T)

Tọa đàm nhằm cung cấp thêm thông tin chi tiết liên quan đến Đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 tại quyết định 1088/QĐ-BNN-KTHT và Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng tại Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN ngày 25/3/2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Định – Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho biết, với Đề án thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, được phê duyệt tại Quyết định 1088 của Bộ NN&PTNT, được thực hiện trên địa bàn 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh gồm: Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang. Trước mắt đề án sẽ triển khai thí điểm tại 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Cụ thể, vùng thứ nhất là cây ăn quả vùng núi phía Bắc, tập trung là Sơn La - Hòa Bình với các sản phẩm như dứa, chanh leo, xoài phục vụ chế biến, xuất khẩu. Vùng thứ hai là gỗ rừng trồng ở vùng duyên hải miền Trung. Vùng thứ 3 là nguyên liệu cà phê tại Tây nguyên. Vùng thứ tư là trái cây tập trung ở Đồng Tháp Mười tập trung tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An với các loại cây xoài, sầu riêng. Vùng thứ 5 là vùng lúa gạo Tứ Giác Long Xuyên. Tổng diện tích của 5 vùng nguyên liệu rất lớn lên đến 186.000ha, địa bàn rất rộng trải dài từ Bắc vào Nam.

Ông Nguyễn Tiến Định cũng cho biết thêm, khi tham gia Đề án, sẽ có nhiều đối tượng được hưởng lợi trực tiếp. Đối tượng đầu tiên là các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt các chuỗi sản xuất nông sản để phát triển các vùng nguyên liệu và liên kết với các hợp tác xã, sau đó thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh đó là các hợp tác xã nông nghiệp. Đây là những chủ thể trực tiếp tham gia sản xuất cũng như tham gia liên kết trong chuỗi sản xuất này. Cùng với đó là tổ khuyến nông cộng đồng, các hộ nông dân, trang trại tham gia và Đề án.

“Với 6 yêu cầu cần đạt chuẩn trong vùng nguyên liệu thì rõ ràng các đối tượng tham gia vào đây sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Tôi lấy ví dụ các doanh nghiệp đầu tàu tham gia trước hết họ được hưởng lợi từ vùng nguyên liệu, được sản xuất tập trung, được đồng bộ hạ tầng…Các hợp tác xã được đào tạo tập huấn, được củng cố nâng cao năng lực, được hỗ trợ trang thiết bị máy móc sơ chế, bảo quản nông sản. Các tổ khuyến nông cộng đồng được củng cố, nâng cao năng lực. Các hộ nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập” – ông Nguyễn Tiến Định nhấn mạnh.

Tại Tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy từ tư tuy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.

Đối với Đề án tăng cường năng lực của đội ngũ khuyến nông viên cơ sở ở cộng đồng - đây là động lực kết nối vùng nguyên liệu. Chính vì vậy, cùng với hỗ trợ hạ tầng, thông qua lực lượng khuyến nông, chúng tôi gọi là hỗ trợ phần mềm sẽ tăng cường năng lực cho cả chuỗi sản xuất.

“Người nông dân có sản xuất đúng quy trình không? Người nông dân có truy xuất được mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc không?, người nông dân có kết nối được với doanh nghiệp và thị trường không, thì đây đều là hỗ trợ của đội ngũ khuyến nông”. – ông Lê Quốc Thanh chia sẻ.

Về đối tượng tham gia tổ khuyến nông cộng đồng thành phần là ai? Ai được tham gia, tiêu chuẩn, tiêu chí thế nào?, Ông Thanh cho biết, trong Đề án đã nêu rõ. Đầu tiên đối tượng nòng cốt vẫn là là lấy lực lượng khuyến nông viên cơ sở, có tham gia của ban quản lý, ban quản trị của hợp tác xã; có sự tham gia của chính quyền địa phương. Đối tượng nữa là có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn. Ví dụ như ở đâu có nhiều vật nuôi, khuyến khích thêm lực lượng của chi cục thú y, ở đâu có nhiều lâm sản thì khuyến khích sự tham gia của chi cục lâm nghiệp; ở địa phương có nhiều hải sản, thuỷ sản khuyến khích sự tham gia chi cục thuỷ sản,…

Tại Tọa đàm, chia sẻ về những khó khăn trong việc xây dựng, giám sát mã số vùng trồng, ông Huỳnh Tấn Đạt – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, khó khăn đầu tiên chính là vùng nguyên liệu, do sản xuất của chúng ta còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung khiến khó áp dụng điều kiện kỹ thuật, hay cơ giới hóa để nâng cao sản lượng và chất lượng cho nông sản. 

Thứ nữa là việc qua tầng lớp trung gian khiến cho việc kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như dịch hại trở nên khó khăn hơn; nhiều nơi cả chính quyền, người dân đều chưa quan tâm đúng mực, dẫn đến buông lỏng quản lý,…

Do đó, để khắc phục những khó khăn này, theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục Bảo vệ Thực vật đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn để các lực lượng này nắm rõ, nắm chắc tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ mã số vùng trồng.

Bên cạnh đó, tiếp tục ký kết và đồng hành với các hiệp hội, giúp các hiệp hội phổ biến tới người dân những nội dung và quy chuẩn trong xây dựng mã số vùng trồng. Cùng với đó là việc đưa kế hoạch xây dựng chuyển đổi số vào giám sát mã số vùng trồng, làm sao để quản lý tốt các lô hàng xuất khẩu, đảm bảo công tác xuất khẩu đáp ứng đúng yêu cầu mà đối tác đưa ra./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực