Tôn vinh nhiều doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế toàn cầu 2023

Chủ nhật, 23/07/2023 20:05
(ĐCSVN) - Chương trình mong muốn tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng được người tiêu dùng tin cậy lựa chọn.

Ngày 23/7, chương trình truyền hình trực tiếp Diễn đàn kinh tế toàn cầu và công bố “Thương hiệu xuất sắc toàn cầu 2023” do Trung Tâm Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp Châu Á, Tạp Chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương phối hợp với các cơ quan hữu quan và các tổ chức quốc tế uy tín toàn cầu phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Nhà hát Quân Đội, Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên kênh VTC6, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC..

 Vinh danh các cá nhân doanh nhân tiêu biểu (Ảnh: HNV)

Tham dự chương trình có: Ông Ngô Sách Thực, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu Nghị Việt Nam – Malaysia; PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; ông Đinh Ngọc Linh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Malaysia; TS Bùi Văn Quyền, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Sáng chế Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Hambali Mukhlas, Chủ tịch Ủy ban kinh doanh quốc tế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Malaysia (NCCIM); ông Ngô Sỹ Tuyền, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Malaysia...

Theo Báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2023”, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, nền kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga và U-crai-na cùng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát. Những động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2023 dự kiến sẽ suy giảm trong các tháng cuối năm. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu cả năm 2023 sẽ chậm lại, phản ánh sự giảm tốc rõ rệt ở các nền kinh tế phát triển. Các tổ chức trên thế giới như WB, OECD, UNDESA, FR và IMF đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2023 tăng nhẹ so với dự báo. Trong bối cảnh đó, Ban tổ chức chương trình đã xác định một cách toàn diện, khích lệ và tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân đã không ngừng phấn đấu, thay đổi tư duy đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của thị trường, phát triển bền vững, đóng góp tích cực phục vụ cộng đồng và phát triển nền kinh tế chung. Chương trình được đồng hành bởi nhà tài trợ Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Phát triển VIGEN Việt Nam.

Vinh danh các doanh nghiệp đợt 1 (Ảnh: HNV)

Phát biểu chào mừng, ông Ngô Sách Thực, đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu Nghị Việt Nam – Malaysia nhấn mạnh: Trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức như đã đề cập, việc tổ chức chương trình hôm nay chính là một trong những hoạt động nhằm tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp, giúp nâng cao vị thế cạnh tranh của các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng được người tiêu dùng tin cậy lựa chọn. Qua đó, động viên, khích lệ các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam không ngừng đổi mới, chủ động tìm kiếm các giải pháp kinh doanh thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần thiết thực vào quá trình phục hồi, duy trì tăng trưởng kinh tế chung của nước ta hiện nay.

Cũng tại chương trình, ông Hambali Mukhlas, Chủ tịch Ủy ban kinh doanh quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Malaysia (NCCIM) chia sẻ về kế hoạch tổng thể ngành công nghiệp Halal 2030 đã được xây dựng cẩn thận để khai thác thế mạnh của Malaysia, đưa Halal lên một tầm cao mới. Malaysia hướng tới trở thành quốc gia dẫn đầu nổi bật và toàn cầu hóa trong thị trường Halal, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. “Bằng cách định vị mình là một trung tâm Halal, Malaysia trở thành một cánh cổng dẫn vào thị trường Trung Đông và Bắc Phi đầy hứa hẹn. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác hệ sinh thái này của chúng tôi để khám phá cơ hội kinh doanh mới và mở rộng tầm vóc, quy mô của mình. Bằng cách thích nghi với những quy định của thị trường, các doanh nghiệp Việt có thể khai thác các phân khúc thị trường cụ thể và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các sản phẩm Halal. Hãy nắm lấy tiềm năng của ngành công nghiệp Halal, hợp tác xuyên biên giới và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua sức mạnh của Halal”- vị Chủ tịch NCCIM nói.

 Vinh danh các doanh nghiệp đợt 2 (Ảnh: HNV)

Điểm nhấn của chương trình là hoạt động tôn vinh 73 doanh nghiệp với danh hiệu “Thương hiệu xuất sắc toàn cầu 2023” đồng thời vinh danh các “Nhà lãnh đạo xuất sắc toàn cầu 2023” cho 8 doanh nhân tiêu biểu, qua đó, tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội cũng như cộng đồng doanh nghiệp nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh của các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ uy tín, chất lượng được người tiêu dùng tin cậy lựa chọn. Đồng thời động viên, khích lệ các doanh nghiệp trên cả nước phấn đấu hết mình, nỗ lực phát triển đầu tư về chiều sâu và thúc đẩy ở một tầm vóc mới, nhằm tìm ra những giải pháp kinh doanh thiết thực, hiệu quả hơn, để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp và vươn lên mạnh mẽ trong tương lai không xa.

Phiên trao đổi của đại diện Việt Nam và Malaysia tại khuôn khổ chương trình (Ảnh: HNV)

Trong khuôn khổ chương trình, hai đại biểu: ông Ngô Sách Thực và ông Hambali Mukhlas, Chủ tịch Ủy ban kinh doanh quốc tế,  NCCIM đã trao đổi về tiềm năng, triển vọng ngành Halal Việt Nam trong mối quan hệ hợp tác với cộng đồng Hồi giáo toàn thế giới nói chung và Malaysia nói riêng. Với Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” và thực tế thời gian qua, Việt Nam đã bước đầu tiếp cận thị trường Halal toàn cầu, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu được chế biến từ thủy sản, nông sản (thực vật), chưa có điều kiện để chứng nhận cho các sản phẩm nông sản chế biến từ động vật. Nhiều lĩnh vực như dược, mỹ phẩm, du lịch... Halal còn chưa được quan tâm khai thác. Khó khăn đối với sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm Halal là sự thiếu thông tin về thị trường, tiêu chuẩn Halal; đồng thời chi phí trong đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị để sản xuất sản phẩm Halal hiện tương đối cao.

Do đó, trong bối cảnh này, Việt Nam cần tận dụng tối đa hợp tác và các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu; thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương về phát triển ngành Halal giữa Việt Nam với các đối tác, nhất là các nước Hồi giáo và các nước ASEAN; ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal; tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...

  Vinh danh các doanh nghiệp đợt 3 (Ảnh: HNV)

Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Malaysia (1973 – 2023), Việt Nam sẽ tổ chức chuỗi sự kiện “Hành trình Văn hóa – Thương mại Việt Nam – Malaysia” dự kiến diễn ra tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia tới đây nhằm thúc đẩy các hoạt động hữu nghị đối ngoại nhân dân và tăng cường hợp tác đầu tư thương mại cho doanh nghiệp hai nước.

Đề cập tới chứng nhận, biểu trưng Halal của Malaysia được công nhận và chấp thuận trên toàn cầu, ông Hambali Mukhlas cho biết, Malaysia sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để gia tăng hiệu quả của ngành Halal hai bên cũng như thông tin về việc xây dựng mô hình “Ngôi nhà Việt Nam” tại chuỗi sự kiện “Hành trình Văn hóa – Thương mại Việt Nam – Malaysia” dự kiến diễn ra tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia tới đây nhằm giới thiệu thêm văn hóa phong tục Việt Nam tại Malaysia, thúc đẩy thêm hợp tác chiến lược giữa hai bên./.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực