Thúc đẩy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong thực hiện EVFTA

Thứ sáu, 29/11/2024 17:39
(ĐCSVN) – Cuốn sách đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh thực hiện EVFTA.
 PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu phát biểu tại Hội thảo.

Trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận hợp tác năm 2024 giữa Viện Nghiên cứu châu Âu và Quỹ Friedrich Naumann Foundation, CHLB Đức (FNF), ngày 29/11, Viện Nghiên cứu châu Âu tổ chức Hội thảo giới thiệu sách “Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu ÂU (EVFTA)”.

Tham dự Hội thảo có các đại diện đến từ Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện FNF Việt Nam, Cục Kinh tế Hợp tác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Tài chính, Tổ chức Lương thực Thế giới (WWF), các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng…

Phát biểu khai mạc Hội thảo,  PGS.TS.Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu cho biết, cuốn sách là kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp tỉnh “Giải pháp thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)” thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2024 với mong muốn đưa ra khuôn khổ lý luận về thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp của Liên minh châu Âu và một số nước trong khu vực, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU trong bối cảnh thực hiện EVFTA.

Nội dung cuốn sách gồm 5 chương: Chương 1: Cơ sở lý thuyết và khung phân tích về trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp; Chương 2: Kinh nghiệm quốc tế về triển khai thực hiện trách nhiệm xã hội của EU, và một số nước trong khu vực; Chương 3: Đánh giá thực trạng nhận thức và thực hiện trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Chương 4: Xây dựng bộ tiêu chí trách nhiệm xã hội; Chương 5: Đề xuất giải pháp tăng cường thực hiện trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh.

Cuốn sách “Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong bối cảnh thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu ÂU (EVFTA)"

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, và là một trong các tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá mức độ đóng góp của doanh nghiệp đối với xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2023, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm gần 3% trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, Bình Dương luôn xác định nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Đứng trước yêu cầu phát triển bền vững và các cam kết quốc tế từ các FTA thế hệ mới đối với ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Dương, việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là hết sức cần thiết và mang tính chiến lược.

Theo Quyết định số 3485/QD-UBND Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 ngày 23/11/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nông nghiệp sạch, cung cấp nông sản an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là một chủ trương lớn của tỉnh Bình Dương và đang được các cơ quan ban ngành của tỉnh quan tâm thúc đẩy triển khai. Đặt trong định hướng phát triển nông nghiệp đó của tỉnh, Bình Dương đang ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng về tiếp cận thị trường, trong đó EU là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam.

Tuy nhiên, EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa, dịch vụ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, cùng với đó, yêu cầu về việc thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) luôn được xem là những mục tiêu ưu tiên, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Phấn đấu sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), để tranh thủ các cơ hội thị trường khi thực hiện EVFTA là mục tiêu và cũng là động lực để chuẩn hóa các điều kiện sản xuất, đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp vừa đảm bảo năng suất chất lượng, hiệu quả vừa đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội như sử dụng lao động, môi trường, tài nguyên, giá trị đạo đức, văn hóa, uy tín, thương hiệu,… Đối với ngành nông nghiệp, yêu cầu này cần được xem là một trong những giải pháp phát triển bền vững ngành sản xuất nông nghiệp trên các khía cạnh kinh tế, môi trường, xã hội./.

T.L

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực