Cánh đồng lớn tạo điều kiện cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp (Nguồn: canthotv.vn).
Phong trào xây dựng cánh đồng mẫu lớn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động tại Cần Thơ ngày 26/3/2011 đã nhận được hưởng ứng tích cực của nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân. Đến năm 20013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Đồng thời, trong lĩnh vực sản xuất lúa gạo, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách, như: Chính sách bảo vệ quỹ đất lúa, bảo đảm nông dân lãi ít nhất 30%; chính sách trợ cấp tín dụng thu mua tạm trữ; chính sách quy định điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo…
Hiệu quả từ mô hình cánh đồng lớn
Thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt từ sau khi Quyết định 62 được ban hành, các tỉnh ở ĐBSCL đã tích cực triển khai liên kết gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Nhiều tỉnh đã quan tâm đến công tác chỉ đạo triển khai, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chỉ đạo và hướng dẫn nông dân sản xuất và tham gia giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Đến nay, số lượng mô hình cánh đồng lớn ở khu vực tăng lên rõ rệt, cả về số lượng cũng như diện tích xây dựng mô hình.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cánh đồng lớn ở ĐBSCL năm 2014 đạt khoảng 146.000 ha, thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên khoảng 196.000 ha. Một số tỉnh có diện tích cánh đồng lớn tăng nhanh và có diện tích lớn như: Cần Thơ đạt 39.000 ha, Sóc Trăng đạt 22.000 ha, Bạc Liêu đạt 17.000 ha,… Các doanh nghiệp lớn như: Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã xây dựng các đề án cụ thể phát triển cánh đồng lớn giai đoạn 2015 - 2020.
Thực tiễn cho thấy, các mô hình cánh đồng lớn đều cho hiệu quả rõ rệt, với quy mô gieo cấy lớn, thuận tiện trong việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian cho nông dân. Bình quân mỗi ha lúa trong mô hình cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 - 15% và giá trị sản lượng có thể tăng khoảng 20 - 25%, thu lợi thêm từ 2,2 - 7,5 triệu đồng/ha. Mặt khác, khi tham gia cánh đồng lớn, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi. Do đó, nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư, tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, hạ giá thành và tăng thu nhập.
Xây dựng mô hình cánh đồng lớn, các doanh nghiệp đã có được vùng nguyên liệu ổn định với chất lượng bảo đảm và tiết kiệm chi phí thu mua, chi phí vận chuyển. Nhờ đó, sản phẩm sản xuất ra bảo đảm chất lượng đồng đều để chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị máy móc. Tình trạng thương lái đấu trộn các loại giống lúa để bán cho doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu đã giảm đáng kể khi doanh nghiệp và nông dân cùng tham gia mô hình cánh đồng lớn.
Cũng nhờ thúc đẩy liên kết cánh đồng lớn, nên các tổ chức nông dân cũng có bước phát triển mới. Hiện nay, một số doanh nghiệp có diện tích liên kết lớn như: Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang, Tổng công ty Lương thực miền Nam đã và đang hỗ trợ nông dân liên kết trong cánh đồng lớn thành lập các hợp tác xã nông nghiệp làm tổ chức trung gian kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Điển hình là Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang trong năm 2014 đã hỗ trợ thành lập 471 tổ, nhóm hợp tác của các hộ sản xuất lúa trong diện tích gần 40.000 ha cánh đồng lớn của Công ty ở ĐBSCL. Theo kế hoạch, năm 2016, Công ty thành lập 100 hợp tác xã trong vùng nguyên liệu của Công ty ở khu vực này. Điểm đáng chú ý, sau khi thành lập các hợp tác xã, Công ty đã cử nhân viên kỹ thuật hỗ trợ các hợp tác xã về kỹ năng quản lý, đã giúp các hợp tác xã chủ động trong việc sản xuất. Hoặc như ở Tiền Giang, trong các mô hình sản xuất lúa theo hướng cánh đồng lớn, 100% nông dân đã sử dụng giống lúa chất lượng cao, thực hiện quá trình “1 phải 5 giảm” (phải sử dụng giống tốt, giống xác nhận; giảm giống, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới và số lần bơm tưới, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch) đã góp phần tăng lợi nhuận cho nông hộ thêm từ 2,5 - 4 triệu đồng/ha.
Còn nhiều khó khăn, hạn chế
Nhìn chung, sự thành công của các mô hình hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cả nông dân và cán bộ chính quyền các cấp về tính tất yếu phải hợp tác, phải liên kết trong phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng trong liên kết, xây dựng cánh đồng lớn cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Tốc độ mở rộng diện tích liên kết cánh đồng lớn còn chậm. Mặc dù ĐBSCL là nơi tập trung nhiều nhất diện tích cánh đồng lớn của cả nước, nhưng chỉ đạt khoảng 11% tổng diện tích canh tác lúa của cả vùng.
Tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp. Thực tiễn cho thấy, tỷ lệ thành công hợp đồng tiêu thụ nông sản mới chỉ ở mức bình quân 20 - 30% đối với lúa, cao nhất mới được trên 70%. Tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân vi phạm hợp đồng vẫn còn diễn ra.
Tuy đã có quy định xuất khẩu lúa gạo là ngành xuất khẩu có điều kiện, doanh nghiệp muốn xuất khẩu thì phải có đầy đủ điều kiện như: Chủ động nguồn nguyên liệu, hệ thống phơi sấy, hệ thống kho tạm trữ,… sau đó mới đi đấu giá với thị trường nước ngoài để xuất khẩu, nhưng một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước, sau đó lại giao cho thương lái thu gom. Điều này nhiều khi gây ra tình trạng xáo trộn, tranh giành mua bán hoặc o ép nông dân mỗi khi thiếu hoặc dư thừa lúa gạo xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp chưa có đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân, chưa có đủ điều kiện để tổ chức hệ thống thu mua, nên hình thức thu mua chủ yếu là qua thương lái.
Đối với nhiều mô hình đã triển khai cũng còn không ít khó khăn. Chẳng hạn như: Thiếu các tổ chức nông dân hoạt động có hiệu quả; giá cả thị trường nông sản biến động; thiên tai, biến đổi khí hậu cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện liên kết cánh đồng lớn. Ở nhiều địa phương, do ngân sách hạn chế, nên chưa thể cân đối kinh phí để hỗ trợ thực hiện cánh đồng lớn. Chế tài xử lý vi phạm hợp đồng trong liên kết sản xuất và trách nhiệm của các ngành, các cấp, chính sách trên địa bàn thực hiện liên kết theo cánh đồng lớn chưa thực sự rõ ràng. Tình trạng đất đai manh mún, hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu kém cũng ảnh hưởng đến thực hiện liên kết, xây dựng cánh đồng lớn.
Thúc đẩy liên kết, xây dựng cánh đồng lớn
Mục tiêu của liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn trong sản xuất lúa gạo là nhằm ứng dụng đồng bộ và chuyển giao các giải pháp khoa học - công nghệ; giải pháp canh tác nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí và thích nghi với biến đổi khí hậu; nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh lúa gạo từ dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ,… Do vậy, để tiếp tục thúc đẩy liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, người nông dân cần được tập hợp trong các tổ chức kinh tế hợp tác với nhau theo từng cánh đồng lớn, thay cho các hoạt động độc lập, riêng lẻ.
Tuỳ theo điều kiện từng vùng, từng nơi, cần từng bước hình thành và xây dựng các loại hình kinh tế hợp tác để thuận lợi cho đầu tư, sản xuất hàng hoá đủ lớn, dễ tiếp cận thị trường và bảo đảm đầu ra. Theo đó, các loại hình hợp tác có thể phát triển theo phương thức tổ nhóm, câu lạc bộ, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…
Tiếp tục nâng cao năng lực tổ chức và quản lý để duy trì và mở rộng các loại hình tổ chức sản xuất hoạt động có hiệu quả; chú ý phát triển kinh tế hộ, nâng cao năng lực tổ chức và quản lý cho nông dân; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các tổ nhóm, câu lạc bộ, hợp tác xã.
Các doanh nghiệp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, nhất là đầu tư cho khâu chế biến nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo. Đồng thời, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc xây dựng vùng nguyên liệu, gắn kết chặt chẽ với quyền lợi chính đáng của nông dân ngay từ khâu sản xuất, thu mua, giảm bớt các khâu trung gian. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào việc xây dựng vùng chuyên canh. Hình thành liên kết lâu dài giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp nòng cốt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tham gia liên kết sản xuất và xuất khẩu.
Trong sản xuất lúa gạo, không nhất thiết chạy theo khối lượng. Sau khi bảo đảm an ninh lương thực, cần làm sao để sản xuất và xuất khẩu gạo mang lại giá trị cao nhất. Muốn vậy, cần xây dựng được thị trường ổn định và tạo được thương hiệu cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Nghiên cứu và phát triển những loại gạo thơm, gạo cao cấp, đặc sản có giá trị cao…/.