Thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm từ cây đinh lăng dược liệu​

Thứ bảy, 21/11/2020 23:41
(ĐCSVN) - Nhờ kiên trì gắn bó với mô hình cây đinh lăng dược liệu, đến nay ông Bùi Văn Sớm, ở xóm 12, xã Hải Quang, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.​

Theo sự giới thiệu của Phòng NNo & PTNT huyện Hải Hậu, chúng tôi đến thăm khu vườn của gia đình ông Bùi Văn Sớm, toàn bộ khu vườn rộng hàng héc-ta mùa này toát lên màu xanh mướt lá đinh lăng, hứa hẹn cho chủ nhân một mùa bội thu.

Ông Phạm Văn Đà, Chủ tịch UBND xã Hải Quang cho biết: Ông Bùi Văn Sớm là một trong những người đi đầu trong phong trào phát triển cây đinh lăng dược liệu ở địa phương với diện tích quy mô cấp trang trại lên đến 3ha, lớn nhất xã…

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn, ông Sớm kể, với ý định chuyển đổi diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả của gia đình sang loại cây trồng mới cho thu nhập cao hơn, đầu năm 2002, trong 1 lần đi làm, vô tình biết đến mô hình cây đinh lăng đem lại hiệu quả, ông đã có ý tưởng làm giàu và đầu tư công sức vào loại cây này.

 Ông Bùi Văn Sớm là một trong những người đi đầu trong phong trào phát triển cây đinh lăng dược liệu ở địa phương

Vừa triển khai mô hình ông Sớm vừa đi học kỹ thuật sấy củ, rễ đinh lăng tươi. Để thực hành những kiến thức đã học, ông đã đi các nơi thu mua cây đinh lăng tươi về sấy khô rồi bán cho các cửa hàng thuốc nam với mục đích vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Có thời điểm đinh lăng “sốt” giá, nguồn nguyên liệu ngày cạn kiệt do thương lái đua nhau gom hàng, khiến nguồn đinh lăng không đủ để sấy khô cung cấp ra thị trường, cuối năm 2002 ông Sớm xin chính quyền địa phương chuyển đổi 6 sào diện tích 2 lúa kém hiệu quả sang trồng cây đinh lăng.

Năm 2003 - 2004, đinh lăng “sốt” giá đỉnh điểm. Giá cành đinh lăng tươi khoảng 50.000đ/kg, giá củ đinh lăng tươi 25.000 - 30.000đ/kg. Nhờ đó, chỉ trong 3 năm đầu, ông Sớm đã lãi mấy trăm triệu đồng.

Những năm 2010 - 2011, nhận thấy giá đinh lăng trên thị trường bắt đầu biến động thất thường, ông Sớm đã chủ động kết nối, ký hợp đồng với một công ty dược lớn trên Hà Nội để được hướng dẫn quy trình sản xuất đinh lăng sạch, cũng như việc đảm bảo bao tiêu đầu ra.

 Toàn bộ vườn đinh lăng còn được sản xuất theo quy trình GACP - WHO

Với quyết tâm “nghĩ lớn - làm lớn”, năm 2012 ông mạnh dạn mua thêm đất, mở rộng diện tích, tận dụng triệt để những khoảng đất trống. Đến nay, ông đã có vườn đinh lăng lớn nhất địa phương với diện tích 3ha. Hơn nữa, toàn bộ vườn đinh lăng còn được sản xuất theo quy trình GACP - WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới).

Để có đủ nguồn cung cho công ty theo đơn đặt hàng, ông Sớm đã kêu gọi 30 hộ dân địa phương cùng nhau liên kết sản xuất đinh lăng sạch. Trung bình, mỗi năm ông chịu trách nhiệm cung cấp khoảng 100 tấn đinh lăng tươi cho công ty với giá thu mua trung bình 15.000đ/kg. “Trường hợp giá thị trường cao hơn 15.000đ/kg, thì công ty sẽ thu mua theo giá thị trường. Nếu thấp hơn 15.000đ/kg thì công ty vẫn thu mua cho bà con theo giá hợp đồng nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất không phải lo lắng về giá cả hay đầu ra”, ông Sớm nói.

Theo ông Sớm, trồng đinh lăng không quá khó nhưng cùng không thể chủ quan. Trước khi trồng phải cải tạo lại đất kỹ, xử lý bằng vôi bột và lân. Tiếp đến kéo đất thành luống cao 50 - 60cm để tránh ngập úng; bởi đây là cây chịu hạn. Còn về cây giống, chọn cành đẹp, đủ tiêu chuẩn để cây phát triển nhanh, tỷ lệ sống cao. Do đinh lăng phát triển mạnh từ tháng 7 - 9 âm lịch, nên khi vào vụ mới nên chọn khung thời gian này để xuống giống là lý tưởng nhất.

Được biết trong quá trình trồng, các hộ dân đều ghi chép nhật ký chăm sóc đầy đủ và hàng tháng gửi dữ liệu về công ty kiểm soát. Sau 3 năm trồng, công ty sẽ cử đoàn về kiểm tra, đạt tiêu chuẩn sẽ cho thu hoạch.

Mùa này về ngắm khu vườn nhà ông Sớm sẽ toát lên màu xanh mát sinh thái 

Ngắm khu vườn rộng xanh mát màu sinh thái, quy hoạch bài bản, khang trang, lối đi sạch sẽ và nhiều năm qua được chọn là khu vườn kiểu mẫu đạt tiêu chí cao tại địa phương, chúng tôi càng khâm phục sự kiên trì, tần tảo, dám nghĩ dám làm của lão nông Bùi Văn Sớm. Được biết, để có cơ ngơi như bây giờ, ông Sớm và các thành viên gia đình phải mất gần 20 năm lao động miệt mài.

Với diện tích rộng 3ha, gia đình ông Sớm đang canh tác gần 60.000 gốc đinh lăng theo phương thức trồng cuốn chiếu. Bên cạnh đó, có trồng xen canh cây na, bưởi… Theo tính toán, mỗi năm gia đình ông Sớm thu về gần 400 triệu đồng đã trừ chí phí.

Nhận xét về vườn đinh lăng của ông Bùi Văn Sớm, ông Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng NNo & PTNT huyện Hải Hậu cho biết: Đây là một trong số những trang trại chuyên canh cây đinh lăng dược liệu quy mô lớn tại địa bàn. Cho đến nay kinh phí đầu tư khoảng 7 tỷ đồng, và đây là mô hình chuyển đổi giống cây trồng tiêu biểu, cho thu nhập cao của địa phương. Ngoài việc tập trung phát triển mô hình đinh lăng của gia đình, ông Sớm còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm đinh lăng cho nhiều người đến tham quan, học hỏi…

“Được đánh giá là khu vườn kiểu mẫu đạt tiêu chí cao tại địa phương, nên hàng năm vườn đinh lăng nhà ông Sớm thường xuyên được đón tiếp hàng chục đoàn khách Trung ương và các địa phương đến tham quan, học hỏi. Đặc biệt, năm 2019, gia đình ông còn vinh dự được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đến tham quan, động viên”, ông Phạm Văn Đà chia sẻ thêm./.

Bài, ảnh: Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực