Tiền Giang xây dựng cánh đồng lớn kiểu mẫu giai đoạn 2017 – 2018

Thứ năm, 01/06/2017 16:08
Hiện Tiền Giang đã chọn hai xã vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của huyện Cái Bè và Gò Công Tây là Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) và Bình Nhì (Gò Công Tây) để triển khai cánh đồng lớn kiểu mẫu giai đoạn 2017 – 2018 làm điểm và nhân rộng.

Vùng lúa xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) sẽ được xây dựng CĐL kiểu mẫu. Ảnh: Báo Ấp Bắc.

Quy mô diện tích cánh đồng lớn tại hai địa phương khoảng 660 ha; trong đó xã Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) 380 ha, còn lại 280 ha ở xã Bình Nhì (Gò Công Tây).

Tiền Giang có kế hoạch đầu tư trên 14 tỷ đồng thực hiện cánh đồng lớn kiểu mẫu tại hai xã Hậu Mỹ Trinh và Bình Nhì trong hai năm 2017 - 2018.

Từ nguồn kinh phí Dự án VnSAT (Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững ở Việt Nam), Tiền Giang đầu tư 4 tỷ đồng giúp Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mỹ Trinh lắp đặt hệ thống sấy công suất 60 tấn/mẻ; nhà kho 1.000 tấn, 1 máy cuốn rơm.

Tỉnh cũng đầu tư 600 triệu đồng chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo tiêu chí VietGAP để hình thành vùng lúa gạo an toàn trong khuôn khổ cánh đồng lớn kiểu mẫu đồng thời với hỗ trợ thông tin truyền thông, liên kết và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Cùng đó, trên 6,9 tỷ đồng dự kiến để hoàn thiện kiến thiết hạ tầng, giao thông, thủy lợi nhằm tạo tiền đề cho chương trình xây dựng cánh đồng lớn kiểu mẫu thắng lợi gắn với xây dựng nông thôn mới theo chương trình mục tiêu quốc gia.

Để đạt hiệu quả, UBND tỉnh giao các ngành hữu quan và địa phương hưởng lợi phối hợp chỉ đạo thực hiện, xây dựng kế hoạch và phân công cán bộ kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết – tổng kết để nhân rộng.

Cánh đồng lớn kiểu mẫu phấn đấu đạt năng suất lúa trong mô hình đạt tối thiểu 70 tấn/ha/vụ với giống lúa chất lượng cao và lợi nhuận nông dân tham gia mô hình tăng 15% so với bên ngoài mô hình.

Diện tích trong mô hình cánh đồng lớn kiểu mẫu phải liền vùng, liền thửa. Mạng lưới kênh mương hạ tầng hoàn thiện bảo đảm phục vụ tưới tiêu và phòng chống thiên tai hạn hán hiệu quả kết hợp với giao thông thuận tiện cho giao thương, tiêu thụ nông sản…

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tỉnh chú trọng hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã trọng điểm trong vùng để đảm bảo về năng lực điều hành thực hiện cũng như liên kết theo chuỗi giá trị và hướng nông dân vào sản xuất theo tiêu chí GAP…

Tiền Giang có diện tích gieo trồng hàng năm trên 235.000 ha; trong đó, trên 61% là lúa chất lượng cao, lúa đặc sản; năng suất bình quân 57,2 tạ/ ha và sản lượng cả năm đạt khoảng 1,3 triệu tấn lúa.

Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng được 23 cánh đồng lớn tại 23 xã vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của địa phương với tổng diên tích trên 12.600 ha.

Tuy nhiên, qua thực hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là mối liên kết ngang, liên kết dọc còn lỏng lẻo; hạ tầng cơ sở yếu kém, quy mô ruộng đất các hộ tham gia nhỏ lẻ nên cánh đồng lớn manh mún, chưa liền vùng, liền thửa khó khăn áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh./.

Minh Trí/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực